Đọc văn bản sau:
ĐƯỜNG ĐI HỌC
Khúc khuỷu ruột dê, ổ gà, ổ chó
Đường dẫn con đi suốt tuổi thơ mình
Nhiều gai góc nhưng cũng đầy hoa cỏ
Vui rập rờn theo những cánh bướm xinh…
Mười cây số bốn mùa chân xuôi ngược
Manh áo nghèo mưa nắng bạc tóc hoe
Không ngăn nổi hồn nhiên chim sáo hót
Chiều vô tư ngõ đom đóm lập lòe.
Ôi! Thương quá cái thời cơm cõng củ
Lén nhìn con cạo rá mẹ thở dài
Bữa cháo bữa rau qua ngày giáp hạt
Túc tắc rồi con cũng lớn như ai.
Thêm một tuổi là con thêm một lớp
Bước dài hơn, đi đứng chững chạc hơn
Con đường cũ mở ra nhiều lối mới
Cánh bướm xưa vẫn bay lượn chập chờn.
Mê lộ đời lắm ngả ngang ngả dọc
Chợt xênh xang chợt heo hút dặm mòn
Đường đi học vẫn là đường đẹp nhất
Sớm muộn về vẫn có mẹ chờ con!
18.02.2003
(Trích Từ khi có phượng, Nguyễn Ngọc Hưng, NXB Hội nhà văn, 2005, tr.7-8)
Chú thích: Nguyễn Ngọc Hưng sinh năm 1960, là tác giả của nhiều tập thơ được xuất bản tại Việt Nam. Ông được đánh giá là một nhà thơ lạc quan, yêu đời, dũng cảm vượt lên số phận. Thơ của ông chân thật, gần gũi và chứa đựng tình cảm.

Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra một dấu hiệu giúp xác định thể thơ của văn bản trên.
Click vào đây để xem đáp án
Dấu hiệu giúp xác định thể thơ của văn bản trên là thể thơ tám chữ: tất cả các dòng trong bài thơ đều có tám chữ.
Câu 2. Chỉ ra các từ ngữ, hình ảnh trong văn bản gợi lên sự vất vả của tuổi thơ “con”.
Click vào đây để xem đáp án
Các từ ngữ, hình ảnh gợi lên sự vất vả của tuổi thơ “con” trong bài thơ: manh áo nghèo mưa nắng tóc bạc hoe, cơm cõng củ, bữa cháo bữa rau…
Câu 3. Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong dòng thơ: “Ôi! Thương quá cái thời cơm cõng củ”.
Click vào đây để xem đáp án
Hiệu quả của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu thơ: “Ôi! Thương quá cái thời cơm cõng củ”.
– Biện pháp tu từ nhân hóa: “cơm cõng củ”.
– Tác dụng:
+ Câu thơ thêm sinh động, gần gũi, gợi hình gợi cảm, giàu hình ảnh, -> giàu hình ảnh, cảm xúc, gây ấn tượng với người đọc người nghe.
+ Nhấn mạnh và làm nổi bật hình ảnh nồi cơm độn nhiều khoai sắn, rất ít cơm. Từ đó, khẳng định nỗi vất vả, hoàn cảnh sống nghèo khổ, cơ cực của nhân vật trữ tình “con”.
+ Thái độ tác giả: ngậm ngùi hoài niệm về một thời đói nghèo, thiếu thốn.
Câu 4. Trình bày cách hiểu cảu em về hai dòng thơ sau:
“Đường đi học vẫn là đường đẹp nhất.
Sớm muộn về vẫn có mẹ chờ con!”
Click vào đây để xem đáp án
Nội dung hai câu thơ: “Đường đi học vẫn là đường đẹp nhất/ Sớm muộn về vẫn có mẹ chờ con!”:
– Hai câu thơ gợi lên hình ảnh con đường đến trường gắn với những kỉ niệm tuổi thơ; gắn với tình yêu thương, che chở, sự hi sinh vô điều kiện của mẹ dành cho con.
– Qua đó, tác giả đã nhấn mạnh giá trị của tri thức, tình mẫu tử và sự trân trọng những điều giản dị nhưng thiêng liêng trong cuộc sống.
Câu 5. Văn bản trên gửi gắm thông điệp gì tới người đọc? (Trình bày từ 5-7 dòng).
Click vào đây để xem đáp án
Gợi ý:
– Hãy trân trọng những kí ức tuổi thơ bởi dù có khó khăn, nghèo đói nhưng đó vẫn là khoảng thời gian đẹp nhất, gắn với những gì bình dị và thân thương nhất.
– Biết ơn và trân trọng tình yêu của mẹ bởi mẹ luôn yêu thương, che chở, hi sinh thầm lặng vì con.
– Luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, trở thành người có ích cho xã hội bởi học tập mở ra cho con người những cơ hội mới, giúp ta vững vàng bước vào tương lai.
Câu 6. Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nghĩ của em về khổ thơ sau:
“Khúc khuỷu ruột dê, ổ gà, ổ chó
Đường dẫn con đi suốt tuổi thơ mình
Nhiều gai góc nhưng cũng đầy hoa cỏ
Vui rập rờn theo những cánh bướm xinh…
Click vào đây để xem đáp án
* Mở đoạn: Giới thiệu và nêu cảm xúc, suy nghĩ chung về đoạn thơ.
* Thân đoạn: Trình bày cảm nghĩ về khổ thơ:
– Hình ảnh con đường tới trường:
+ Gắn liền với những khó khăn, gian khổ (khúc khuỷu ruột dê, ổ gà, ổ chó; nhiều gai góc; mười cây số; manh áo nghèo, mưa nắng bạc tóc hoe)
+ Gắn liền những niềm vui, sự hồn nhiên, lạc quan trong hành trình học tập ngày thơ bé của nhân vật trữ tình (vui rập rờn, hồn nhiên chim sáo hót, vô tư).
– Tác giả sử dụng thể thơ tám chữ giàu hình ảnh, nhạc điệu, hình ảnh tơ giàu sức gợi,… tất cả đã gửi đến người đọc thông điếp về tình yêu và sự nâng niu, trân trọng những kí ức của tác giả về con đường đi học gắn với những kỉ niệm thời thơ ấu.
* Kết đoạn: Khẳng định lại cảm nghĩ về khổ thơ: Bằng ngôn từ giản dị, cảm xúc chân thành, đoạn thơ đã ca ngợi vẻ đẹp của kí ức tuổi thơ, tầm quan trọng của con đường học tập và tình yêu quê hương đối với mỗi người.