Đọc hiểu văn bản thông tin: Đền Ngọc Sơn, Điểm Nhấn Văn Hoá Giữa Hà Nội

Phần I. Đọc – hiểu (4.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:

Đền Ngọc Sơn là một di tích lịch sử văn hóa Hà Nội đặc trưng cho truyền thống tín ngưỡng và thờ phượng tâm linh của người dân Hà Thành. Đền nằm trên một gò đất cao phía Đông Bắc của hồ Hoàn Kiếm, đường dẫn vào là cầu Thê Húc như một “dải lụa đỏ” cong cong, mềm mại vắt ngang tạo nên một di tích danh thắng hài hòa với bối cảnh thiên nhiên, khiến người ngắm nhìn không khỏi bị thu hút bởi vẻ đẹp ấy.

Đền được xây dựng từ đầu thế kỉ 19. Năm Tự Đức thứ 18 (1865), nhà nho Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra tu sửa lại ngôi đền và dần dần có diện mạo như ngày nay. Đền Ngọc Sơn mới sửa được đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh. Điểm nhấn tuyệt vời nhất là khi ông còn cho xây thêm đình Trấn Ba, bắc một cây cầu từ bờ Đông đi vào đền, gọi là cầu Thê Húc – tên cầu Thê Húc nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời. Bên trái của đền ông cho dựng Đài Nghiên. Phía Đông trên núi Ngọc Bội ông cho xây Tháp Bút, tạo nên một thể hoàn chỉnh.

Đền Ngọc Sơn là một điển hình về không gian và kiến trúc tuyệt tác. Đền Ngọc Sơn được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Tam. Bên trong đền có các câu đối, hoành phi và vật bài trí vô cùng linh thiêng. Kiến trúc đền Ngọc Sơn thể hiện rõ nét sự hòa hợp về tôn giáo qua nhiều năm tháng lịch sử.

Tới Hà Nội, thả bước bên Hồ Gươm rồi vào Đền Ngọc Sơn thắp nén nhang, cầu khẩn thần linh phù hộ sức khỏe, bình an đã trở thành thói quen của nhiều người. Nơi đây cũng là điểm dừng chân quen thuộc của du khách thập phương mỗi lần đến thủ đô.

(Nguyễn Thuỵ Mộc Nhiên, Đền Ngọc Sơn, điểm nhấn văn hoá giữa Hà Nội, trang 115, NXB Văn hoá, 2008)

Đọc hiểu văn bản thông tin: Đền Ngọc Sơn, Điểm Nhấn Văn Hoá Giữa Hà Nội

Câu 1 (0,5 điểm): Văn bản trên giới thiệu về đối tượng nào?

Gợi ý: Đọc kỹ câu mở đầu để xác định đối tượng được giới thiệu.

Click vào đây để xem đáp án
Văn bản trên giới thiệu về đối tượng: Danh thắng Đền Ngọc Sơn.

Câu 2 (0,5 điểm): Theo văn bản, điểm nhấn tuyệt vời nhất của đối tượng là gì?

Gợi ý: Tìm câu văn miêu tả chi tiết điểm đặc biệt nhất của đối tượng.

Click vào đây để xem đáp án
Điểm nhấn tuyệt vời nhất của đối tượng là: “Ông (Nguyễn Văn Siêu) còn cho xây thêm đình Trấn Ba, bắc một cây cầu từ bờ Đông đi vào đền, gọi là cầu Thê Húc – tên cầu Thê Húc nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời.”

Câu 3 (1,0 điểm): Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn:

“Đền nằm trên một gò đất cao phía Đông Bắc của hồ Hoàn Kiếm, đường dẫn vào là cầu Thê Húc như một “dải lụa đỏ” cong cong, mềm mại vắt ngang tạo nên một di tích danh thắng hài hòa với bối cảnh thiên nhiên, khiến người ngắm nhìn không khỏi bị thu hút bởi vẻ đẹp ấy.”
Gợi ý: Xác định biện pháp so sánh và phân tích ý nghĩa của hình ảnh được so sánh.

Click vào đây để xem đáp án
Biện pháp tu từ so sánh: “Cầu Thê Húc như một ‘dải lụa đỏ’ cong cong, mềm mại”.

  • Tác dụng:
    • Tăng sức gợi hình, gợi cảm, giúp lời văn trở nên sinh động, hấp dẫn.
    • Khắc họa vẻ đẹp mềm mại, cuốn hút với màu đỏ nổi bật của cầu Thê Húc, góp phần tôn lên sự hài hòa của danh thắng Đền Ngọc Sơn với bối cảnh thiên nhiên.
    • Thể hiện tình yêu và niềm tự hào của tác giả về vẻ đẹp quê hương.

Câu 4 (1,0 điểm): Văn bản giới thiệu về đối tượng trên những phương diện nào? Nhận xét về cách giới thiệu của tác giả.

Gợi ý: Tìm các phương diện mà tác giả đã đề cập và đánh giá cách triển khai nội dung.

Click vào đây để xem đáp án
  • Văn bản giới thiệu về đối tượng trên những phương diện:
    • Vị trí, địa hình.
    • Lịch sử hình thành, phát triển.
    • Kiến trúc.
    • Ý nghĩa của danh thắng.
  • Nhận xét: Cách giới thiệu khoa học, cuốn hút, giúp người đọc dễ dàng hình dung và cảm nhận vẻ đẹp của danh thắng Đền Ngọc Sơn.

Câu 5 (1,0 điểm): Bài học nào từ văn bản có ý nghĩa nhất đối với em? Vì sao?

Gợi ý: Đưa ra bài học liên quan đến bảo tồn văn hóa, di sản và giải thích ý nghĩa.

Click vào đây để xem đáp án
  • Bài học: Em rút ra bài học về việc giữ gìn, bảo vệ các công trình văn hóa và danh thắng của quê hương đất nước.
  • Vì sao:
    • Các công trình văn hóa là minh chứng cho lịch sử và bản sắc dân tộc.
    • Giữ gìn di sản là cách thể hiện lòng tự hào và tinh thần yêu nước.
    • Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người để thế hệ mai sau hiểu và trân trọng giá trị truyền thống.

5 câu hỏi bài tập về nhà

Câu 1. Hãy nêu vị trí và ý nghĩa lịch sử của Đền Ngọc Sơn trong văn hóa Hà Nội.


Câu 2. Điểm nhấn kiến trúc nổi bật nhất của Đền Ngọc Sơn là gì?


Câu 3. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Cầu Thê Húc như một ‘dải lụa đỏ’ cong cong, mềm mại” có tác dụng gì trong việc miêu tả vẻ đẹp của danh thắng?


Câu 4. Theo em, vì sao Đền Ngọc Sơn là điểm đến quen thuộc của cả người dân Hà Nội và du khách thập phương?


Câu 5. Viết một đoạn văn ngắn (7-10 dòng) trình bày suy nghĩ của em về tầm quan trọng của việc bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa như Đền Ngọc Sơn.

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu văn bản thông tin: Đền Ngọc Sơn, Điểm Nhấn Văn Hoá Giữa Hà Nội được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn  năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!
Lê Thu Trang

Thạc sĩ bộ môn Ngữ Văn giảng dạy tại trường THPT Nguyễn Văn Huyên. Cô Trang có 8 năm kinh nghiệm trong ôn thi THPT quốc gia.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *