Đọc hiểu thơ: Xuân xưa có mẹ của tác giả Lê Thị Kiều Nga

Đọc bài thơ sau và thực hiện theo yêu cầu bên dưới:

XUÂN XƯA CÓ MẸ

Xuân chợt đến cho mai vàng rợp ngõ
Nắng dịu dàng muôn hoa cỏ đưa hương
Ngắm bạn bè khoe áo mới trên đường
Con giận dỗi thu mình trong góc tối
Mẹ vỗ về lệ mặn ướt đôi môi.

Đau đớn quá mẹ rời xa con vội
Mất mẹ rồi con khóc mấy xuân qua
Còn đâu nữa để vòi quà áo Tết
Để bàn tay mẹ vuốt ve trìu mến
Để ngụp lặn trong lòng mẹ mông mênh.

Mùa xuân nữa lại về trên dương thế
Con chạnh lòng nhớ mẹ thuở xuân xưa
Một nén hương trong đêm đón giao thừa
Con thức trắng lặng nghe lòng hiu quạnh
Con không mẹ như buồm trắng mong manh.

(Lê Thị Kiều Nga, Tập san Lương Thế Vinh 1995)

Đọc hiểu thơ: Xuân xưa có mẹ của tác giả Lê Thị Kiều Nga

Chú thích:

– Tác giả Lê Thị Kiều Nga là một cây bút nữ từng có những sáng tác giàu cảm xúc, sâu lắng về tình mẫu tử và những kỷ niệm tuổi thơ.

– Bài thơ “Xuân xưa có mẹ” là một tác phẩm tiêu biểu được đăng trên Tập san Lương Thế Vinh năm 1995, phản ánh nỗi nhớ thương da diết dành cho người mẹ đã khuất, đồng thời khắc họa những ký ức ấm áp, thiêng liêng về mái ấm gia đình. Lê Thị Kiều Nga với lối viết giản dị, chân thành nhưng thấm đẫm tình cảm đã chạm đến trái tim người đọc, đặc biệt là những ai từng trải qua mất mát và cô đơn trong những dịp sum vầy như ngày Tết. Thơ của bà là tiếng lòng của một người con hiếu thảo, khắc khoải hướng về cội nguồn yêu thương.

Câu 1.  Xác định thể loại của bài thơ trên?

Click vào đây để xem đáp án

Thể loại: Thơ 8 chữ

Câu 2.  Chỉ ra cách gieo vần ở khổ thơ thứ 3 của bài thơ trên?

Click vào đây để xem đáp án

Cách gieo vần ở khổ thơ thứ ba: vần chân, vần liền (xưa – thừa).

Câu 3.  Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:

“Xuân chợt đến cho mai vàng rợp ngõ
Nắng dịu dàng muôn hoa cỏ đưa hương.”

Click vào đây để xem đáp án

– Biện pháp tu từ nhân hóa: “Xuân chợt đến”, “nắng dịu dàng”, ” hoa cỏ đưa hương”

– Tác dụng:

+ Làm cho câu thơ sinh động, hấp dẫn, gợi hình, gợi cảm.

+ Làm cho bức tranh mùa xuân trở nên sống động, gần gũi, tràn đầy sức sống và cảm xúc. Qua đó, tác giả bộc lộ tình cảm vui tươi, phấn khởi, háo hức, yêu mến vẻ đẹp của thiên nhiên mùa xuân.

Câu 4. Em hiểu câu thơ cuối “Con không mẹ như buồm trắng mong manh” như thế nào?

Click vào đây để xem đáp án

Câu thơ cuối “Con không mẹ như buồm trắng mong manh” được hiểu:

+ Đó là nỗi đau mất mẹ, sự cô đơn, yếu đuối và bơ vơ của người con trong cuộc đời.

+ Câu thơ khép lại bài thơ với một dư âm sâu lắng về tình mẫu tử thiêng liêng.

Câu 5. Tình cảm và thái độ của em đối với mẹ sau khi cảm nhận nội dung bài thơ đã thay đổi như thế nào?

Click vào đây để xem đáp án

Sau khi cảm nhận bài thơ “Xuân xưa có mẹ” học sinh nêu được cảm nhận riêng của cá nhân. Ví dụ:

+ Em yêu thương và trân trọng mẹ hơn. Vì mẹ là người luôn âm thầm yêu thương, hy sinh và che chở cho em trong suốt cuộc đời.

+ Cần yêu thương, quan tâm và chăm sóc mẹ nhiều hơn khi mẹ còn bên mình. Biết trân trọng từng khoảnh khắc bên mẹ, sống hiếu thảo, lễ nghĩa và dành thời gian để chia sẻ, bày tỏ lòng biết ơn đối với mẹ mỗi ngày.

Câu 6. Viết đoạn văn (Khoảng 200 chữ) ghi lại cảm nghĩ của em về khổ thơ cuối của bài thơ “Xuân xưa có mẹ” của Lê Thị Kiều Nga ở phần đọc hiểu.

Click vào đây để xem đáp án

1. Mở đoạn: Giới thiệu bài thơ (nhan đề, tác giả). Nêu ấn tượng chung về khổ thơ.

Khổ thơ trích trong bài thơ “Xuân xưa có mẹ” của Lê Thị Kiều Nga là một sáng tác đầy xúc động, khắc họa nỗi nhớ thương mẹ da diết trong những ngày xuân, khi mọi người sum vầy thì người con chỉ còn lại nỗi cô đơn trống vắng khi thiếu đi hình bóng và tình yêu thương của mẹ.

2. Thân đoạn

– Trình bày cảm nghĩ về nội dung như (mạch cảm xúc, chủ đề, thông điệp) của khổ thơ.

+ Khổ thơ triển khai mạch cảm xúc theo dòng hồi tưởng từ hiện tại về quá khứ, từ mùa xuân bây giờ sang mùa xuân thuở xưa khi còn mẹ.

+ Chủ đề nổi bật là nỗi nhớ thương mẹ khôn nguôi của người con, nhất là khi mùa xuân về, thời khắc thiêng liêng của sum họp và yêu thương.

+ Thông điệp bài thơ gợi nhắc mỗi người hãy trân quý tình mẹ khi còn có thể, bởi khi mất đi sẽ chỉ còn là nỗi tiếc thương vô hạn

– Nêu cảm nghĩ về những yếu tố nghệ thuật và tác dụng của chúng trong việc biểu đạt nội dung.

+ Khổ thơ sử dụng hình ảnh gần gũi, thân thuộc như “nén hương”… giúp khơi gợi không khí xuân và làm nổi bật sự trống vắng khi mẹ không còn…

+ Thể thơ tám chữ với nhịp điệu khoan thai, sâu lắng, rất phù hợp để diễn tả dòng cảm xúc dạt dào, nghẹn ngào của nhân vật trữ tình…

3. Kết đoạn: Khái quát cảm nghĩ về khổ thơ

Khổ thơ xúc động, thấm đẫm tình mẫu tử thiêng liêng, khiến người đọc càng thêm yêu quý, trân trọng những mùa xuân có mẹ trong đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *