Đọc hiểu truyện: Vé Xem Xiếc của Tống Phú Sa

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm):

Đọc văn bản sau:

Vé xem xiếc

– Tống Phú Sa –

 (Lược trích: Chị là người mẹ đơn thân, có đứa con trai 6 tuổi đang học mầm non, chuẩn bị vào lớp 1. Chị bán bánh mì rong để kiếm sống nên cuộc sống của hai mẹ con rất eo hẹp. Thường ngày, chị chỉ đưa con đến gần cổng trường, lặng lẽ đứng nhìn con vào lớp rồi mới đi bán hàng, chiều đến cũng chỉ đứng ngoài cổng đón đợi vì chị sợ các bạn nhỏ của con sẽ cười bộ dạng lếch thếch của người bán hàng rong khiến con chị buồn. Hôm đó là ngày con Tốt nghiệp, nên chị phá lệ vào tận lớp đón con. Con chị rất vui vì được mẹ đón, còn vui hơn vì cậu được cô giáo thưởng quà và cho một chiếc vé đi xem xiếc. Tối đó chị đã dẫn con đi xem xiếc.)

Hai mẹ con người đàn bà đến sân vận động khi cửa vào đã đông nghẹt người. Thằng bé nhảy chân sáo bên mẹ, thỉnh thoảng nó vượt lên trước, tay giơ cao tấm vé xem xiếc, miệng líu lo:

– Mẹ thấy chưa, đoàn xiếc này là “có nghề” lắm nhá! Người đi xem đông ơi là đông… Không biết bọn thằng Bo, cái Nhím có được đi xem không mẹ nhỉ?

Thằng bé bỗng nhỏ giọng, cầm lấy tay mẹ:

– Vào cổng rồi mẹ nhớ nắm chặt tay con, mẹ nhé! Con sợ mẹ con mình lạc nhau. Cô giáo bảo lạc mẹ là tội nhất…

Người đàn bà nhìn con rưng rưng. Gánh xiếc về quả là ngày hội lớn của bọn trẻ. Ở đấy, người ta bán vô số đồ chơi và quà ăn vặt của trẻ con. Thằng bé kín đáo nhìn những hình thù ngộ nghĩnh trên những quả bóng bay được bơm tròn căng. Nó lè lưỡi liếm môi khi đi qua hàng  bỏng ngô chiên mỡ. Chị vờ như không biết. Chị để mặc dòng nước lặng lẽ chuồi trên khoé mắt.

Dòng người mỗi lúc mỗi đông. Thằng bé dẫn chị vào cửa soát vé. Nó cẩn thận đặt tấm vé xem xiếc thẳng thớm vào tay chị rồi nhanh chân chạy lên trước ngay sát cổng vào, đôi bàn tay nhỏ xíu đưa lên vẫy vẫy:

– Mẹ ơi, con ở đây!

Người đàn bà nhón chân, gật gật đầu rồi lách lên phía trước. Chị nghiêm trang chìa tấm vé xem xiếc mà con trai chị được tặng ở trường mầm non. Anh chàng soát vé bật cười, trả tấm vé cho chị:

– Bà khốt ơi, đây là vé của trẻ con. Mà trẻ con cũng phải có người lớn đi kèm thì mới được vào! Người lớn muốn vào thì phải sang kia mua vé. Không biết bà ở đâu ra mà khốt thế không biết?

Anh chàng soát vé đẩy chị ra. Người đàn bà nghe sống lưng lạnh toát, mồ hôi nhễ trong lần áo ngực. Ôi! Con trai bé bỏng của chị, chị biết phải làm sao đây? Chị lần dây rút, kín đáo đếm lại số tiền trong đạy. Những đồng tiền ít ỏi của chị đủ để mua một tấm vé vào xem xiếc. Nhưng còn ngày mai, ngày kia… chị không biết phải xoay xở thế nào cho cuộc sống của hai mẹ con. Người đàn bà đau đớn nhìn đôi mắt trong veo của con trai đang ngước vào phía trong. Chắc nó sốt ruột muốn nhanh lên ngồi ở hàng đầu để nhìn cho rõ… Lấy hết can đảm, người đàn bà cúi xuống sát tai nó, giọng nghẹn lại:

– Bi ơi, mình về thôi con!

Cổ họng chị tắc nghẽn khi nhìn đôi vai buông thõng, khuôn mặt buồn thiu thắt của thằng bé. Không kìm được, chị ghì lấy nó, đôi dòng nước mắt lặng lẽ rơi:

– Mẹ xin lỗi con, thứ lỗi cho mẹ, con nhé!

Thằng bé day mặt về phía chị, chỉ thoáng chốc, một thoáng chốc thôi, khuôn mặt thằng bé đã ở trạng thái bình thường. Nó chạy trước chị một quãng, nói lớn để chị không thể nhận ra giọng nói đã méo xệch của mình, rằng, mẹ ơi, đoàn xiếc này cũng còn non nghề, ai mà thèm xem, nhỉ, mẹ nhỉ!

Người đàn bà cùng thằng con trai sáu tuổi đi về phía con đường có những ánh đèn. Sau lưng hai mẹ con tiếng loa phóng thanh ra rả về buổi xiếc thú chìm dần trong bóng tối.”

(Truyện ngắn hay 2015, Tống Phú Sa, NXB Văn học, 2015, trang243 – 258)

 

Vé Xem Xiếc của Tống Phú Sa

Câu 1 (0,5 điểm) : Xác định đề tài của văn bản trên.

Gợi ý: Đề tài chính là nội dung trọng tâm mà tác phẩm muốn thể hiện, thường phản ánh những giá trị nhân văn hoặc thực trạng xã hội.

Click vào đây để xem đáp án
Đề tài của văn bản: tình mẫu tử.

Câu 2 (0,5 điểm) : Xác định nhân vật chính của văn bản trên.

Gợi ý: Nhân vật chính là trung tâm của câu chuyện, qua đó tác giả thể hiện ý nghĩa và thông điệp.

Click vào đây để xem đáp án
Nhân vật chính của văn bản: hai mẹ con cu Bi.

Câu 3 (1,0 điểm) : Cuối truyện, hai mẹ con không xem được xiếc, dù rất muốn xem nhưng Bi vẫn theo mẹ về. Em hiểu ý nghĩa câu nói của Bi ở cuối truyện như thế nào?

Gợi ý: Ý nghĩa câu nói nằm ở suy nghĩ, cảm xúc và hành động của nhân vật Bi trước tình huống không được xem xiếc.

Click vào đây để xem đáp án
Ý nghĩa câu nói của Bi ở cuối truyện:
Bi không cần xem xiếc nữa dù bé rất muốn và háo hức, mong chờ, bởi với cậu, mẹ còn quan trọng hơn gánh xiếc. Bi hiểu hoàn cảnh gia đình mình, thương mẹ tần tảo, hy sinh vì mình. Đối với Bi, nơi nào có mẹ, nơi đó là niềm vui.

Câu 4 (1,0 điểm) : Nhận xét tình cảm, thái độ của tác giả được thể hiện trong văn bản trên.

Gợi ý: Phân tích cách tác giả miêu tả nhân vật, tình huống và thái độ của họ để làm rõ quan điểm của tác giả.

Click vào đây để xem đáp án
Tác giả đã thể hiện:

  • Lòng cảm thương, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là tình huống éo le của người mẹ không đủ tiền mua vé xiếc cho con.
  • Trân trọng tình mẫu tử thiêng liêng, qua hình ảnh người mẹ nghèo nhưng tần tảo hy sinh và cậu con trai hiểu chuyện.
  • Phê phán kín đáo sự dửng dưng, vô cảm trước những khó khăn của người khác, qua nhân vật người bán vé.

Câu 5 (1,0 điểm) : Em rút ra được những bài học nào từ văn bản trên?

Gợi ý: Liên hệ giá trị nhân văn từ câu chuyện với những bài học trong cuộc sống của bản thân.

Click vào đây để xem đáp án
Bài học từ văn bản:

  • Trân trọng tình mẫu tử thiêng liêng và hiểu giá trị của tình cảm gia đình.
  • Biết yêu thương, chăm sóc mẹ, cảm thông với những khó khăn, vất vả của mẹ.
  • Đồng cảm và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, tránh thờ ơ, vô cảm.
  • Học cách hiểu chuyện, sẻ chia như cậu bé Bi để trở thành người con hiếu thảo.

5 Câu hỏi tự học ở nhà:

Câu hỏi 1: Phân tích cảm xúc của người mẹ khi không thể cùng con vào xem xiếc.

Câu hỏi 2: Hãy nêu ý nghĩa của hình ảnh “những quả bóng bay” và “hàng bỏng ngô” trong văn bản.

Câu hỏi 3: Cách hành xử của người soát vé có phù hợp không? Vì sao?

Câu hỏi 4: Liên hệ tình mẫu tử trong câu chuyện với một bài học hoặc trải nghiệm của bản thân.

Câu hỏi 5: Nếu được viết tiếp câu chuyện, em sẽ viết điều gì để tạo nên kết thúc trọn vẹn hơn?

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu Vé Xem Xiếc của Tống Phú Sa được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *