Đọc hiểu truyện: Đồng Vọng Ngược Chiều của (Lã Thế Khanh)

I. ĐỌC HIỂU ( 4,0 điểm)

Đọc kĩ ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

ĐỒNG VỌNG NGƯỢC CHIỀU
( Lã Thế Khanh)

Theo cái gậy tre dò đường, bà lão rờ rẫm từng bước về phía cửa ga. Bà đi như người tập làm xiếc trên dây. Chiếc nón lá rách lướp tướp, từ bàn tay gầy guộc, lẩy bẩy của bà hươ đi hươ lại, không lúc nào yên.
Dừng lại bên đống rác lớn, bà lão bắt đầu van vỉ:
– Cháu lạy các ông các bà… Cháu mù lòa già cả… Cháu xin các ông các bà nhón tay làm phúc…
Không một hồi âm, ngoài tiếng vo ve của mấy con nhặng xanh đang tranh ăn trên một chiếc lá bánh. Một con chuột ngày trơ tráo bò lên bàn chân bà lão. Bà sững người. Khuôn mặt lóe lên một tia sáng mỏng. Bà đưa tay lần tìm từng tí trong lòng chiếc nón. Nhưng ngay sau đó, cặp mắt nặng trĩu, ầng ấng nước của bà tối sầm lại.
Bà lão tiếp tục van vỉ. Vẫn điệp khúc cũ. Nhưng càng về sau càng thống thiết, não nề. Những câu nói rời rạc, như tự chảy ra từ khuôn miệng dúm dó, xệch xạc của bà. Cái nón vẫn trống huếch. Một tia nắng lọt qua cái chóp thủng, xiên thẳng xuống đất, như đóng đinh bà lão xuống nền đường.
Nằm dưới gốc cây sấu già, bé Chi thiu thiu ngủ. Nó gối đầu trên cái túi dúm dó, khâu bằng bốn, năm loại vải cũ, sờn. Một cái bát sắt hoen gỉ, thủng đáy, nằm lăn lóc bên cạnh. Bộ ngực gầy trơ xương của con bé thắc thỏm đưới làn áo cáu bẩn, nhàu nát.
Từ sáng tới giờ chưa có chút gì trong bụng, nên bé Chi đói rũ người. Nó hy vọng giấc  ngủ xua tan cái đói. Nhưng không thể được.
Mọi ngày vào tầm này, mèng ra nó cũng xin được đủ tiền mua hai cái bánh mì. Hôm nay xúi quẩy thế nào, chỉ được tờ hai trăm đồng mất góc.
Bỗng bé Chi giật thót người. Có một bàn chân nào đó giẫm lên người nó. Đang lúc đói mệt, bé Chi gầm lên:
– Mù à? Người ta nằm thế mà giẫm lên!
– Bà mù… Mù thật cháu ạ! Thôi, bà đã trót… Cho bà xin!
Lặng đi một lát, bé Chi đưa hai tay sờ mắt mình. Từ hai hốc mắt của nó, những giọt nước mắt mặn chát, rỉ ra. Nó ngập ngừng:
– Cháu… Cháu xin lỗi bà! Cháu không biết là bà như thế…
Bà lão ngúc ngắc đầu như thể chấp nhận, rồi tiếp tục đi về phía có tiếng đông người. Vừa đi bà lại vừa lẩm nhẩm:
– Cháu lạy các ông các bà… Cháu xin các ông các bà nhón tay làm phúc… thương kẻ mù lòa, khốn khổ này!
Ngẫm ngợi điều gì đó lung lắm, bé Chi lấy trong túi áo ra tờ giấy bạc hai trăm đồng mất góc, quả quyết: Bà ơi!… Cháu bảo này!
Bà lão dừng ngay lại. Bà nhận ra người gọi mình chính là con bé bà vừa nói chuyện. Linh cảm mách bảo bà sẽ gặp may.
– Bà ơi! Cháu… cháu biếu bà!
Khuôn mặc lộ vẻ vui mừng, bà lão chậm chạp quay trở lại, rồi chìa nón về phiá gốc cây chờ đợi.
Đúng khoảnh khắc ấy, một cơn gió nhẹ ào qua. Từ trên cây sấu già, những phiến lá khô rơi xuống, khẽ khàng, đúng vào cái nón của bà lão.
Ngỡ con bé thả tiền vào nón, bà lão đưa tay quờ đi quờ lại. Một cái nhíu mày xéo ngang qua vừng trán nhăn nheo. Bà lão buồn bã đi tiếp về phía cửa gạ. Vừa đi bà vừa thầm rủa:
– Bố con nhà mất dạy… Lừa cả người già… Rồi giời sẽ bắt tội đấy con ạ!
Ngồi ở gốc cây, bé Chi vẫn chìa đồng bạc về phía trước, vẻ thành tâm. Chờ mãi, không thấy bà lão nhận tiền, nó đứng phắt dậy, thảng thốt gọi:
– Bà ơi! Cháu xin biếu bà! Thực đấy mà!
Không ai trả lời con bé. Nó đưa tay quờ quạng quanh mình. Bàn tay nó chạm phải thân cây sấu già, thô nhám.
Nhét tờ bạc vào túi áo,một tay cầm túi, một tay chống gậy, con bé mù thập thững tìm đường. lúc ấy là mười hai giờ trưa. Nắng mùa hạ chói chang, in hình bé Chi xuống nền đường, tròn như đồng tiền vàng…
( Nguồn dẫn: “40 truyện rất ngắn”, NXB Hội nhà văn, tạp chí Thế giới mới, 1994)

 

Đọc hiểu truyện: Đồng Vọng Ngược Chiều của (Lã Thế Khanh)

Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể loại nào?
Gợi ý: Xác định đặc điểm thể loại dựa vào độ dài và nội dung của văn bản.

Click vào đây để xem đáp án
Văn bản trên được viết theo thể loại: Truyện ngắn.

Câu 2: Đề tài được đề cập trong văn bản là gì?
Gợi ý: Đề tài thường là vấn đề chính mà văn bản muốn truyền tải, phản ánh cuộc sống hoặc con người.

Click vào đây để xem đáp án
Đề tài được đề cập trong văn bản là: Tình yêu thương con người.

Câu 3: “Nằm dưới gốc cây sấu già, bé Chi thiu thiu ngủ. Nó gối đầu trên cái túi dúm dó, khâu bằng bốn, năm loại vải cũ, sờn. Một cái bát sắt hoen gỉ, thủng đáy, nằm lăn lóc bên cạnh. Bộ ngực gầy trơ xương của con bé thắc thỏm dưới làn áo cáu bẩn, nhàu nát.”
Nêu và chỉ rõ phép liên kết nào được sử dụng trong đoạn văn trên?
Gợi ý: Xác định cách liên kết giữa các câu qua việc sử dụng đại từ, từ đồng nghĩa, hoặc thay thế.

Click vào đây để xem đáp án

Phép liên kết được sử dụng là: Phép thế.
Cụ thể:
Bé Chi (câu 1) → Nó (câu 2) → Con bé (câu 4).

Câu 4: Có ý kiến cho rằng: Câu chuyện “Đồng vọng ngược chiều” là câu chuyện vô cùng xúc động về cuộc sống những mảnh đời bất hạnh đang phải trải qua nhiều vất vả, cơ cực nhưng lại ấm áp tình yêu thương và sự sẻ chia. Em có đồng ý với ý kiến trên không? Vì sao?
Gợi ý: Xác định quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý và lý giải hợp lý dựa trên nội dung văn bản.

Click vào đây để xem đáp án

Đồng ý.
Lý do:
Văn bản phản ánh cuộc sống khó khăn, vất vả của những con người bất hạnh như bà lão và bé Chi.
Tình yêu thương, sự sẻ chia dù nhỏ bé nhưng vẫn hiện hữu và lan tỏa, điển hình là sự giúp đỡ từ bé Chi dành cho bà lão mù.

Câu 5: Câu chuyện đã gửi tới người đọc thông điệp gì?
Gợi ý: Xác định thông điệp chính mà tác giả muốn truyền tải qua hành động và suy nghĩ của nhân vật.

Click vào đây để xem đáp án

Tình yêu thương và sự sẻ chia luôn cần thiết trong cuộc sống, đặc biệt là đối với những mảnh đời bất hạnh.
Dù trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vẫn có thể lan tỏa sự ấm áp, lòng nhân ái.
Hãy trân trọng và thực hiện tình yêu thương bằng hành động cụ thể.

5 Câu hỏi tự học ở nhà

Câu hỏi 1: Phân tích hình ảnh bà lão trong đoạn văn, đặc biệt qua chi tiết “bà đi như người tập làm xiếc trên dây”.

Câu hỏi 2: Tại sao bé Chi lại đưa tờ giấy bạc hai trăm đồng cho bà lão? Hành động đó thể hiện điều gì về tính cách của bé Chi?

Câu hỏi 3: Ý nghĩa của chi tiết “Từ trên cây sấu già, những phiến lá khô rơi xuống, khẽ khàng, đúng vào cái nón của bà lão” là gì?

Câu hỏi 4: Nếu đặt mình vào vị trí bé Chi, em sẽ làm gì để giúp đỡ bà lão trong hoàn cảnh này?

Câu hỏi 5: Qua câu chuyện, em rút ra bài học gì về sự sẻ chia và lòng nhân ái trong cuộc sống?

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu truyện: Đồng Vọng Ngược Chiều của (Lã Thế Khanh) được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn  năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *