Đọc hiểu truyện: Nghèo của Nam Cao (Bu ơi con đói)

Đọc đoạn trích sau:

– Bu ơi con đói!…
Lần này có lẽ là lần thứ mười, thằng cu bé chạy về đòi ăn, chị đĩ Chuột đang quấy một nồi gì trong bếp, cáu tiết chạy ra mắng át nó đi:
– Đã bảo hết cơm rồi, tí nữa chè chín thì ăn chè mà!…
Thấy mẹ gắt, thằng cu không dám đòi ăn nữa, nhưng mặt nhăn nhó bịu xịu như muốn khóc. Chị đĩ Chuột thương hại, dịu dàng bảo:
– Con chạy ra vườn xem chị Gái làm cỏ, lúc nào chè chín bu gọi về mà ăn… chóng ngoan rồi bu thương.
Nhưng nó không nhúc nhích, mà nó còn nhúc nhích làm sao được: một nắm cơm nhỏ ăn từ sáng đã bị cái dạ dày chăm chỉ của con nhà nghèo tiêu hết đánh phèo một cái rồi, còn chi. Nó ngồi phịch xuống đất, gục đầu vào ngưỡng cửa, ngáp…
– Sắp chín chưa, bu?
Quay ra vẫn thấy con nằm phục đấy, mắt lờ đờ như chết lả, chị Chuột chép miệng:
– Thôi đây! Chín chả chín thì đừng, bắc mẹ nó ra cho chúng mày ăn không có chúng mày làm tội cũng chết. Chốc lại nheo nhéo, chốc lại nheo nhéo…
Chị vừa lẩm bẩm, vừa dập lửa rồi bắc cái nồi ở trên bếp xuống, lấy một cái vỏ trai múc vào mấy cái bát sành sứt mẻ tứ tung, đặt ngay trên mặt đất. Thằng cu bé vội vàng lê xích lại gần, hai mắt lóng lánh đổ dồn cả vào mấy bát “chè” màu nâu đục, khói bốc lên nghi ngút. Mồm nó nuốt nước bọt ừng ực, mũi nó nở hẳn ra như để hít lấy hương vị của khói chè ngon ngọt. Chị đĩ Chuột phải đưa tay cản nó lại, sợ nó sà vào mà bị bỏng. Chị bảo nó:
– Còn nóng lắm, chưa ăn được. Con ra vườn gọi chị về cho chị ăn với không có phải tội chết, nó làm quần quật từ sáng tới giờ mà chưa được tí gì vào bụng.
Không đợi đến hai tiếng, chị Gái hớn hở chạy về, lôi thôi lếch thếch trong mấy mảnh giẻ rách tả tơi, vừa đến bếp nó đã reo lên:
– Sướng quá! Lại được ăn chè kia chứ! Có ngọt không bu? Bu lấy đâu được mật mà lại nấu chè thế?
Chị Chuột mắng yêu con:
– Úi chà! Tíu tít như con mẹ dại ấy! Tha hồ ăn đến chán chê, chỉ sợ không sao nuốt được thôi, con ạ.
Rồi chị bảo thằng cu Bé:
– Bé lại đây, bu cho ăn.
Thằng cu ngồi xổm bên mẹ, hấc mặt lên, há hốc mồm ra như con chim non đợi mẹ mớm mồi. Một miếng vào mồm, nó đã vội nuốt thỏm đi, khen “ngon quá”. Nhưng chưa kịp ăn miếng nữa, nó đã oẹ một cái, mũi đỏ lên, nước mắt ứa ra giàn giụa.
– Sao thế?
Nó chỉ hụ hị nhìn mẹ mà không nói, cũng không chịu há mồm ăn nữa. Cái Gái nhìn mẹ, xêu một miếng chè nữa ăn thử lại:
– Nhạt quá, bu ạ.
Chị Chuột mắng con:
– Làm gì có nhiều mật mà ngọt. Có mà ăn cho no bụng là phúc rồi.
Thằng cu chừng đói quá không chịu được, lại há mồm ra. Mẹ nó đút cho nó một xêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại oẹ ra, và khóc oà lên. Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như người ngã nước. Cái Gái lấy ngón tay di một cục “chè”. Rồi bỗng nói to lên:
– À! Con biết rồi! Không phải chè, cám mà! Cám nâu mà bu bảo chè!
(Tóm tắt phần sau: Anh đĩ Chuột ốm nặng nằm trong buồng, nghe thấy câu chuyện của ba mẹ con. Anh quyết định từ bỏ sự sống để bớt gánh nặng cho chị đĩ Chuột…).

(Trích Nghèo, in trong Tuyển tập Nam Cao, Tập 1, NXB Văn học Hà Nội, 2002, tr.10 – 11)

Đọc hiểu truyện: Nghèo của Nam Cao (Bu ơi con đói)

Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện trong đoạn trích.

Click vào đây để xem đáp án

Ngôi kể của người kể chuyện: Ngôi thứ ba

Câu 2. Chỉ ra một số từ ngữ, hình ảnh cho thấy cái nghèo của gia đình nhà chị đĩ Chuột trong đoạn trích.

Click vào đây để xem đáp án

Một số từ ngữ, hình ảnh cho thấy cái nghèo của gia đình nhà chị đĩ Chuột trong văn bản: Hết cơm, con nhà nghèo, bát sành sứt mẻ tứ tung, mấy mảnh giẻ rách tả tơi, cám nâu….

Câu 3. Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn sau: “Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như người ngã nước.”

Click vào đây để xem đáp án

– Hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ so sánh trong câu văn: “Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bủng như người ngã nước.”

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm,… trong diễn đạt.

+ Nhấn mạnh trạng thái ốm yếu, nghèo khổ của chị đĩ Chuột. Qua đó thể hiện sự đồng cảm của tác giả với đời sống khốn cùng của người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám.

Câu 4. Nhận xét một phẩm chất nổi bật của chị đĩ Chuột được thể hiện trong văn bản.

Click vào đây để xem đáp án

Phẩm chất nổi bật của chị đĩ Chuột thể hiện ở tấm lòng yêu thương con. Dù cuộc sống có khó khăn nhưng chị đĩ Chuột vẫn dành cho con những điều tốt nhất, luôn yêu thương chăm sóc các con vô điều kiện.

Câu 5. Từ cảnh ngộ của gia đình chị đĩ Chuột, anh/chị trình bày cảm nhận của mình về cuộc sống của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. (Trình bày từ 5 – 7 dòng)

Click vào đây để xem đáp án

Suy nghĩ về cuộc sống của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám:

– Cuộc sống của họ quá cơ cực, nghèo khổ, túng quẫn, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc.

– Sự bất công trong xã hội thực dân phong kiến chính là nguyên nhân đẩy người nông dân vào sự túng quẫn, bế tắc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *