Đọc hiểu văn bản thông tin: Non Nước Hạ Long

Phần I. Đọc – hiểu (4.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:

Non nước Hạ Long
(Trích)

Đảo đá Hạ Long dưới bàn tay sắp xếp thần kì của tạo hoá không chỉ tạo nên những tác phẩm điêu khắc hoành tráng mà còn tạo nên những công trình kiến trúc tự nhiên, Mĩ lệ. Các đảo này hoặc đứng đơn độc giữa luồng lạch (hòn Đũa, hòn Gà Trọi,…) hoặc dựa vào sườn một dãy đá lớn khác (hòn Yên Ngựa, hòn Bướm,…). Có hòn bề thế bốn mặt phẳng lì, bóng nhẵn như những khối gỗ mun (hòn Âm, hòn Đỉnh Hương). Có hòn uốn lượn, càng lên cao càng thon nhỏ, sắc nhọn. Trên đó các loài dây leo, cây dại, các loài cây thân gỗ như chổi, sầm, thông đá phủ lên một màu xanh mượt. Vào mùa hạ, lớp dây leo, cây dại đua nhau nở hoa muôn màu rực rỡ vàng, đỏ, xanh, tím,…, nổi lên giữa màu xanh bất tận giữa biển trời bao la. Lúc này, Hạ Long vào mùa gió nồm nam. Ngọn gió vô tận thổi từ đại dương vượt qua lớp đảo đá vào đất liền cái mát lạnh của biển cả. Những sớm hè, khi vì sao mai còn thắp sáng đỉnh núi Bài Thơ, dọc bờ Bãi Cháy ta đã bắt gặp hàng nghìn du khách ngồi đón gió và ngắm mặt trời đằng đông. Ánh nắng mặt trời trải lên mặt vịnh những dải màu đan xen xanh tim. Bóng các đảo đá in xuống mặt nước lung linh nhiều hình thù xanh đen ngoằn ngoèo kì dị. Ấy cũng là lúc buồm trắng, buồm nâu từ nhiều của biển như những chủ bướm chập chờn, lách lượn qua rừng đảo ùa vào bến nhộn nhịp. Chiều tà, khi nắng tắt, mặt biển chuyển từ xanh lục sang màu huyết dụ, đảo đá từ màu lam ngả dân sang màu tím. Giữa mùa hè, khi gió đại dương bỗng dưng ngừng thổi và cái nóng oi bức trùm lên bãi bờ, ấy là lúc báo hiệu một trận mưa rào, hay một cơn bão dữ dội đang xuất hiện nơi nào đó trên Thái Bình Dương.
Mùa thu đem đến cho Hạ Long những đêm trăng huyền ảo. Ảnh trăng thu vàng dịu chiếu xuống mặt vịnh lung linh. Mặt nước như được dát một lớp thủy ngân lóng lánh. Dưới ánh trăng mờ ảo, đảo đá im lìm hiện lên trong cảnh tranh tối tranh sáng. Đảo quen thuộc, giờ bỗng trở nên xa lạ, huyền bí trong đêm trăng thu.
Mùa xuân, khi rừng táo, rừng mơ quanh bờ vịnh nở rộ là lúc Hạ Long mở ra một thế giới thiên nhiên huyền ảo. Buổi sớm xuân, đảo Hạ Long chập chờn trong màn sương bạc mung lung.
Những ngày sương đi giữa Hạ Long ta cảm thấy đảo đá vừa lạ vừa quen, mờ mờ, ảo ảo. Xung quanh ta sương buông trắng xoá. Thuyền đi trong sương ta ngỡ như đi trong mây bồng bềnh. Tiếng sóng vỗ lộp bộp trên mạn thuyền, tiếng gõ thuyền lộc cộc của các bạn chài gần lắm, mà
ngỡ là xa vời vợi.

(Mạnh Thường, Theo Almanach – những nền văn minh thế giới,
Nxb Văn hoá – Thông tin Hà Nội, 1999)

Đọc hiểu văn bản thông tin: Non Nước Hạ Long

Câu 1 (0,5 điểm): Đoạn trích trên cung cấp thông tin gì?
Gợi ý: Đọc kỹ đoạn đầu và các thông tin về Hạ Long để xác định nội dung chính.

Click vào đây để xem đáp án
Đoạn trích cung cấp thông tin về vẻ đẹp kỳ vĩ, độc đáo của đảo đá Hạ Long cùng sự thay đổi cảnh sắc thiên nhiên qua các mùa trong năm.

Câu 2 (1,0 điểm): Thông tin trong đoạn trích được trình bày ở những phương diện nào? Theo trình tự nào?
Gợi ý: Chú ý các yếu tố được miêu tả như vị trí, hình dáng, và sự thay đổi của thiên nhiên theo thời gian.

Click vào đây để xem đáp án

Phương diện:
Vị trí của các đảo đá (đơn độc, dựa vào sườn dãy đá khác).
Hình dáng và vẻ đẹp tự nhiên (các hình dáng đa dạng, cây cối phủ xanh).
Cảnh sắc thiên nhiên qua các mùa (mùa hè, mùa thu, mùa xuân).
Trình tự: Theo thời gian và các mùa trong năm.

Câu 3 (1,0 điểm): Phân tích hiệu quả phép tu từ so sánh trong câu văn sau:
“Ấy cũng là lúc buồm trắng, buồm nâu từ nhiều cửa biển như những chú bướm chập chờn, lách lượn qua rừng đảo ùa vào bến nhộn nhịp.”
Gợi ý: Chỉ ra hình ảnh so sánh và phân tích hiệu quả về mặt nội dung và nghệ thuật.

Click vào đây để xem đáp án

Phép so sánh:
Hình ảnh “những cánh buồm trắng, buồm nâu” được so sánh với “những chú bướm chập chờn, lách lượn.”
Hiệu quả:
Tạo cách diễn đạt sinh động, giàu hình ảnh.
Gợi tả vẻ đẹp nhẹ nhàng, uyển chuyển của những cánh buồm đang chuyển động thướt tha giữa các đảo đá.
Làm nổi bật cảnh thiên nhiên thơ mộng và cuộc sống nhộn nhịp trên vịnh Hạ Long, thể hiện niềm tự hào và tình yêu của tác giả.

Câu 4 (1,0 điểm): Đoạn trích cho thấy tình cảm gì của tác giả đối với Hạ Long?
Gợi ý: Xem xét cách tác giả miêu tả thiên nhiên và con người tại Hạ Long để cảm nhận tình cảm.

Click vào đây để xem đáp án
Tác giả thể hiện tình cảm sâu sắc, gắn bó, mến yêu và tự hào với vẻ đẹp kỳ vĩ, phong phú của Hạ Long. Qua đoạn trích, tác giả bộc lộ niềm ngợi ca và trân trọng đối với vùng đất này.

5 Câu hỏi tự học ở nhà

Câu hỏi 1: Đoạn trích đã miêu tả vẻ đẹp của Hạ Long qua các mùa như thế nào?

Câu hỏi 2: Hãy nêu và phân tích một hình ảnh miêu tả đặc sắc trong đoạn trích mà em ấn tượng nhất.

Câu hỏi 3: Tại sao tác giả lại so sánh những cánh buồm với “những chú bướm chập chờn”? Hiệu quả của phép so sánh này là gì?

Câu hỏi 4: Đoạn trích sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào để làm nổi bật vẻ đẹp của Hạ Long?

Câu hỏi 5: Tình cảm của tác giả dành cho Hạ Long được thể hiện qua ngôn từ và giọng điệu như thế nào?

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu Non Nước Hạ Long được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *