Đọc văn bản sau:
(1) “Tây Tiến” là một thi phẩm xuất sắc, kết tinh tâm hồn tài hoa và tài năng sáng tạo của cây bút thơ Quang Dũng trên nhiều phương diện nghệ thuật: hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu.
(2) Hình ảnh trong bài thơ khá đa dạng và được sáng tạo bằng nhiều bút pháp khác nhau, tạo nên sắc thái thẩm mĩ phong phú. Trong bài thơ có hai loại hình ảnh chính: thiên nhiên miền tây và người lính Tây Tiến, đồng thời còn có hình ảnh về cuộc sống của đồng bào miền tây gắn với người lính Tây Tiến. Xem xét kĩ hơn, có thể nhận thấy ở mỗi loại hình ảnh (thiên nhiên, con người) cũng lại có hai dạng chính, tạo nên hai sắc thái thẩm mĩ phối hợp, bổ sung cho nhau. Thiên nhiên thì có cái dữ dội, khắc nghiệt, hoang sơ, hùng vĩ (“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm – Heo hút cồn mây súng ngửi trời” – “Chiều chiều oai linh thác gầm thét – Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”,…). Bên cạnh đó lại có những hình ảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, ẩn hiện trong sương khói, trong màn mưa, đong đưa bóng hoa… (“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi – Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, “Châu Mộc chiều sương”, “Hồn lau nẻo bến bờ,…). Hình ảnh con người cũng hiện ra với nhiều sắc thái, mà chủ yếu là hào hùng và hào hoa. Hào hùng là ở ý chí, tư thế hiên ngang, vượt lên và coi thường những gian khổ, thiếu thốn, hi sinh. Còn hào hoa là ở tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên, đằm thắm tình người và cả những khát khao, mơ mộng. Tác giả đã sử dụng nhiều bút pháp trong miêu tả, dựng hình ảnh. Có khi tả cận cảnh, dừng lại ở những chi tiết khá cụ thể, có khi lại lùi xa để bao quát khung cảnh rộng, mở ra bức tranh phóng khoáng và hùng vĩ của miền tây. Nếu hình dung theo cách của hội hoạ thì có thể thấy hai bút pháp chính: có những nét bút mạnh, bạo, khoẻ, lại có những nét vờn mềm mại tạo nên vẻ đẹp ẩn hiện mờ nhoà.
(3) Đặc sắc trong ngôn ngữ của “Tây Tiến” là sự phối hợp, hoà trộn của nhiều sắc thái phong cách với những lớp từ vựng đặc trưng. Có thứ ngôn ngữ trang trọng, có màu sắc cổ kính (chủ yếu là ở đoạn 3 miêu tả trực tiếp hình ảnh người lính Tây Tiến và sự hi sinh bi tráng của họ); lại có lớp từ ngữ thông tục, sinh động của tiếng nói hằng ngày, in đậm trong phong cách người lính (“nhớ chơi vơi, “súng ngửi trời, “anh bạn, “bỏ quên đời,..). Một nét sáng tạo trong ngôn ngữ của bài thơ là có những kết hợp từ độc đáo, mới lạ, tạo nghĩa mới hoặc sắc thái mới cho từ ngữ (ví dụ: “nhớ chơi vơi” “đêm hơi” “súng ngửi trời” “mưa xa khơi”, “mùa em “dáng kiều thơm”, “về đất”,…). Sử dụng địa danh cũng là một nét đáng chú ý trong ngôn ngữ của bài thơ. Các địa danh vừa tạo ấn tượng về tính cụ thể, xác thực của bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người, lại vừa gợi được sự hấp dẫn của xứ lạ phương xa.
(4) Cả bài thơ được bao trùm trong nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy gợi về những kỉ niệm, những hình ảnh với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, được diễn tả bằng những giọng điệu phù hợp. Ở đoạn 1, giọng chủ đạo là tha thiết, bồi hồi được cất lên thành những tiếng gọi, những từ cảm thán (“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!” “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói”). Ở đoạn 2, khi tái hiện kỉ niệm về những đêm liên hoan thắm tình quân dân thì giọng thơ chuyển sang hồn nhiên, tươi vui, rồi lại bâng khuâng, man mác khi gợi lại cảnh chia tay trong một chiều sương mờ bao phủ nơi Châu Mộc. Giọng thơ trở nên trang trọng, kiêu hùng, rồi lắng xuống bi tráng ở đoạn 3, tái hiện hình ảnh người lính Tây Tiến và sự hi sinh của họ. Ở đoạn cuối, giọng thơ trở lại bâng khuâng, đau đáu một nỗi nhớ da diết trong sự xa cách, chia phôi với những người đồng đội và miền tây.
(Những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ “Tây Tiến”, in trong Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 12 nâng cao, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Đăng Mạnh (Chủ biên), NXB Giáo dục Việt Nam, tái bản lần thứ tư, 2013)
Câu 1. Xác định vấn đề được bàn luận trong văn bản.
Câu 2. Chỉ ra các lí lẽ được sử dụng để làm rõ cho luận điểm ở đoạn (3).
Câu 3. Nêu tác dụng của các thao tác nghị luận được sử dụng trong đoạn (2).
Câu 4. Phân tích hiệu quả của biện pháp liệt kê được sử dụng trong đoạn (4).
Câu 5. Ở đoạn 2, tác giả đã nhận định hình ảnh trong bài thơ Tây Tiến khá đa dạng, phong phú về sắc thái thẩm mĩ. Trên cơ sở đó, trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự tồn tại của cái đẹp trong cuộc sống (Trình bày từ 5-7 dòng).