Đọc văn bản sau:
(1) Yêu biết mấy, những dòng sông bát ngát
Giữa đôi bờ rào rạt lúa ngô non
Yêu biết mấy, những con đường ca hát
Qua công trường mới dựng mái nhà son!
(2) Yêu biết mấy, những bước đi dáng đứng
Của đời ta chập chững buổi đầu tiên
Tập làm chủ, tập làm người xây dựng
Dám vươn mình, cai quản lại thiên nhiên!
(3) Yêu biết mấy, những con người đi tới
Hai cánh tay như hai cánh bay lên
Ngực dám đón những phong ba dữ dội
Chân đạp bùn không sợ các loài sên!…
(Tố Hữu(1), Trích Mùa thu mới(2), in trong tập thơ Tố Hữu, NXB Văn học, 1998, tr. 204-205)

Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra một yếu tố hình thức nổi bật để xác định thể thơ của văn bản.
Click vào đây để xem đáp án
Học sinh chỉ ra một trong các yếu tố hình thức nổi bật của thể thơ tám chữ trong văn bản:
+ số tiếng trong một dòng thơ: mỗi dòng thơ có tám chữ
+ số dòng: số dòng trong bài thơ không hạn định và được chia thành các khổ.
+ vần: chủ yếu gieo vần chân
+ nhịp: ngắt nhịp đa dạng ( chủ yếu nhịp 3/5)
Câu 2. Ghi lại những hình ảnh miêu tả vẻ đẹp của quê hương, đất nước trong khổ thơ (1).
Click vào đây để xem đáp án
Những hình ảnh diễn tả vẻ đẹp của quê hương, đất nước trong khổ thơ (1):
– dòng sông bát ngát
– đôi bờ rào rạt lúa ngô non
– những con đường ca hát
– mái nhà son
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ có trong khổ thơ thứ (1).
Click vào đây để xem đáp án
– Biện pháp tu từ điệp ngữ: yêu biết mấy
– Tác dụng:
+ Tạo nhịp điệu, tạo sự liên kết và tăng sức gợi cảm cho đoạn thơ.
+ Nhấn mạnh tình cảm thiết tha, sâu đậm của tác giả dành cho quê hương, đất nước, đặc biệt là những hình ảnh quen thuộc như dòng sông, con đường, công trường, mái nhà.
+ Qua đó thấy được tình cảm tha thiết, chân thành và đầy tự hào của tác giả dành cho cho quê hương trong thời kì đổi mới.
Câu 4. Nhận xét về tình cảm của tác giả đối với đất nước và con người Việt Nam được thể hiện trong văn bản.
Click vào đây để xem đáp án
Văn bản thể hiện tình cảm tha thiết, chân thành và đầy tự hào của tác giả đối với đất nước và con người Việt Nam. Cụ thể:
– Tình yêu sâu nặng với thiên nhiên tươi đẹp, hiền hòa của quê hương, đất nước.
– Ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của nhân dân lao động: cần cù, dũng cảm, kiên cường, không ngại gian khổ.
– Niềm tin yêu vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Câu 5. Nêu một số việc làm cần thiết của thế hệ trẻ ngày nay để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước.
Click vào đây để xem đáp án
Học sinh nêu được những việc làm thể hiện tình yêu quê hương đất nước của thế hệ trẻ ngày nay. Có thể:
– Ra sức học tập, rèn luyện trở thành người hữu ích, sau này góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
– Yêu thương gia đình, bạn bè, xóm làng …
– Giữ môi trường sống xanh – sạch – đẹp
– Cảnh giác với những nội dung tuyên truyền chống phá Đảng và nhà nước qua mạng xã hội.
– Quảng bá những hình ảnh đẹp của quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế.
Câu 6. Viết đoạn văn ( khoảng 200 chữ) nêu cảm nghĩ của em về khổ thơ thứ (3) trong văn bản phần Đọc hiểu.
Yêu biết mấy, những con người đi tới
Hai cánh tay như hai cánh bay lên
Ngực dám đón những phong ba dữ dội
Chân đạp bùn không sợ các loài sên!…
Click vào đây để xem đáp án
* Mở đoạn: Nêu cảm nghĩ chung về đoạn thơ.
* Thân đoạn:
– Nêu cụ thể cảm xúc về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ:
+ Nội dung: Khổ thơ tôn vinh khí thế lao động hăng say và tinh thần dám nghĩ, dám làm của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Con người luôn tiến về phía trước, không ngừng nỗ lực vì tương lai “Yêu biết mấy, những con người đi tới”: so sánh độc đáo”Hai cánh tay như hai cánh bay lên” thể hiện sức mạnh và khát vọng vươn lên của con người.
Con người với tinh thần chủ động dám đối mặt với khó khăn thử thách không ngại khó, ngại khổ:”Ngực dám đón những phong ba dữ dội” “Chân đạp bùn không sợ các loài sên!”.
+ Nghệ thuật: Sử dụng thể thơ tám chữ, ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh; sử dụng biện pháp so sánh; giọng điệu sôi nổi, hào hứng.
– Chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân về đoạn thơ/ thông điệp mà đoạn thơ mang đến: Đoạn thơ làm nổi bật vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời kì mới. Qua đó bồi đắp trong mỗi chúng ta tình yêu quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương giàu đẹp.
– Kết đoạn: Khái quát lại cảm nghĩ của bản thân về yếu tố mang lại cảm xúc ấy.