Đọc hiểu thơ: Mẹ và cánh đồng

* Đọc đoạn văn bản sau:

Khi tôi vun trồng xanh những ước mơ
Mẹ gánh mùa đông xuống đồng chiêm mặn
Lội dòng sông tát ánh trăng chống hạn
Cây lúa gầy nhễ nhại giọt phù sa

Cơn gió Lào cho mắt mẹ âu lo
Cỏ dại mọc tràn bờ xôi, ruộng mật
Đám lá lúa cứa nóng bừng da mặt
Ngọn cỏ gừng đâm nhói những bước chân
Có một thời xuân sắc mẹ đi qua
Để cánh đồng xanh bao thì con gái
Mẹ tính tuổi bằng hai lần gặt hái
Bằng nhọc nhằn nắng hạn lại mưa giông

Trời được mùa phơi sao chín đầy sân
Bông lúa cúi xuống ước mong đời mẹ
Cây điền thanh ríu rít đàn chim sẻ
Mưa dưới dần sàng tay thấp tay cao…

Gửi dấu tay khắp thửa ruộng xứ đồng
Thương cái vạc cái cò ngày giáp hạt
Mẹ giữ dành hạt giống sau mùa gặt
Cái chum sành truyền lại sự ấm no […]

Và tôi như hạt thóc vàng bé nhỏ
Mẹ đã gieo hi vọng ở trên đồng
Chợt lo sợ ngày cuối mùa, hết vụ
Hạnh phúc mẹ chờ chẳng kịp trổ bông.

(Trích “Mẹ và cánh đồng”, Trần Văn Lợi [2], in trong tập Miền gió cát, NXB Thanh Niên, 2000)

Đọc hiểu thơ: Mẹ và cánh đồng

Chú thích:

[1] Giáp hạt: Thời kỳ lúa cũ ăn đã hết, lúa mới chưa chín.

[2] Nhà giáo, nhà thơ Trần Văn Lợi sinh năm 1976 tại tỉnh Nam Định. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, uỷ viên BCH Hội VHNT tỉnh Nam Định, biên tập viên Tạp chí Văn nhân. Thơ Trần Văn Lợi giản dị, trầm lắng mà đằm sâu, tha thiết. Những tác phẩm thơ của anh thiên về hoài cổ, nuối tiếc những vẻ đẹp đã qua; thể hiện một tâm hồn phong phú, luôn gắn bó sâu sắc với làng quê, với những con người thân thuộc trong cuộc sống. Những tập thơ của anh như “Miền gió cát” (2000), “Lật mùa” (2005), “Bàn tay châu thổ” (2010) “Đã như là hóa thạch những mồ hôi” (2019)…

 

Câu 1. Nêu dấu hiệu nhận biết thể thơ của đoạn trích trên?

Click vào đây để xem đáp án

Dấu hiệu xác định thể thơ trong đoạn trích là thể thơ tám chữ: Tất cả các dòng trong bài thơ đều có tám chữ.

Câu 2. Chỉ ra những hình ảnh, từ ngữ gợi lên sự vất vả, tảo tần của “mẹ” trong khổ thơ thứ nhất?

Click vào đây để xem đáp án

Những hình ảnh, từ ngữ gợi lên sự vất vả, tảo tần của “mẹ”:

Mẹ gánh mùa đông xuống đồng chiêm mặn
Lội dòng sông tát ánh trăng chống hạn
Cây lúa gầy nhễ nhại giọt phù sa

Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong hai câu thơ: “Trời được mùa phơi sao chín đầy sân
Bông lúa cúi xuống ước mong đời mẹ”

Click vào đây để xem đáp án

– Biện pháp tu từ nhân hóa: “Trời phơi”; “Bông lúa cúi xuống ước mong”

– Tác dụng:

+ Làm cho lời thơ giàu hình ảnh, giàu sức gợi, tăng tính biểu cảm và hấp dẫn cho người đọc

+ Làm nổi bật thế giới thiên nhiên (trời, bông lúa) trở nên gần gũi, sinh động, có hồn, có những hành động, suy nghĩ, tình cảm như con người.

+ Qua đó, tác giả thể hiện một cách sâu sắc niềm vui được mùa, sự hòa hợp giữa con người và vũ trụ, đồng thời ca ngợi công lao của người mẹ, người nông dân và tình cảm biết ơn sâu sắc.

Câu 4. Nhận xét về mối quan hệ giữa hình ảnh “cánh đồng” và hình ảnh “mẹ” trong đoạn trích trên?

Click vào đây để xem đáp án

Trong đoạn trích, hình ảnh “cánh đồng” và “mẹ” không tách rời mà hòa quyện, soi chiếu lẫn nhau.

+ Cánh đồng là nơi mẹ lao động, hy sinh, là nơi phản chiếu cuộc đời mẹ.

+ Hình ảnh người mẹ làm cho cánh đồng trở nên có hồn, có tình, thấm đẫm những giá trị nhân văn sâu sắc.

+ Mẹ và cánh đồng cùng là biểu tượng của sự tần tảo, hy sinh, của tình yêu thương và sự sống bất diệt nơi làng quê Việt Nam.

Câu 5. Từ nội dung đoạn thơ trên, tác giả muốn gửi tới chúng ta thông điệp gì?

Click vào đây để xem đáp án

Thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn:

+ Hãy biết ơn và hiếu thảo với cha mẹ, trân trọng giá trị của lao động, yêu quý, tự hào và gắn bó với quê hương, đất nước

+ Sống có trách nhiệm với tương lai và lan tỏa tình yêu thương, sự đồng cảm đến với mọi người…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *