Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Tấc đất Thành Cổ (Phạm Đình Lân)
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời cũng tự trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào
Bạn nằm lại nơi này, nơi nao?
Phía đông thành, tây thành hay dưới dòng Thạch Hãn
Tám mươi mốt ngày đêm đất trời ken dày bom đạn
Cát trắng rang vàng, nghiêng lệch cả dòng sông
Thắp một nén nhang và khóc ít thôi
Tôi thầm nhủ lòng mình như vậy
Để một phút lắng lòng nghe bạn gọi
Bạn nằm lại nơi nào bạn ơi?
Bạn nằm lại nơi đồng đất quê hương
Nơi chiến tuyến lằn ranh sông Bến Hải
Súng trong tay và đôi mắt rực lửa
Trút hận xuống đầu thù rồi ngã xuống bình yên
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca Bẩt tử đến vô cùng.
Tháng 7-2002
(Nguồn Internet: WWW.gocnhin.net)

Câu 1. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?
Click vào đây để xem đáp án
Nhân vật trữ tình trong bài thơ: Tôi
Câu 2. Liệt kê những từ ngữ, hình ảnh gợi vùng đất Quảng Trị?
Click vào đây để xem đáp án
Liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh gợi vùng đất Quảng Trị: Thành Cổ, dòng Thạch Hãn, tám mươi mốt ngày đêm, sông Bến Hải, trời Quảng Trị.
Câu 3. Anh/Chị hiểu thế nào về ý nghĩa của câu thơ sau:
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Click vào đây để xem đáp án
Câu thơ với cấu trúc Mỗi … là một cùng với từ khẳng định có thật đã nhấn mạnh sự khốc liệt của chiến tranh. Nơi đây, để bảo vệ từng tấc đất đã có biết bao chiến sĩ đã ngã xuống. Đồng thời nhấn mạnh niềm xót xa của nhân vật trữ tình trước sự hi sinh của đồng đội, trước sự mất mát quá lớn của dân tộc.
Câu 4. Nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ sau:
Bạn nằm lại nơi này, nơi nao?
Phía đông thành, tây thành hay dưới dòng Thạch Hãn
Tám mươi mốt ngày đêm đất trời ken dày bom đạn
Cát trắng rang vàng, nghiêng lệch cả dòng sông
Click vào đây để xem đáp án
* Chỉ ra và nêu được biểu hiện của 1 biện pháp tu từ: Câu hỏi tu từ/Phóng đại…
* Phân tích được tác dụng của biện pháp tu từ đã nêu ở trên:
– Câu hỏi tu từ: Tạo giọng điệu da diết cho những câu thơ; nhấn mạnh hiện thực khốc liệt của chiến tranh, biết bao chiến sĩ đã ngã xuống nơi đây, hoà bình lập lại rồi mà đồng đội chưa thể xác định được chỗ các anh nằm nghỉ; câu hỏi tu từ tô đậm nỗi xót xa, trăn trở, đau đáu của nhân vật trữ tình…
– Biện pháp phóng đại: Tạo giọng điệu xót xa cho những câu thơ; gợi những ngày tháng ác liệt – tám mươi mốt ngày đêm – giặc Mĩ rải bom dày đặc trên đất trời Thành Cổ, làm thay đổi cả thiên nhiên – những điều tưởng như bất biến, cát như được rang vàng, dòng sông như nghiêng lệch hẳn đi; nhân vật trữ tình thể hiện tâm trạng đau đớn trước những đau thương, mất mát mà cả thiên nhiên và con người phải gánh chịu, thể hiện niềm căm phẫn trước tội ác của giặc Mĩ.
Câu 5. Qua bài thơ trên, anh/chị rút ra bài học sâu sắc nhất đối với bản thân và giải thích lí do.
Click vào đây để xem đáp án
Sau khi đọc bài thơ “Tấc đất thành cổ”, điều khiến em xúc động và ghi nhớ sâu sắc nhất chính là thông điệp về lòng biết ơn và sự trân trọng đối với những người lính đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình mà chúng ta đang hưởng hôm nay là kết quả của biết bao hy sinh, mất mát mà các thế hệ cha anh đã trải qua. Họ – những người lính kiên cường – đã để lại cho đất nước một cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Nhờ có họ, chúng ta mới được sống trong tự do, được học hành, được đóng góp sức mình cho đất nước. Những người anh hùng ấy đã lặng thầm cống hiến cả tuổi trẻ, thậm chí đánh đổi cả tính mạng vì độc lập, tự do của dân tộc. Chính vì vậy, chúng ta cần khắc ghi công lao to lớn ấy, học tập tinh thần quả cảm và ý chí kiên cường của họ để tiếp tục xây dựng, gìn giữ và bảo vệ quê hương đất nước.