Đọc văn bản:
(1) Trong cuộc sống, sự kỳ vọng mà xã hội dành cho mỗi người cũng giữ vai trò như những ngọn hải đăng giúp chúng ta tiến về phía trước. Nhờ kỳ vọng xã hội, ta mới có động lực để phát triển và hoàn thiện bản thân. Nhưng tiếc rằng không phải ngọn hải đăng nào cũng phù hợp để ta lao tới, cũng như không phải ai cũng chinh phục được tất cả những ngọn hải đăng của cuộc đời mình.
(2) Chúng ta được sinh ra trong thế giới này với những kỳ vọng của người khác trên vai, đầu tiên là kỳ vọng của gia đình, rồi đến kỳ vọng của xã hội. Đối với con người, kỳ vọng của gia đình và xã hội giống như “ngọn hải đăng hy vọng” chỉ lối đi phía trước, thế nhưng nó lại chẳng đứng yên. Thường thì khi người ta sắp đến đích, những “ngọn hải đăng” ấy lại trở nên xa vời vợi, với những kỳ vọng mới ngày càng khó để đạt đến hơn.
(3) Bất kể là đòi hỏi từ gia đình hay xã hội, nếu chỉ luôn mải miết làm hài lòng người khác bằng cách lái con tàu cuộc đời mình lao đến những mục tiêu mà họ đặt ra, bạn sẽ không có thời gian sống cho cuộc đời của chính mình. Cứ mỗi khi bạn đến gần đích, họ có thể di chuyển ngọn hải đăng ra xa hơn, với hành trình khó khăn hơn. Con tàu của bạn có đủ nhiên liệu để mãi theo đuổi một mục tiêu không cố định? Và liệu bạn có thể dành cả đời để đáp ứng kỳ vọng của người khác? […]
(Theo Lê Bảo Ngọc, Không phải sói nhưng cũng đừng là cừu, NXB Thế giới, 2022, trang 145-146)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định luận điểm của đoạn văn (1).
Câu 2. Theo văn bản, nhờ kỳ vọng xã hội, ta mới có được điều gì?
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn:
Sự kỳ vọng mà xã hội dành cho mỗi người cũng giữ vai trò như những ngọn hải đăng giúp chúng ta tiến về phía trước.
Câu 4. Em hiểu như thế nào về câu nói: Không phải ngọn hải đăng nào cũng phù hợp để ta lao tới.
Câu 5. Theo em, làm thế nào để chúng ta có thể cân bằng giữa việc đáp ứng kì vọng của người khác và sống đúng với giá trị của bản thân?