Đọc hiểu thơ: Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi

Đọc văn bản:

LÁ ĐỎ
(Nguyễn Đình Thi)

Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.

Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.

Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn.

Em vẫy cười đôi mắt trong.
Trường Sơn, 12/1974

(Nguồn: Trường Sơn – đường khát vọng, NXB Chính trị quốc gia, 2009)

Đọc hiểu thơ: Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Click vào đây để xem đáp án

Bài thơ viết theo thể thơ tự do.

Câu 2. Chỉ ra những hình ảnh miêu tả thiên nhiên nơi đỉnh Trường Sơn.

Click vào đây để xem đáp án

Những hình ảnh miêu tả thiên nhiên nơi đỉnh Trường Sơn:Lộng gió, rừng lạ ào ào lá đỏ

Câu 3. Nêu tác dụng của phép tu từ so sánh được sử dụng trong câu thơ:

“Em đứng bên đường như quê hương”.

Click vào đây để xem đáp án

– Biện pháp tu từ: So sánh: “em đứng bên đường” với “quê hương”

– Tác dụng:

+ Làm cho câu thơ, đoạn thơ giàu hình ảnh, sinh động, hấp dẫn.

+ Làm nổi bật vẻ đẹp của “em”: gần gũi,bình dị, thân thương…

+ Thể hiện sự yêu mến, trân trọng của tác giả với các cô gái tiền phương

Câu 4. Trình bày ngắn gọn nội dung của văn bản.

Click vào đây để xem đáp án

Nội dung của văn bản: Khung cảnh cuộc hành quân hào hùng, thần tốc; vẻ đẹp của thiên nhiên rừng Trường Sơn; vẻ đẹp của người con gái trẻ trung, tươi tắn; niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến.

Câu 5. Nhận xét của anh/chị về cấu tứ của bài thơ Lá đỏ.

Click vào đây để xem đáp án

Nhận xét về cấu tứ của bài thơ Lá đỏ:

– Tứ thơ dựa trên sự tương hợp giữa màu lá thắm đỏ nơi núi rừng Trường Sơn và người nữ thanh niên xung phong nhà thơ gặp trên đường hành quân: Người con gái trên đường Trường Sơn cũng thắm đỏ và chói sáng lên như màu lá đỏ, cũng khắc sâu trong trái tim chàng trai sắc màu của niềm tin chiến thắng.

– Nhận xét: Cấu tứ độc đáo giúp nhà thơ đã tạo nên một cấu trúc chặt chẽ và đầy bất ngờ cho bài thơ.

Câu 6. Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận về vẻ đẹp của hình ảnh “em gái tiền phương” được miêu tả trong bài thơ ở phần đọc hiểu.

Click vào đây để xem đáp án

Gợi ý:

+ Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm; hình ảnh “em gái tiền phương”.

+ Vẻ đẹp của hình ảnh “em gái tiền phương” được miêu tả trong bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi:

++ Hình ảnh “em gái tiền phương” nhỏ bé giữa rừng Trường Sơn bạt ngàn, lộng gió nhưng lại mang đến cảm giác thân thương, gần gũi: vai áo bạc, quàng súng trường – như quê hương; với dáng đứng vững vàng bên đường khi làm nhiệm vụ.

++ Hình ảnh ấy là một biểu tượng về cuộc chiến tranh nhân dân. “Em gái tiền phương”là nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong trên khắp mọi miền đất nước. Sự có mặt của “em” trên đỉnh Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc với mai sau về cuộc chiến đấu toàn dân tham gia, trong đó có sự đóng góp của những người con gái trẻ trung xinh đẹp, mảnh mai nhưng vô cùng dũng cảm, gan dạ.

++ Hình ảnh “em gái tiền phương” góp phần làm nổi bật chủ đề của tác phẩm: ca ngợi cuộc kháng chiến và con người kháng chiến; làm cho bài thơ sinh động, hấp dẫn hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *