PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
CHƯƠNG VII. CÁI CHÚC THƯ CỦA NGƯỜI CÒN SỐNG CUỘC KHẨU CHIẾN CỦA MẤY NHÀ KHOA HỌC ÁI TÌNH MÀY CÒN ĐỢI GÌ?
Cụ Hồng lúc ấy đã nhắm nghiền hai mắt lại. Trên cái sập gụ khảm mà giữa là cái khay đèn, cụ nằm một bên, thằng xe một bên, cụ bà thì ngồi phía dưới chân. Thằng xe lúc ấy đã rửa sạch hai cái chân ngựa người để gánh vác cái trách nhiệm nặng nề của người bồi tiêm thuốc phiện.
Cụ Bà nói:
– Ông ạ, tuy vậy tôi cũng cứ cho mời cụ lang…
Cụ Hồng lại nhăn mặt lần thứ mười mà khẽ gắt cũng lần thứ mười rằng:
– Biết rồi ! Biết rồi ! Khổ lắm, nói mãi !
Đã hiểu cái tính ấy, cụ bà cứ thản nhiên nói tiếp:
– Ấy thế rồi… ta cứ lo toan trước cái việc ma chay đi mà thôi.
– Biết rồi ! Khổ lắm ! Nói mãi !
– Tôi thì tôi nghĩ nên theo cả lối cổ và lối mới, nghĩa là cứ minh tinh, nhà táng, kèn tầu, kiệu bát cống, và rõ nhiều câu đối. Nếu chúng nó muốn thì chúng nó cứ đi thuê kèn bú rích Tây đi càng hay. Nhưng mà không thể vì cái thích của chúng nó mà bỏ cái thích của tôi được.
– Biết rồi ! Khổ lắm… nói mãi !
Đến đây thì cụ bà không nói gì nữa, ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi, làm cho cụ ông phải hỏi ngay:
– Thế sao nữa, hở bà ?
Thằng xe đã quen những cái ấy lắm nên cũng không lấy làm gì buồn cười nữa. Cụ bà lải nhải kể lể những mớ lễ nghi phức tạp nó làm cho một gia đình thành ra muốn pha trò, mỗi khi gia đình ấy sắp được hân hạnh là tang gia.
Cách cái lệ bộ, ở phòng khách bên ngoài, lúc ấy khách khứa đông lắm. Ngoài số những người họ hàng lại có bạn hữu của vợ chồng Văn Minh. Người nào cũng đã lên gác chỗ có giường cụ cố tổ, vén màn nhìn vào rồi rón rén lui ra chạy ù xuống nhà dưới, cho thế là xong cái bổn phận đi thăm một người ốm nặng. Họ xúm nhau lại uống nước, hút thuốc, chuyện trò vui vẻ lắm, vì bệnh nhân mà chết thì thực là đáng mừng cho họ. Do thế, người ta bàn soạn y như trong nhà đã có người chết rồi, chứ không phải chỉ có người ốm.
Ông Typn đã được mời ngay đến để nghĩ cách chế tạo một vài kiểu quần áo tang tối tân. Ông nhà báo đã được sự chủ khẩn khoản yêu cầu viết bài cáo phó, bài tường thuật, và sửa soạn chụp ảnh đăng báo.
Văn Minh vợ mơ màng một cách sung sướng rằng chỉ nay mai là sẽ được ăn vận toàn trắng, một điều mà bà vẫn ao ước bấy lâu nay. Văn Minh chồng ngồi hút thuốc lá Ăng-lê, cũng mơ màng đến phần tài sản mà ông ta sẽ được hưởng, nếu ông nội ông ta chết.
[…] Cậu Tân, mà ai cũng gọi là Tú Tân, không phải vì đã đỗ Tú Tài, nhưng mà vì đã ba lần thi trượt cái phần thứ nhất của bằng Tú Tài, lúc ấy loay hoay hai ba cái máy ảnh, cân nhắc xem hôm đi đám nên dùng đến cái nào thì hơn.
Bà Phó Đoan ngồi ẵm cậu con cầu tự của bà như một hiền mẫu.
Ông Joseph Thiết – một bạn thân của Văn Minh – thì ngồi trầm tư mặc tưởng với cái ý định mở một tờ báo bảo hoàng, không phải làm việc cho triều đình Huế, nhưng cho dòng họ Orléans bên Pháp, và cho ông Léon Daudet. Nhân dịp sắp có đám ma, ông cổ động cho ông:
– Khi ông Bainville chết, lúc tôi còn là một đảng viên Thập tự lửa mà đi đưa đám, thì một nửa dân thành phố Paris, gồm các chính đảng ở cực hữu…
Song ông nói không ai nghe, vì người ta còn mải nghe ông Typn đương bàn:
– Quần áo nhất định bằng nhiễu Thượng Hải trắng mà viền đen. Cổ áo sẽ có hoa thị, cánh trắng cũng viền đen ! Mũ mấn cũng thế ! Trắng viền đen nổi hơn đen viền trắng.
Bà Phó Đoan khen:
– Thế thì nhất! Thế thì ai cũng muốn có trở !(Trích Số đỏ, Vũ Trọng Phụng, Tổng tập văn học Việt Nam, tập 29, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, 2016, tr.451, 452)
Câu 1: Xác định ngôi kể và điểm nhìn trong đoạn trích.
Gợi ý: Hãy xác định người kể chuyện và góc độ miêu tả sự việc trong đoạn trích.
Câu 2: Chỉ ra câu nói của cụ cố Hồng được lặp lại trong đoạn trích.
Gợi ý: Câu nói lặp lại nhiều lần, thể hiện tính cách của nhân vật.
Câu 3: Tác dụng của phép tu từ nói mỉa trong câu văn sau:
“Người nào cũng đã lên gác chỗ có giường cụ cố tổ, vén màn nhìn vào rồi rón rén lui ra chạy ù xuống nhà dưới, cho thế là xong cái bổn phận đi thăm một người ốm nặng. Họ xúm nhau lại uống nước, hút thuốc, chuyện trò vui vẻ lắm, vì bệnh nhân mà chết thì thực là đáng mừng cho họ.”
Gợi ý: Xác định những từ ngữ mỉa mai và hiệu quả nghệ thuật của chúng.
Câu 4: Nêu chủ đề chính của đoạn trích.
Gợi ý: Tóm tắt nội dung chính và thông điệp của đoạn trích.
Câu 5: Qua đoạn trích, hãy nêu bài học có ý nghĩa nhất với anh/chị.
Gợi ý: Liên hệ đến giá trị nhân văn và những điều cần tránh trong cuộc sống.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Tính cách cụ cố Hồng được thể hiện qua câu nói lặp đi lặp lại là gì?
Câu hỏi 2: Vì sao tác giả lại sử dụng giọng điệu mỉa mai trong đoạn trích?
Câu hỏi 3: Em có nhận xét gì về cách hành xử của đám người xung quanh cụ cố Hồng khi ông ốm?
Câu hỏi 4: Qua cách mô tả của tác giả, em hiểu gì về xã hội thượng lưu lúc bấy giờ?
Câu hỏi 5: Nếu so sánh với xã hội hiện đại, những vấn đề trong đoạn trích có còn tồn tại không? Hãy nêu lý do.
Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào Gmail:dochieunguvan2025@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!