Phần I. Đọc – hiểu (6.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:
“Một chàng trai trẻ đến xin học một ông giáo già với tâm trạng bi quan và chỉ thích phàn nàn. Đối với anh, cuộc sống là một chuỗi ngày buồn chán, không có gì thú vị.
Một lần, khi chàng trai than phiền về việc mình học mãi mà không tiến bộ, người thầy im lặng lắng nghe rồi đưa cho anh một thìa muối thật đầy và một cốc nước nhỏ.
– Con cho thìa muối này vào cốc nước và uống thử đi.
Lập tức, chàng trai làm theo.
– Cốc nước mặn chát. Chàng trai trả lời.
Người thầy lại dẫn anh ra một hồ nước gần đó và đổ một thìa muối đầy xuống nước:
– Bây giờ con hãy nếm thử nước trong hồ đi.
– Nước trong hồ vẫn vậy thôi, thưa thầy. Nó chẳng hề mặn lên chút nào – Chàng trai nói khi múc một ít nước dưới hồ và nếm thử.
Người thầy chậm rãi nói:
– Con của ta, ai cũng có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Và những khó khăn đó giống như thìa muối này đây, nhưng mỗi người hòa tan nó theo một cách khác nhau. Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước thì nỗi buồn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với những người tâm hồn chỉ nhỏ như một cốc nước, họ sẽ tự biến cuộc sống của mình trở thành đắng chát và chẳng bao giờ học được điều gì có ích.”
(Theo “Câu chuyện về những hạt muối”- vietnamnet.vn, 17/06/2015)
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định ngôi kể của đoạn trích?
Gợi ý: Chú ý vào cách người kể chuyện truyền tải câu chuyện, ai là nhân vật chính được kể về.
Câu 2 (0,5 điểm): Xét về mục đích nói, câu văn sau thuộc kiểu câu gì?
“Con cho thìa muối này vào cốc nước và uống thử đi.”
Gợi ý: Xem xét mục đích của câu văn là yêu cầu hay hỏi đáp.
Câu 3 (1,0 điểm): Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước thì nỗi buồn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời.”
Gợi ý: Tập trung vào cách so sánh giúp nhấn mạnh ý nghĩa của câu văn.
Câu 4 (1,0 điểm): Em rút ra được bài học gì ý nghĩa từ văn bản trên?
Gợi ý: Liên hệ câu chuyện với thái độ sống của bản thân.
Câu 5 (1,0 điểm): Em có đồng ý với ý kiến của người thầy trong đoạn trích không? Vì sao?
Gợi ý: Đưa ra quan điểm cá nhân và lập luận để chứng minh.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Theo em, hình ảnh “thìa muối” trong câu chuyện tượng trưng cho điều gì?
Câu hỏi 2: Trong đoạn trích, “hồ nước” và “cốc nước” được sử dụng để so sánh điều gì? Ý nghĩa của sự so sánh này là gì?
Câu hỏi 3: Hãy phân tích cách ứng xử của người thầy trong việc giáo dục chàng trai trẻ.
Câu hỏi 4: Từ câu chuyện, hãy viết một đoạn văn ngắn (5-7 câu) nêu suy nghĩ của em về tầm quan trọng của tâm hồn rộng mở trong cuộc sống.
Câu hỏi 5: Nếu em là chàng trai trong câu chuyện, em sẽ làm gì để thay đổi tâm trạng bi quan của mình?
Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!