Đọc hiểu văn bản: Trên xuất sắc của Phạm Sông Hồng

Đọc văn bản sau:

TRÊN XUẤT SẮC
(Phạm Sông Hồng)

Tiếng thằng bé vút qua tai tôi khi nó vừa nói như hét vừa lao vào nhà, cả người chúi về phía trước: Mẹ ơi, con được Học sinh xuất sắc, được thưởng một cái hộp xếp hình.
Tôi chưa kịp khen thì vừa tháo quai cặp khỏi vai, nó lại hỏi tiếp: Mẹ ơi thế tiên tiến với xuất sắc thì cái gì hơn?
Tôi trả lời chưa dứt câu, nó dồn ngay: Thế trên xuất sắc là gì hả mẹ?
Tôi đành xin khất đến hôm sau.
*
Tôi không muốn trả lời con một cách cho xong việc. Sự trong trắng của trẻ con như tờ giấy trắng, nó đòi hỏi ta phải cẩn trọng, phải băn khoăn khi có lời. Tôi thường hồi hộp khi ngồi vào bàn viết trước một trang giấy quá trắng.
*
Không hiểu có phải tôi bắt đầu già nên thời gian gần đây tôi hay nghĩ về kỉ niệm tuổi thơ. Và tôi thấy tuổi thơ của một người hình như có thể gói gọn trong một hình ảnh nhiều khi như rất nhỏ nhoi, vô nghĩa… với kẻ khác
Qua những câu chuyện của cha về bãi biển Quy Nhơn với những ngôi nhà đủ kiểu trên cát, tôi bỗng hiểu những hạt cát ướt kia chính là tuổi thơ cha. Và cái ngôi nhà rỗng, người lạ đến mang hết đồ đạc đi, và tiếng rơi bất chợt của cái thìa nhôm hàng ngày bà ngoại đã bón cơm cho dì, cậu tôi… bỗng âm vang lạ lùng trên nền nhà vắng… là tuổi thơ mẹ.
Tuổi thơ của tôi là gì?
*
Nhưng tôi còn phải trả lời con tôi.
Tôi không hài lòng lắm với câu tôi đã định trả lời, tôi bỗng cảm thấy nó có vẻ nông cạn và công thức. Càng ngày tôi càng hiểu những câu hỏi bao giờ cũng thú vị cũng hấp dẫn hơn những câu trả lời. Hình như một trong những cái khổ của người lớn là hay phải trả lời.
*
Trên xuất sắc nghĩa là từ những miếng nhựa này, con xếp được nhiều thứ nhất.
Thằng bé như muốn được “trên xuất sắc” ngay, nó ôm thật nhanh cái hộp vào góc nhà và bắt đầu xếp…
Lúc tôi đến bên thì thằng bé đang xếp một hình gì đó thật khó hiểu: nó gồm các miếng nhựa chồng lên nhau, mỗi “tầng” một miếng cao ngất ngưởng, trên cùng là một miếng vuông.
Con xếp gì đấy? Nhà đây mẹ ạ. Đây không phải là nhà con ạ. Nói rồi tôi định dỡ “ngôi nhà” kì cục kia, xếp mẫu cho nó xem, nhưng nó đã gạt tay tôi ra một cách quyết liệt: Nhà của con, có sân bay trên nóc đấy!
Tôi sững người không phải vì cái gạt tay quyết liệt nhưng yếu ớt kia mà vì mấy tiếng rất đĩnh đạc, rất người lớn của thằng bé: Nhà của con.
*
Tôi cũng đã từng xây nhà, những ngôi nhà cát ướt, trong có những vỏ ốc làm chén bát, những cuống lá làm thìa để “ngôi nhà” khỏi trống trải. Mọi người đã cười những “ngôi nhà cát” kì quặc và rồ dại ấy vì hình dáng của chúng chỉ giống mỗi trí tưởng tượng của tôi.
Thế mà lúc chiều, suýt nữa tôi đã làm hỏng “ngôi nhà” tưởng tượng của nó.
Nó có vẻ giận tôi, bất hợp tác…
Tôi lại lan man nghĩ đến tuổi thơ của mình.
*
Không hiểu bây giờ tôi là ai nếu hồi ấy mẹ đồng ý khi tôi định bỏ học đi làm kiếm tiền giúp bố mẹ như nhiều nhà khác. Nhà mình nghèo thật, nhưng bố mẹ sẽ cố hết sức để các con được đi học vì mẹ biết dù nói thế con vẫn rất muốn được đi học. Và tôi sẽ là ai khác nữa nếu hồi ấy cha không đồng ý để tôi theo học một ngành rất “con trai”, ngành tự động học mặc dầu ông rất muốn con theo nghề viết.
Hay là cha mẹ không ép tôi vì đã dửng dưng trước tương lai của đứa con đầu lòng bướng bỉnh? Nếu vậy thì buồn quá!
Rồi chẳng hiểu cơn cớ gì lại đưa đẩy tôi trở về với nghiệp cha. Khi cầm tập truyện đầu tay của tôi, cha chỉ im lặng xoa đầu con gái, mắt cười đầy nước.
Tôi bỗng hiểu cha mẹ đã yêu tôi, đã hi sinh thầm lặng vì những ngôi nhà của tôi như thế nào.
*
Tôi thấy cần phải gặp con đã như một việc khẩn cấp để xin lỗi nó và để nói với nó rằng: Con đã làm được một việc trên xuất sắc vì con đã xây một ngôi nhà đúng là nhà của con.
Tôi nhìn ngôi nhà xếp kì quặc của nó sừng sững trên bàn, nấn ná mãi mới dắt được xe ra cửa…
(Tiếng đáy – tập truyện ngắn của Phạm Sông Hồng, NXB Hội nhà văn – Công ti sách Hà Nội, 2007, tr. 204 – 210)

Đọc hiểu văn bản: Trên xuất sắc của Phạm Sông Hồng

Câu 1. Truyện ngắn trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ mấy?

Click vào đây để xem đáp án

Truyện ngắn trên sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất.

Câu 2. Dựa vào câu chuyện, hãy cho biết cậu bé tỏ thái độ như thế nào khi mẹ muốn giúp cậu xếp ngôi nhà “cho đúng” theo cách của mẹ?

Click vào đây để xem đáp án

Thái độ của cậu bé khi mẹ muốn giúp cậu xếp ngôi nhà “cho đúng” theo cách của mẹ là: quyết liệt từ chối, giận dỗi, bất hợp tác.

Câu 3. Đặc điểm nổi bật của nhân vật người con được thể hiện trong văn bản như thế nào?

Click vào đây để xem đáp án

Nhận xét về nhân vật cậu bé trong văn bản
– Có tâm hồn trong sáng, có ước mơ riêng
– Có suy nghĩ độc lập, mạnh mẽ, quyết đoán, bản lĩnh

Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa các cụm từ “nhà của con” trong lời cậu bé và “ngôi nhà của tôi” trong lời người kể chuyện?

Click vào đây để xem đáp án

– Ý nghĩa các cụm từ “nhà của con” trong lời cậu bé

+ Nghĩa đen:là mô hình thiết kế ngôi nhà đồ chơi bằng nhựa do cậu bé lắp ghép.

+ Nghĩa bóng: chỉ ước mơ, suy nghĩ, dự định, kế hoạch cuộc đời riêng của cậu bé.

– Ý nghĩa cụm từ“ngôi nhà của tôi” trong lời người kể chuyện: mong muốn, kì vọng của người mẹ.

Câu 5. Thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với anh/chị sau khi đọc văn bản trên (trả lời trong đoạn văn từ 5 – 7 dòng).

Click vào đây để xem đáp án

– Thông điệp: con người sẽ được hạnh phúc nếu được sống với mong muốn suy nghĩ riêng của bản thân mình; và chỉ cần sống hết với khả năng của bản thân thì đã có thể trở thành người xuất sắc.
– Lí giải

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *