Đọc hiểu truyện: Áo Tết của (Nguyễn Ngọc Tư)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:

ÁO TẾT

Con Bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho:
– Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho mà coi.
Nó nghĩ và nó muốn chia sẻ với con Bích bạn nó.
Con Bích ở trong hẻm, nhà nó nghèo má nó đi bán bắp nướng ngoài đầu hẻm, con Bé Em thích con Bích vì nó hiền, với lại ngồi kế nhau từ lớp một tới lớp năm, làm sao mà không thân cho được. Hôm hai mươi sáu, học buổi cuối năm, hai đứa nôn Tết quá trời nên tính trước, nếu mùng Một con Bé Em đi về ngoại thì mùng Hai hai đứa đi tới nhà cô giáo. Bây giờ con Bé Em tính trong đầu, tới bữa đó chắc nhiều bạn nữa, cho nên nó sẽ mặc cái áo đầm mới thắt nơ, bâu viền kim tuyến cho tụi bạn lé con mắt luôn.
Con Bích đang ngồi nướng bắp thế cho má nó đi xách cặn cho heo. Bé Em muốn khoe liền nhưng bày đặt nói gièm:
– Còn mấy ngày nữa Tết rồi hen, mầy có đồ mới chưa?
– Có, má tao đưa vải cho cô Ba thợ cắt rồi, má tao nói gần Tết đồ nhiều, dồn đống, chắc tới hai mươi tám mới lấy được.
– Vậy mầy được mấy bộ?
– Có một bộ hà.
Con Bé Em trợn mắt:
– Ít quá vậy?
– Con Út Mót với Con Út Hết được hai bộ. Tao lớn rồi, nhường cho tụi nó.
– Vậy à?
Bé Em mất hứng hẳn, nó lựng khựng nửa muốn khoe, nửa muốn không.
Nhưng rõ ràng là con Bích không quên nó:
– Còn mầy?
– Bốn bộ. Má tao mua cho đủ mặc từ mùng Một tới mùng Bốn, bữa nào cũng mặc đồ mới hết trơn. Trong đó có bộ đầm hồng nổi lắm, hết sẩy luôn.
– Mầy sướng rồi.
Con Bích nói xong vẫn cười nhưng mắt nó xịu xuống, buồn hẳn. Nhà nó nghèo, sao bì được với nhà con Bé Em. Hồi nhỏ nó chuyên mặc áo con trai của anh Hai nó để lại. Áo nó thì chuyền cho mấy đứa em, tới con Út Hết là đồ đã cũ mèm, mỏng tang, kéo nhẹ cũng rách. Được cái mấy chị em nó biết thân, lo học chớ không so đo chuyện cũ mới. Má nó nói hoài: “Nhà mình nghèo quá hà, ráng vài năm nữa, khá giả rồi má sắm cho”. Con Bé Em nhìn con Bích lom lom rồi cúi xuống, trở trở trái bắp nướng:
– Bộ đồ mầy may chắc đẹp lắm, bữa mùng Hai mầy mặc bộ đó đi nhà cô hen?
Rồi tới mùng Một, mùng Hai, bé Em lại rủ con Bích đi chơi. Hai đứa mặc đồ hơi giống nhau, chỉ khác là con Bích mặc áo trắng bâu sen, con Bé Em thì mặc áo thun có in hình mèo bự. Cô giáo tụi nó khen:
– Coi hai đứa lớn hết trơn rồi, cao nhòng.
Hai đứa cười. Lúc đó con Bé Em nghĩ thầm, mình mà mặc bộ đầm hồng, thế nào cũng mất vui. Bạn bè phải vậy chớ. Đứa mặc áo đẹp, đứa mặc áo xấu coi gì được, vậy sao coi là bạn thân. Nhưng Bích lại nghĩ khác, Bé Em thương bạn như vậy, tốt như vậy, có mặc áo gì Bích vẫn quý Bé Em. Thiệt đó.
(Nguyễn Ngọc Tư, Áo Tết, in trong Xa xóm Mũi, NXB Kim Đồng, 2023)
* Chú thích:
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, tại tỉnh Cà Mau, là một trong những nhà văn nữ nổi tiếng. Bà bắt đầu viết văn từ năm 1997 và nhanh chóng gây được tiếng vang với những truyện ngắn mang đậm chất Nam Bộ như “Sông nhỏ lở quanh”, “Nước chảy mây trôi”… Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư thường tập trung vào đề tài cuộc sống của người dân miền Tây sông nước. Bà có một vốn sống phong phú và một khả năng quan sát tinh tế, giúp bà khắc họa thành công những con người và mảnh đất Nam Bộ. Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn giàu cảm xúc và có lối viết độc đáo. Bà sử dụng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhưng vẫn giàu chất thơ, tạo nên những câu chuyện vừa chân thực vừa lãng mạn.

Đọc hiểu truyện: Áo Tết của (Nguyễn Ngọc Tư)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định ngôi kể của văn bản.
Gợi ý: Ngôi kể có thể là ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba. Xem cách tác giả trình bày câu chuyện từ góc nhìn của nhân vật hay người kể chuyện ngoài cuộc.

Click vào đây để xem đáp án
Ngôi kể của văn bản là ngôi thứ ba. Người kể chuyện đứng ngoài, kể lại câu chuyện của các nhân vật Bé Em và Bích.

Câu 2 (0,5 điểm). Em hiểu như thế nào về lời khen của cô giáo: Coi hai đứa lớn hết trơn rồi, cao nhòng.
Gợi ý: Lời khen này không chỉ nói về ngoại hình mà còn gợi ý về sự trưởng thành trong suy nghĩ hoặc tình bạn của hai cô bé.

Click vào đây để xem đáp án
Lời khen của cô giáo thể hiện sự nhận xét rằng hai cô bé đã lớn về mặt ngoại hình, nhưng cũng hàm ý về sự trưởng thành trong tâm hồn và tính cách của Bé Em và Bích, đặc biệt là tình bạn gắn bó giữa hai em.

Câu 3 (1,0 điểm). Nhân vật Bé Em cuối cùng đã mặc trang phục như thế nào khi đến nhà cô giáo? Lựa chọn đó thể hiện Bé Em là cô bé như thế nào?
Gợi ý: Hãy tìm chi tiết mô tả trang phục của Bé Em khi đến nhà cô giáo và liên hệ với suy nghĩ của nhân vật.

Click vào đây để xem đáp án
Nhân vật Bé Em cuối cùng mặc áo thun in hình mèo bự khi đến nhà cô giáo. Lựa chọn đó thể hiện Bé Em là cô bé biết nghĩ cho bạn bè, sẵn sàng hy sinh sở thích cá nhân để giữ gìn sự hòa hợp và niềm vui chung trong tình bạn.

Câu 4 (1,0 điểm). Chỉ ra và cho biết ý nghĩa của thành phần biệt lập trong câu văn sau: Bộ đồ mầy may chắc đẹp lắm, bữa mùng Hai mầy mặc bộ đó đi nhà cô hen?
Gợi ý: Tìm thành phần không tham gia vào cấu trúc ngữ pháp chính của câu và giải thích mục đích sử dụng nó.

Click vào đây để xem đáp án
Thành phần biệt lập trong câu là từ chắc. Đây là thành phần tình thái, thể hiện sự phỏng đoán của nhân vật Bé Em về bộ đồ của Bích, giúp câu văn trở nên tự nhiên, gần gũi hơn.

Câu 5 (1,0 điểm). Bạn bè phải vậy chớ. Đứa mặc áo đẹp, đứa mặc áo xấu coi gì được, vậy sao coi là bạn thân. Nhưng Bích lại nghĩ khác, Bé Em thương bạn như vậy, tốt như vậy, có mặc áo gì Bích vẫn quý Bé Em. Theo em cần làm gì để có một tình bạn đẹp và chân thành?
Gợi ý: Liên hệ tình bạn trong câu chuyện với thực tế, tập trung vào những hành động, suy nghĩ cần thiết để duy trì tình bạn.

Click vào đây để xem đáp án
Để có một tình bạn đẹp và chân thành, chúng ta cần biết yêu thương, quan tâm và sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với bạn bè. Đồng thời, cần tôn trọng sự khác biệt, không so đo, ganh tỵ, luôn đặt sự chân thành và tình cảm lên trên vật chất.

5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Em hãy nêu đặc điểm nổi bật trong cách kể chuyện của Nguyễn Ngọc Tư qua văn bản “Áo Tết”.

Câu hỏi 2: Phân tích sự đối lập trong suy nghĩ và hành động của Bé Em và Bích để thấy được tình bạn giữa hai nhân vật.

Câu hỏi 3: Nếu em là nhân vật Bé Em, em sẽ làm gì để chia sẻ niềm vui ngày Tết với Bích?

Câu hỏi 4: Tìm và phân tích một câu miêu tả không gian trong văn bản giúp thể hiện bối cảnh đời sống của nhân vật.

Câu hỏi 5: Qua câu chuyện, em học được bài học gì về tình bạn và sự sẻ chia?

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu truyện: Áo Tết của (Nguyễn Ngọc Tư) được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn  năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *