NHỮNG BÔNG HOA HÌNH TRÁI TIM
Tác giả: Võ Thu Hương
(Lược trích: Phía sau nhà Chi trước đây là một đồi hoa rất đẹp, nhưng từ ngày “ tấc đất, tấc vàng” thì đồi hoa ngày càng thu hẹp lại. Chỉ còn duy nhất vuờn hoa của ông Ngọc. Mắt ông bị mù. Hàng ngày ông vẫn chăm sóc vườn hoa)
Chi và đám bạn vẫn thường lang thang loanh quanh vườn hoa ông Ngọc. Ông Ngọc thật tài, ông không nhìn được nhưng chỉ cần gió thoảng qua ông cũng nói vanh vách trúng như thần rằng hôm nay hoa hồng nhung nở nhiều hay hồng bạch nở nhiều? Cúc hay thược dược nở nhiều… Mỗi loài hoa có một hương thơm khác nhau, như mang một mật ngữ khác nhau. Chỉ cần yêu hoa sẽ hiểu được. Khi Chi thắc mắc, ông Ngọc giải thích như thế, gương mặt ông rất tươi vui.
Đám trẻ yêu hoa quyết tâm “nghe” bằng được mật ngữ của hoa. Chúng đến hàng ngày theo chân ông ra vườn giúp ông tưới nước. Và để học “nghe” mật ngữ hoa, chúng hít thật sâu từng hương hoa, học thuộc tên từng loài hoa trong vườn. Khi đã thuộc hết tên loài hoa, chúng… nhắm mắt theo ông Ngọc để đoán hương hoa. Mỗi ngày thêm một chút kinh nghiệm, giờ thì Chi cũng đã có thể đoán trúng phóc hôm nay hoa nào nở ở góc vườn nào. Nhưng phải cần có quyền trợ giúp từ cô gió. Không có gió vẫn đoán trúng tài tình như ông Ngọc thì cả đám không thể làm được.
Hoa ông Ngọc trồng thường ít bán cho khách lạ, hầu như chỉ bán cho khách quen. Có lẽ vì khách quen không ai nỡ lừa ông. Ông bán hoa theo bó. Một bó hoa cúc 5000 đồng. Một bó hoa hồng
10.000 đồng… Người ngay thương ông, chỉ hái mỗi bó tầm 5 – 10 bông, có khi bỏ vào cả 20.000 đồng không đòi tiền thối. Kẻ gian vội vã quơ cào cả vạt hoa không thương tiếc. Chỉ cốt sao càng nhiều hoa càng hời mà không nghĩ tới ông lão có đôi mắt mờ câm mờ điếc đứng xa xa với tâm hồn tủi buồn.
Những điều ấy có thể lọt qua mắt ông Ngọc nhưng không thể lọt qua mắt Chi và đám bạn. Mấy lần lang thang dạo quanh vườn hoa, cả đám đã rất bất bình và bàn nhau kế hoạch lên thời gian biểu trực vườn hoa.
– Thay vì cả đám lang thang vườn hoa tùy hứng như trước đây, giờ tụi mình chia lịch lên vườn hoa nhen? Có như vậy mình mới giúp ông Ngọc canh chừng vườn hoa được. – Duy mập nói, giọng nghiêm trọng.
Cả đám đương nhiên đồng ý. Lịch chia ra dựa trên những buổi, ngày rảnh rỗi, được nghỉ học. Vườn ông Ngọc luôn luôn có một trợ lí nhí đắc lực bên cạnh ông. Trợ lí ấy luôn cười khì hỉnh mũi khi ông giới thiệu: “Cháu tôi đấy”. Trợ lí nhí thấy mình oai lắm khi la to: “Đủ rồi cô, chú ơi” lúc có khách nào lỡ tay hái nhiều quá. Ông Ngọc đứng ở góc vườn, vẻ mặt tươi vui và khóe miệng rung rung cười mỉm.
Mẹ nói, đẹp nhất trong vườn ông Ngọc không phải là hoa hồng hay hoa huệ mà là những bông hoa hình trái tim. Bông hoa hình trái tim ấy còn có tên rất chi là ngộ nghĩnh: Duy mập, Chi toét, Thịnh còi… Những bông hoa hình trái tim ấy vừa nở rất thắm tươi trong vườn xuân năm nay. Và vì thế, với mẹ, chẳng phải là hoa cúc Hà Nội, hoa hồng Đà Lạt đẹp nhất, mà chính là những đóa xuân ngời trong vườn hoa nhỏ tưởng như bị bỏ quên giữa lòng phố xá.
Câu 1 (0,5 điểm): Em hãy cho biết ngôi kể của truyện.
Gợi ý: Xác định người kể chuyện là nhân vật trong câu chuyện hay người đứng ngoài tường thuật.
Câu 2 (0,5 điểm): Em hãy chỉ ra lời của nhân vật và lời của người kể chuyện trong đoạn văn sau:
“Thay vì cả đám lang thang vườn hoa tùy hứng như trước đây, giờ tụi mình chia lịch lên vườn hoa nhen? Có như vậy mình mới giúp ông Ngọc canh chừng vườn hoa được.” – Duy mập nói, giọng nghiêm trọng.
Gợi ý: Lời nhân vật thường được dẫn trực tiếp, đi kèm dấu ngoặc kép hoặc dấu gạch ngang.
Câu 3 (1,0 điểm): Những đứa trẻ trong truyện trên hiện lên với những phẩm chất nào?
Gợi ý: Tìm những chi tiết miêu tả hành động, suy nghĩ của các nhân vật nhỏ tuổi.
Câu 4 (1,0 điểm): Nêu ý nghĩa của chi tiết: “Ông Ngọc thật tài, ông không nhìn được nhưng chỉ cần gió thoảng qua ông cũng nói vanh vách trúng như thần rằng hôm nay hoa hồng nhung nở nhiều hay hồng bạch nở nhiều? Cúc hay thược dược nở nhiều…”
Gợi ý: Phân tích chi tiết này để làm nổi bật tình yêu hoa và tài năng đặc biệt của ông Ngọc.
Câu 5 (1,0 điểm): Từ nội dung văn bản, em rút ra những bài học gì cho bản thân?
Gợi ý: Rút ra bài học ứng xử phù hợp từ cách sống của ông Ngọc và nhóm trẻ.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Vì sao ông Ngọc không nhìn thấy nhưng vẫn đoán được loài hoa nở trong vườn?
Câu hỏi 2: Chi tiết “những bông hoa hình trái tim” mang ý nghĩa gì trong câu chuyện?
Câu hỏi 3: Hành động của nhóm bạn nhỏ có ý nghĩa gì đối với ông Ngọc?
Câu hỏi 4: Hãy nêu cảm nghĩ của em về tấm lòng nhân hậu của nhóm bạn nhỏ.
Câu hỏi 5: Em có nghĩ rằng yêu thiên nhiên là một cách giúp cuộc sống tốt đẹp hơn không? Vì sao?
Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!