Đọc hiểu NLXH: Có những ngày muốn post cái gì đó tươi tươi cũng thấy cần nhìn trước nhìn sau Lê Đỗ Quỳnh Hương

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Có những ngày muốn post cái gì đó tươi tươi cũng thấy cần nhìn trước nhìn sau. Vì xung quanh đang có những chuyện buồn, chuyện tổn thất, chuyện đau lòng. Không được cười nói khi người khác có chuyện buồn, kiểu như nhà mình cũng cần đi khẽ nói nhẹ, ngả nón chào khi hàng xóm có người qua đời, đó cũng là một trong những biểu hiện tối thiểu của sự tử tế.
Thật ra, làm người tử tế khó lắm không? Nói dễ, không dễ nhưng khó, cũng không hề là khó.
Không cần phải cố gắng làm những điều vượt quá khả năng của bản thân, nếu đó là điều trước giờ ở nhà cha mẹ bạn chưa từng dạy qua cho bạn. Từ từ, trải qua đời sống, bạn sẽ tự rút kinh nghiệm, và mình nhận ra rằng, hình như càng có tuổi hơn, người ta dường như càng biết sống tử tế hơn thì phải. Cái đó gọi là “đời dạy”. Tuy nhiên, có những cái nhỏ nhỏ này không cần đợi đến lúc “đời dạy” mình cũng có thể làm được ngay. Ở trên xe biết nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang bầu…, đi ngang đám ma biết im giọng không cười, nhìn thấy chị hàng xóm xách đồ nặng biết chạy tới xách phụ…, hay chủ động đỡ xe của một người không quen vừa té. Và những điều này cũng quan trọng không kém, khi bạn chuẩn bị comment ném đá ai đó, cân nhắc coi comment của bạn có làm hại gì cuộc sống người ta không, để thôi, bớt làm anh hùng bàn phím chỉ để cho vui. Hay những ai giữ trong lòng ‎ý niệm hại người, ngưng lại.
Bởi vì, làm người tử tế, nó đẹp lắm. Mỗi người tánh tình tốt xấu có đủ, âu cũng là cái tính tự nhiên, nhưng ý thức làm người tử tế nó sẽ khiến cho con người mình đẹp hơn nhiều, dẫu trời chỉ cho ta cao không tới một mét rưỡi hay chẳng có được cặp mắt hai mí to tròn, sóng mũi cao vút kiểu mấy cô mấy cậu ngôi sao Hàn Quốc. Mà chỉ cần mình thấy mình đẹp, tự nhiên mình thấy đời mình vui lên nhiều. Thì thêm được một chuyện tốt là bớt đi được một thói quen xấu mà.

(An nhiên mà sống, Lê Đỗ Quỳnh Hương, NXB Trẻ, tr. 189-191)

 Có những ngày muốn post cái gì đó tươi tươi cũng thấy cần nhìn trước nhìn sau Lê Đỗ Quỳnh Hương

Câu hỏi 1. Xác định luận đề của đoạn trích trên?
Gợi ý: Tìm ý chính mà tác giả muốn truyền tải trong toàn đoạn trích.

Click vào đây để xem đáp án
Luận đề: Làm người tử tế, nó đẹp lắm.

Câu hỏi 2. Tác giả đã chỉ ra những biểu hiện nào của sự tử tế mà mỗi người có thể làm được ngay?
Gợi ý: Chú ý các hành động cụ thể mà tác giả liệt kê trong đoạn văn.

Click vào đây để xem đáp án
Biểu hiện của sự tử tế:

  • Tác giả đã chỉ ra những biểu hiện của sự tử tế mà mỗi người có thể làm được ngay: Ở trên xe biết nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang bầu…, đi ngang đám ma biết im giọng không cười, nhìn thấy chị hàng xóm xách đồ nặng biết chạy tới xách phụ…, hay chủ động đỡ xe của một người không quen vừa té. , khi bạn chuẩn bị comment ném đá ai đó, cân nhẳc coi comment của bạn có làm hại gì cuộc sống người ta không, để thôi, bớt làm anh hùng bàn phím chỉ để cho vui. Hay những ai giữ trong lòng ‎ý niệm hại người, ngưng lại.

Câu hỏi 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ có trong câu văn sau:
“Tuy nhiên, có những cái nhỏ nhỏ này không cần đợi đến lúc ‘đời dạy’ mình cũng có thể làm được ngay. Ở trên xe biết nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang bầu…, đi ngang đám ma biết im giọng không cười, nhìn thấy chị hàng xóm xách đồ nặng biết chạy tới xách phụ…, hay chủ động đỡ xe của một người không quen vừa té.”
Gợi ý: Tìm biện pháp tu từ được sử dụng và giải thích tại sao nó hiệu quả.

Click vào đây để xem đáp án
Biện pháp tu từ: Liệt kê.
Tác dụng:

  • Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt, làm câu văn dễ hiểu, thuyết phục.
  • Diễn tả cụ thể, sinh động những việc làm tử tế để giúp đỡ người khác trong cuộc sống hàng ngày.
  • Thể hiện sự trân trọng của tác giả đối với những việc làm bé nhỏ nhưng ý nghĩa lớn.

Câu hỏi 4. Bạn có đồng ý với nhận định của tác giả: “Ý thức làm người tử tế nó sẽ khiến cho con người mình đẹp hơn nhiều” không? Vì sao?
Gợi ý: Dựa vào trải nghiệm cá nhân và nội dung đoạn trích để trả lời.

Click vào đây để xem đáp án
Đồng ý.

  • Vì: Bản thân khi có ý thức làm người tử tế, ta sẽ luôn có hành động đúng đắn, tốt đẹp.
  • Tâm hồn rộng mở, nhận nhiều năng lượng tích cực, cảm thấy thanh thản và có ích cho cuộc đời.
  • Việc sống tử tế không chỉ làm bản thân tốt đẹp mà còn lan tỏa giá trị tích cực đến xã hội.

Câu hỏi 5. Em rút ra bài học gì sau khi đọc đoạn trích trên?
Gợi ý: Tập trung vào những giá trị sống và bài học về sự tử tế mà tác giả đã truyền tải.

Click vào đây để xem đáp án
Bài học rút ra:

  • Cần biết trân trọng những việc làm tử tế, dù nhỏ bé nhưng ý nghĩa.
  • Biết cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ người khác trong cuộc sống.
  • Thực hành những điều tốt đẹp, tránh xa các hành động tiêu cực như hại người, ném đá trên mạng xã hội.

5 Câu hỏi tự học ở nhà

Câu hỏi 1: Hãy viết một đoạn văn (5-7 câu) nêu cảm nhận của em về ý nghĩa của sự tử tế trong cuộc sống.

Câu hỏi 2: Kể lại một câu chuyện em đã từng chứng kiến về sự tử tế.

Câu hỏi 3: Theo em, làm thế nào để lan tỏa lối sống tử tế trong xã hội ngày nay?

Câu hỏi 4: Hãy phân tích ý nghĩa của câu: “Thêm được một chuyện tốt là bớt đi được một thói quen xấu.”

Câu hỏi 5: Đặt kế hoạch hành động cá nhân để rèn luyện sự tử tế trong một tuần tới.

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu NLXH Có những ngày muốn post cái gì đó tươi tươi cũng thấy cần nhìn trước nhìn sau Lê Đỗ Quỳnh Hương được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2025 – 2026.

Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *