PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
[…] – Sao ba[1] hay đánh mắng em vậy anh?- Thằng Tèo ngồi nhấp nhổm trên lưng anh, ngây thơ hỏi.
– Chắc tại ba say rượu.
– Tại sao ba say rượu?
– Thì tại ba…uống rượu.
– Tại sao ba uống rượu?
Đối với Tí, đó là câu hỏi quá khó. Ở tuổi của Tí, làm sao nó biết được người lớn có vô số lý do để tìm đến hơi men, trong đó có lý do mượn rượu giải sầu. Tí không biết. Nhưng nó biết một câu tục ngữ nó vẫn nghe người lớn nói. Thế là nó vui vẻ giải thích cho em nó:
– Người ta thường nói “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” đó em.
– Vậy ba đánh em là vì ba thương em hả anh?
– Chứ gì nữa.
– Nhưng ba đánh đau quá anh à. – Tèo sờ tay xuống mông xuýt xoa – Em muốn ba thương em in ít thôi. Như vậy ba sẽ nhẹ tay hơn.
Nghe em nói mà thằng Tí rơm rớm nước mắt. Nó lớn hơn thằng Tèo bốn tuổi nên nó cũng khôn hơn. Ngay cả nó, nó cũng đâu có muốn ba nó thương nó theo kiểu ba nó thương thằng Tèo. Nó chỉ nói để em nó vui. Tự nhiên, nó thấy ân hận. Nó có cảm giác như nó đang dối gạt em mình. Tí không dám đưa tay gạt nước mắt, sợ thằng Tèo biết nó khóc. Nó xốc thằng bé trên lưng, lếch thếch đi. Tí cứ đi, đi mãi. Nó cũng chẳng biết đi đâu, chỉ khi nào mỏi chân thì thả thằng em xuống.
Suốt tuổi ấu thơ của mình, những chuyện mắng mỏ hay đòn roi mà thằng Tèo phải chịu một cách bất công cứ lặp đi lặp lại. Nhưng Tèo không cảm thấy khổ tâm lắm. Nó nghĩ đó là cách ba nó thương nó dù đối với nó, kiểu thương của ông thật kỳ cục và thật lòng thì nó thích ba nó thương nó theo kiểu mẹ nó thương nó hơn.[…] Tí ngồi nhìn em, đầu nghĩ lung. Thỉnh thoảng nó phẩy tay đuổi mấy con ruồi đậu trên chóp mũi của thằng bé.
Tèo vẫn ngủ say trong nắng hè oi ả. Nó nằm mơ thấy ba nó bớt thương nó hơn. Ba nó không còn đánh nó nữa. Nếu hôm nào say xỉn, ba nó lỡ tay đánh nó thì cũng chỉ giả vờ giơ cây roi lên thật cao nhưng khi quất roi xuống mông nó, ba nó quất nhẹ hều. Y như gãi ngứa.
[…] Thằng Tí thấy thằng Tèo vừa ngủ vừa cười, bụng không biết thằng này mơ thấy gì mà vui vẻ thế. Thắc mắc xong, nó lại ngạc nhiên: Ờ, chẳng khi nào nó thấy thằng Tèo tỏ ra buồn bã. Nó vẫn sống hồn nhiên như cây cỏ, xem chuyện nó bị ba ghẻ lạnh, đánh mắng là chuyện tự nhiên, không gì phải sầu não.
Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, Tí sung sướng phát hiện ra chân lý: Chắc tại thằng Tèo là đứa có tâm hồn trong sáng, mơ mộng. Trong mắt một đứa như vậy, cuộc sống bao giờ cũng đẹp.
(Trích Làm bạn với bầu trời- Nguyễn Nhật Ánh, Nhà xuất bản Trẻ, 2019)
Chú thích : Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn nổi tiếng được nhiều người yêu mến. Những tác phẩm của ông thường rất nhẹ nhàng, dung dị và đời thường. Nhưng ẩn sau đó là triết lý nhân sinh vô cùng ý nghĩa. Mỗi một tác phẩm đọng lại trong lòng độc giả rất nhiều dư vị cảm xúc.
Làm bạn với bầu trời là một trong những tác phẩm thành công của Nguyễn Nhật Ánh. Câu chuyện xoay quanh Tèo – một cậu bé phải chịu đựng nhiều thương tổn và bất hạnh trong cuộc sống. Mà nguyên nhân đều xuất phát từ sự ích kỷ và sai lầm của người lớn. Mẹ Tèo sinh em ra nhưng không có khả năng nuôi nên đã gửi con lại cho chị dâu là dì Hảo, rồi đi biệt xứ. Dượng Quế – chồng dì Hảo, đi làm ăn xa nhà. Đến khi quay trở về lại nghi ngờ xuất thân của Tèo, nghĩ em là con riêng của vợ. Bởi vậy, tuổi thơ của Tèo lớn lên trong sự nghi kỵ và ghẻ lạnh của dượng Quế. Nhưng may mắn cho Tèo, thằng Tí lại rất thương em mình. Đoạn trích dưới đây nói về việc Tí cõng Tèo chạy trốn khi Tèo bị dượng Quế đánh đòn…
Câu 1. Xác định ngôi kể và phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?
Gợi ý:
Ngôi kể: Ngôi thứ 3.
Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.
Câu 2. Xác định lời của người kể chuyện và lời của nhân vật trong câu sau:
“– Nhưng ba đánh đau quá anh à. – Tèo sờ tay xuống mông xuýt xoa – Em muốn ba thương em in ít thôi. Như vậy ba sẽ nhẹ tay hơn.”
Gợi ý:
Lời của người kể chuyện: …sờ tay xuống mông xuýt xoa…
Lời của nhân vật: …ba đánh đau quá anh à…
Câu 3. Nhận xét về tính cách của Tí qua chi tiết:
“Nghe em nói mà thằng Tí rơm rớm nước mắt. Nó lớn hơn thằng Tèo bốn tuổi nên nó cũng khôn hơn. Ngay cả nó, nó cũng đâu có muốn ba nó thương nó theo kiểu ba nó thương thằng Tèo…”
Gợi ý:
Tính cách: Giàu tình cảm, dễ xúc động, yêu thương em mình.
Câu 4. Ý nghĩa của lối so sánh: “Nó vẫn sống hồn nhiên như cây cỏ, xem chuyện nó bị ba ghẻ lạnh, đánh mắng là chuyện tự nhiên, không gì phải sầu não”?
Gợi ý:
Lối so sánh làm câu văn sinh động, giàu cảm xúc.
Thể hiện thái độ sống lạc quan, bình thản trước nghịch cảnh.
Câu 5. Từ nhân vật Tèo, rút ra bài học ý nghĩa đối với anh/chị?
Gợi ý:
Học cách sống lạc quan, tích cực trước mọi khó khăn.
Biết bao dung, tha thứ và yêu thương.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Nêu các chi tiết cho thấy sự khác biệt trong cách Tèo và Tí đón nhận sự bất công từ ba.
Câu hỏi 2: Phân tích ý nghĩa câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” mà Tí đã sử dụng để giải thích cho Tèo.
Câu hỏi 3: Vì sao Tèo luôn giữ được sự lạc quan, hồn nhiên trong cuộc sống dù phải chịu đựng nhiều tổn thương từ ba?
Câu hỏi 4: Nếu là Tí, bạn sẽ làm gì để an ủi và bảo vệ em mình trong hoàn cảnh tương tự?
Câu hỏi 5: Bạn học được điều gì về cách đối mặt với khó khăn từ nhân vật Tèo?
Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!