Phần I. Đọc – hiểu (4.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:
Theo “Đông phương phong tục văn hóa từ điển” thì đặc trưng ẩm thực Việt Nam có bốn món tiêu biểu. Thứ tư, trầu cau. Thứ ba, bánh chưng. Thứ nhì, thuốc lào. Thứ nhất, nước mắm. Ăn bánh chưng chấm nước mắm, sau đó nhai trầu cau cho thơm miệng, kéo thêm hơi thuốc lào để thăng hoa. Đời một người Việt thế thì còn gì bằng.
Nghe quyển từ điển liệt kê ra thì đơn giản nhỉ? Nhưng nếu chịu khó mổ xẻ và đào sâu thêm, ta sẽ thấy nền ẩm thực Việt là cả một kho báu đồ sộ. Những món ăn Việt không chỉ ngon mà còn được chế biến với sự cầu kỳ trong từng chi tiết. Đây là điểm mà các đầu bếp thế giới đánh giá cao và khao khát khám phá.
Lấy ví dụ, một món quen thuộc như bánh cuốn cũng không hề dễ làm. Gordon Ramsay từng làm được nhiều món đẳng cấp thế giới mà cũng gặp khó khăn khi thực hiện món này. Ông nói bánh cuốn Việt Nam là một món ăn giản dị nhưng tinh tế và yêu cầu “sự tỉ mỉ cực độ”.
Cho nên không quá khó hiểu khi Việt Nam đã chiến thắng danh hiệu “Điểm đến ẩm thực châu Á” lần 2 tại Giải thưởng du lịch thế giới 2020, vượt qua Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mã Lai và Thái Lan.
Chưa hết, liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) có văn bản thông báo chính thức xác lập 5 kỷ lục thế giới cho ẩm thực Việt Nam, kết quả sau hơn 8 năm tìm kiếm và đề cử.
Văn hóa ẩm thực Việt Nam đa dạng, nhưng Huế mới thật là xứ sở diệu kỳ. Ẩm thực Việt Nam có khoảng 3000 món thì riêng Huế đã chiếm tới 1700, chia làm 3 trường phái: cung đình, dân gian và đồ chay. Huế đang hướng tới việc hoàn thiện bộ hồ sơ trình lên UNESCO công nhận “ẩm thực Huế” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
(Trích Việt Nam – Bếp ăn của thế giới, Phạm Vĩnh Lộc)
Câu 1: Đây là kiểu văn bản gì? Căn cứ vào đâu em xác định được như vậy?
Gợi ý:
- Hãy chú ý nội dung chính của văn bản, mục đích cung cấp thông tin.
Câu 2: Cho biết tác dụng của việc đưa thông tin sau vào bài viết của tác giả:
“Gordon Ramsay từng làm được nhiều món đẳng cấp thế giới mà cũng gặp khó khăn khi thực hiện món này. Ông nói bánh cuốn Việt Nam là một món ăn giản dị nhưng tinh tế và yêu cầu ‘sự tỉ mỉ cực độ’.”
Gợi ý:
- Tìm hiểu vai trò của thông tin liên quan đến Gordon Ramsay trong bài viết.
Câu 3: Chỉ rõ cách triển khai thông tin ở văn bản này?
Gợi ý:
- Chú ý cách sắp xếp, trình bày các luận điểm trong văn bản.
Câu 4: Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ liệt kê trong câu văn sau:
“Ẩm thực Việt Nam có khoảng 3000 món thì riêng Huế đã chiếm tới 1700, chia làm 3 trường phái: cung đình, dân gian và đồ chay.”
Gợi ý:
- Hãy tìm cụm từ có ý nghĩa liệt kê trong câu văn.
Câu 5: Những bài học sâu sắc em rút ra từ đoạn trích đã cho?
Gợi ý:
- Nghĩ về giá trị văn hóa, ẩm thực, và trách nhiệm bảo tồn di sản.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Vì sao tác giả lại nhấn mạnh vai trò của Huế trong nền ẩm thực Việt Nam?
Câu hỏi 2: Tác giả đã sử dụng những dẫn chứng nào để khẳng định giá trị ẩm thực Việt Nam?
Câu hỏi 3: Theo em, việc “ẩm thực Huế” được UNESCO công nhận sẽ có ý nghĩa như thế nào với văn hóa Việt Nam?
Câu hỏi 4: Hãy liên hệ thực tế địa phương em đang sinh sống và nêu một món ăn tiêu biểu, kèm lý do vì sao nó đặc trưng?
Câu hỏi 5: Theo em, làm thế nào để giới trẻ ngày nay có thể góp phần bảo tồn và phát triển nền ẩm thực Việt Nam?
Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!