Đọc văn bản sau:
Cánh buồm trôi như một sự vô tình
Trên dòng sông chiếc sà lan chìm một nửa
Giàn mướp trước nhà đã đổ
Hoa mướp vàng vô tư
Ngọn rau sam trên gạch vỡ vẫn chua
Cây mào gà nhởn nhơ trước gió…
Và chúng tôi đi trên gạch vỡ
Không khóc than như thể chẳng đau thương.
Chúng tôi hiểu sâu xa về sự vật quanh mình
Cánh buồn trôi cho dòng sông sống lại
Hoa mướp vàng để dựng giàn mướp dậy
Rau sam chua cho đất biết đất đang còn…
Người chết sẽ chẳng bằng lòng nếu chúng tôi quá đau thương
Chúng tôi sống thay cho người đã chết.
(Những sự vật còn sống, Xuân Quỳnh, in trong Không bao giờ là cuối, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017)
* Xuân Quỳnh (1942-1988), quê ở làng La Khê, ven thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Bà là nữ nhà thơ xuất sắc trong nền thơ hiện đại Việt Nam; Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.
* Bài thơ ra đời tại Hải Phòng, giữa lúc Hải Phòng nói riêng, miền Bắc nói chung đang phải hứng chịu những trận oanh tạc của không lực Hoa Kỳ.

Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?
Click vào đây để xem đáp án
Văn bản trên được viết theo thể thơ: Tự do
Câu 2. Chủ thể trữ tình ở văn bản trên xuất hiện ở dạng thức như thế nào?
Click vào đây để xem đáp án
Dạng thức xuất hiện của chủ thể trữ tình: Xuất hiện trực tiếp (chúng tôi)
Câu 3. Biện pháp lặp cấu trúc trong ba dòng thơ sau có tác dụng gì?
Cánh buồn trôi cho dòng sông sống lại
Hoa mướp vàng để dựng giàn mướp dậy
Rau sam chua cho đất biết đất đang còn…
Click vào đây để xem đáp án
Tác dụng của biện pháp lặp cấu trúc trong ba dòng thơ:
– Tạo giọng điệu mạnh mẽ, dứt khoát, tăng giá trị cho sự biểu đạt.
– Khẳng định các sự vật (cánh buồm, dòng sông, hoa mướp, rau sam…) vẫn vươn lên mạnh mẽ bất chấp mọi hoàn cảnh.
– Nhấn mạnh sự sống vẫn tiếp diễn theo quy luật tự nhiên của nó, không thể hủy diệt.
Câu 4. Văn bản trên có nội dung chính là gì?
Click vào đây để xem đáp án
Nội dung chính của văn bản là:
– Hình ảnh sự sống vẫn tiếp tục trôi chảy và không ngừng tiếp diễn.
– Người ở lại không quá đau thương vì người đã mất mà tiếp tục sống ý nghĩa để hoàn thành tâm nguyện của người đã ra đi.
Câu 5. Từ nội dung văn bản, anh/ chị có suy nghĩ ra sao về sức mạnh của tinh thần lạc quan trong cuộc sống?
Click vào đây để xem đáp án
Suy nghĩ về sức mạnh của tinh thần lạc quan trong cuộc sống:
– Lạc quan nghĩa là luôn nghĩ về những mặt tích cực, tốt đẹp của cuộc sống dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.
– Tinh thần lạc quan giúp chúng ta có đủ sức mạnh để đứng dậy sau mỗi lần thất bại, dám đối mặt và vượt qua những khó khăn, thử thách. Tinh thần lạc quan cũng giúp cho con người có một đời sống vui vẻ và hạnh phúc hơn. Không những thế, nó còn truyền cảm hứng cho người khác.
Câu 6. Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) đánh giá chủ đề của văn bản Những sự vật còn sống của Xuân Quỳnh.
Click vào đây để xem đáp án
Gợi ý:
+ Chủ đề của văn bản: Sự bất diệt của thiên nhiên và con người trước những tàn phá của cuộc sống.
+ Ý nghĩa của chủ đề:
++ Giữa những tàn phá của cuộc sống, những sự vật vẫn cứ tồn tại đúng như những gì nó đã từng có, không một tác động nào dù ghê gớm đến đâu có thể thay đổi hay khuất phục được.
++ Và con người cũng vậy. Khi một người ngã xuống, những người sống sẽ không vì thế mà bi lụy. Họ sẽ tiếp tục sống một cách hiên ngang và dũng cảm, tiếp tục chiến đấu, tiếp nối sự nghiệp vinh quang của những người đã khuất.
=> Bài thơ thể hiện những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc: Thiên nhiên này, cuộc sống này có thể rất mong manh, nhưng không vì thế mà dễ dàng thay đổi, khuất phục hay hủy diệt.
=> Bài thơ cũng là bài học về tinh thần lạc quan, kiên cường vươn lên trong cuộc sống.