Đọc hiểu thơ: Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ

Đọc đoạn trích sau, trả lời câu hỏi:

CHỢ TẾT (Trích)

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.

(Đoàn Văn Cừ, “Chợ Tết”, 1939, Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh- Hoài Chân NXB Văn học)

* Chú thích: Đoàn Văn Cừ( 1913-2004) là nhà thơ trưởng thành trong phong trào Thơ Mới. Ông chuyên viết về thôn quê với phong cách rất riêng, cảnh vật trong thơ ông có nhiều hình ảnh tươi vui rất sinh động. “Chợ Tết” là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của Đoàn Văn Cừ, sáng tác vào thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Gợi tả cảnh sinh hoạt truyền thống ở làng quê Bắc Bộ vào dịp Tết đến xuân về.

Đọc hiểu thơ: Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ

Câu 1: Chỉ ra một dấu hiệu giúp xác định thể thơ của văn bản trên.

Click vào đây để xem đáp án

Dấu hiệu giúp xác định thể thơ của văn bản trên là thể thơ tám chữ: tất cả các dòng thơ trong bài thơ đều có tám chữ.

Câu 2: Chỉ ra cách gieo vần ở khổ thơ thứ nhất của bài thơ trên.

Click vào đây để xem đáp án

Cách gieo vần ở khổ thơ thứ nhất: vần chân, vần liền (gianh-xanh)

Câu 3: Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa trong 2 câu thơ sau:

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh

Click vào đây để xem đáp án

– Xác định đúng biện pháp nhân hóa: núi- uốn mình, đồi thoa son- nằm.

– Tác dụng:

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

+ Cảnh vật vô tri trở nên sống động như con người, núi đồi như cô thiếu nữ đang trang điểm, làm duyên, làm dáng muốn hoà vào dòng người đi chợ tết. Tạo nên bức tranh thiên nhiên buổi sáng mùa xuân tươi đẹp, đầy màu sắc rực rỡ và tràn đầy sức sống. Thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước tha thiết của nhà thơ…

Câu 4: Em hiểu như thế nào về câu thơ: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi”?

Click vào đây để xem đáp án

Câu thơ Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi:

– Tả cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp khi bình minh lên. Hình ảnh “dải mây trắng đỏ dần” thể hiện sự chuyển đổi của ánh sáng, từ màu trắng sáng chuyển dần sang màu đỏ của ánh nắng mặt trời, mang đến sự ấm áp, tươi mới.

– Đây là hình ảnh rất sinh động, thể hiện sự biến chuyển của thiên nhiên và sự sống của đất trời.

Câu 5: Từ văn bản trên, em thấy cần phải làm gì để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống?

Click vào đây để xem đáp án

HS có thể trình bày theo ý kiến cá nhân nhưng phải phù hợp, gợi ý những việc cần làm để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống:

– Cần nhận thức được rằng nét đẹp văn hóa truyền thống như phiên chợ quê, cảnh sinh hoạt ngày Tết, hay sự gắn bó giữa con người với làng xóm … là những giá trị quý báu cần được trân trọng và gìn giữ.

– Tìm hiểu và tự hào về các phong tục, tập quán truyền thống. Tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa ở địa phương, như lễ hội, hội xuân, văn nghệ dân gian.

– Tuyên truyền, chia sẻ với bạn bè về giá trị văn hóa quê hương. Giữ gìn văn hóa truyền thống cũng chính là cách giữ gìn bản sắc dân tộc và tiếp nối những điều tốt đẹp cho thế hệ mai sau.

Câu 6:  Viết đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày cảm nghĩ của em về khổ thơ sau:

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Click vào đây để xem đáp án

Gợi ý:

– Giới thiệu về đoạn thơ của Đoàn Văn Cừ

– Nội dung: Khổ thơ mở đầu đã phác họa bức tranh thiên nhiên và làng quê trong buổi sớm ngày Tết thật nên thơ, thanh bình và tràn đầy sức sống. Cảnh vật dần bừng sáng khi mặt trời lên (mây trắng đỏ dần, sương hồng lam). Không gian làng quê mờ ảo, yên ả được bao phủ trong làn sương sớm. Hình ảnh con người xuất hiện sinh động, nhộn nhịp “Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết” mở ra không khí rộn ràng của ngày xuân. Khổ thơ vừa là bức tranh thiên nhiên lúc bình minh, vừa là cảnh sinh hoạt truyền thống của người dân trong dịp Tết cổ truyền.

– Nghệ thuật: Ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm, mang đậm chất thơ dân gian. Hình ảnh chọn lọc, sống động, giàu chất tạo hình (mây trắng – đỏ, sương hồng lam, đồi xanh…). Biện pháp nhân hóa (sương hồng lam ôm ấp) làm thiên nhiên như có hồn, biết yêu thương. Thể thơ tám chữ, giọng điệu nhẹ nhàng, ấm áp, gợi cảm xúc thân thuộc, yên vui.

– Khái quát cảm xúc và thông điệp ý nghĩa của đoạn thơ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *