Đọc hiểu thơ: Làng Nủ của Bùi Quảng Bạ

Phần I. Đọc – hiểu

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

LÀNG NỦ 

      Rừng núi giật mình lũ quét trong đêm

Đất đá lở vùi chôn bao giấc mộng

       Làng Nủ bình yên, êm đềm cuộc sống

        Sớm nay thành vùng tử địa tan hoang. 

Dưới lớp bùn sâu là cả dân làng 

          Những thân phận trọn tình yêu rừng núi

Người đi rồi, giấc mơ thành tội lỗi 

       Suối quặn lòng ôm mãi hận trăm năm. 

     Thương trẻ thơ côi cút trước ngày rằm

      Trăng thu của em hóa vành khăn trắng

Bố mẹ, người thân về nơi xa vắng 

   Em tựa vào hơi ấm những vòng tay. 

Làng Nủ ơi sao xa lạ nơi này

         Nhà cửa không còn, dân làng cũng vắng

   Dưới chân núi chỉ còn vùng đất trắng

 Tang tóc một miền trơ trụi hoang sơ.

      Những tấm lòng vượt qua mọi gió mưa

Lên biên giới với nghĩa tình nhân ái

Tấm áo, tấm chăn, gói mì mang vội

      Cưu mang nhau qua thời khắc cơ hàn. 

     Cơn bão kinh hoàng tàn phá Việt Nam

Núi gục đầu xin linh hồn xá tội 

Người làng Nủ từ bùn sâu bước tới 

        Theo Đảng lên rừng dựng làng mới đồi Sim. 

                                                                                 ( Theo Bùi Quảng Bạ- Hội nhà văn Hà Nội ngày 11.9.2024 ) 

Làng Nủ của Bùi Quảng Bạ

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định chủ đề của bài thơ?

Gợi ý:

  • Đọc kỹ nội dung để xác định ý chính mà bài thơ muốn nhấn mạnh.
Click vào đây để xem đáp án
Chủ đề của bài thơ: Những đau thương, tang tóc, hậu quả nặng nề của cơn bão số 3 gây ra cho làng Nủ.

Câu 2 (0,5 điểm): Chỉ ra các từ ngữ miêu tả hậu quả của cơn bão được thể hiện trong khổ thơ thứ tư?

Gợi ý:

  • Tìm các từ ngữ miêu tả thiệt hại, cảnh tượng sau cơn bão trong khổ thơ thứ tư.
Click vào đây để xem đáp án
Từ ngữ miêu tả hậu quả của cơn bão:
Nhà cửa không còn; dân làng cũng vắng; vùng đất trắng; tang tóc; trơ trụi hoang sơ.

Câu 3 (1,0 điểm): Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong hai câu thơ:
Tấm áo, tấm chăn, gói mì mang vội
Cưu mang nhau qua thời khắc cơ hàn.

Gợi ý:

  • Chú ý đến các từ được liệt kê và mục đích của tác giả khi sử dụng chúng.
Click vào đây để xem đáp án
  • Biện pháp tu từ: Liệt kê (tấm áo, tấm chăn, gói mì).
  • Tác dụng:
    • Làm hai câu thơ trở nên sinh động, gợi hình gợi cảm hơn.
    • Thể hiện đầy đủ, sâu sắc các món đồ cứu trợ thiết thực, góp phần làm nổi bật tinh thần đoàn kết, sẻ chia của người dân cả nước.
    • Thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.
    • Mong muốn mỗi cá nhân và tổ chức luôn chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Câu 4 (1,0 điểm): Nhận xét tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện trong bài thơ.

Gợi ý:

  • Tìm những từ ngữ thể hiện cảm xúc trong các khổ thơ.
  • Chú ý đến thái độ của nhân vật trữ tình trước thảm cảnh và những hành động cứu trợ.
Click vào đây để xem đáp án
Tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình:

  • Bàng hoàng, đau xót trước cảnh làng Nủ bị nhấn chìm bởi cơn lũ quét.
  • Xót xa, cảm thông với những người dân bị vùi lấp và những trẻ em mồ côi.
  • Chia sẻ, trân trọng tấm lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết của đồng bào.
  • Ngợi ca quyết tâm và sự hỗ trợ nhanh chóng của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng khu tái định cư.

Câu 5 (1,0 điểm): Những thông điệp mà tác giả gửi gắm qua khổ thơ sau:
Những tấm lòng vượt qua mọi gió mưa
Lên biên giới với nghĩa tình nhân ái
Tấm áo, tấm chăn, gói mì mang vội
Cưu mang nhau qua thời khắc cơ hàn.

Gợi ý:

  • Tìm thông điệp về tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia trong các hình ảnh và từ ngữ của khổ thơ.
Click vào đây để xem đáp án
Thông điệp của tác giả:

  • Tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết nghĩa tình của người dân cả nước dành cho nhân dân làng Nủ là vô cùng quý báu.
  • Những món quà cứu trợ không chỉ giúp đỡ về vật chất mà còn khích lệ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho người dân vùng lũ vượt qua khó khăn.
  • Sự sẻ chia, dù nhỏ bé, đã tạo nên sức mạnh lớn lao giúp cộng đồng đoàn kết và vượt qua thảm họa.
  • Kêu gọi mỗi cá nhân luôn cho đi, yêu thương và sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.

5 Câu hỏi tự học ở nhà

Câu hỏi 1: Em hãy phân tích ý nghĩa của từ “tử địa tan hoang” trong bài thơ và lý do vì sao tác giả sử dụng cụm từ này để miêu tả làng Nủ sau cơn bão?

Câu hỏi 2: Hãy nêu cảm nhận của em về hình ảnh “trẻ thơ côi cút trước ngày rằm, trăng thu của em hóa vành khăn trắng” trong bài thơ.

Câu hỏi 3: Theo em, tại sao tác giả nhấn mạnh tinh thần tương thân tương ái qua hình ảnh “tấm áo, tấm chăn, gói mì mang vội”?

Câu hỏi 4: Em có suy nghĩ gì về trách nhiệm của cộng đồng đối với các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai qua nội dung bài thơ?

Câu hỏi 5: Hãy viết một đoạn văn ngắn (5-7 câu) nêu cảm nghĩ của em về tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong bài thơ.

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu thơ Làng Nủ của Bùi Quảng Bạ được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *