I. ĐỌC HIỂU (4 điểm): Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
(Tóm lược: Truyện ngắn “Mùa lạc” kể về những ngày đầu xây dựng nông trường Điện Biên. Truyện kể về Đào một người phụ nữ mất cả chồng con, lại nghèo, xấu, đòn gánh trên vai tất tả ngược xuôi lăn lộn kiếm sống, không chút hy vọng về tương lai của mình, không trông mong có hạnh phúc. Chị lên nông trường Điện Biên với tâm lý tìm một chốn dừng chân để quên đi những tháng ngày đã qua. Thế rồi, Đào lấy lại được niềm tin với cuộc sống, với những người xung quanh khi ở đây. Chị Đào quyết định ở lại Điện Biên, ở lại nông trường để xây dựng lại cuộc đời, tạo dựng cuộc sống mới.)
…Qua dãy núi này, qua mấy cánh rừng nữa là sang đất Thượng Lào rồi. Đất Lào những ngày kháng chiến, hành quân trong rừng hàng trăm cây số, đêm ngủ lại bên những sườn núi chon von, phải đào huyệt để giữ người khỏi lăn xuống vực thẳm. Những ngày rét buốt xương, há hốc mồm mà không thể nói, vê điếu thuốc lào không chặt, cầm que diêm rơi lúc nào không biết, có người đặt lưng nằm xuống là cứ nằm như thế mãi mãi…
Cũng chẳng ai ngờ khu pháo binh tây Hồng Cúm của giặc năm xưa lại là bãi trồng lạc của đội sản xuất số “6”. Mới mùa xuân năm ngoái đất này còn ngập lên một rừng cây chó đẻ, dây thép gai, mìn, vỏ đạn đại bác, nhừ nát vì những hố bom, những giao thông hào. Rải rác còn có những đoạn xương người, những mảnh vải nhựa, vài lưỡi xẻng hoen rỉ, một gói tiền bọc vải đã mục nát, những khẩu súng ngắn và tiểu liên, dấu vết còn lại của những người anh hùng Điện Biên ngày trước. Mấy tháng trời liền, lưỡi xẻng đi trước, vết chân người theo sau san rừng, đào cây, gỡ mìn. Có người đã hy sinh, có người mang thương tật, dây thép gai chọc nát bàn tay, mồ hôi thấm rách từng loạt quần áo, người héo lại vì nắng, vì gió Lào, mồm lở, chân phù vì thiếu rau xanh.
…Quê hương thứ nhất của chị ở đất Hưng Yên, quê hương thứ hai của chị ở nông trường Hồng Cúm, hạnh phúc mà chị đã mất đi từ bảy, tám năm trước nay ai ngờ chị lại tìm thấy ở một nơi mà chiến tranh đã xảy ác liệt nhất. Ở đây, trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối đã tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng. Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy…
(Nguyễn Khải, Mùa lạc, Dẫn theo Truyện ngắn Nguyễn Khải, NXB Văn học 2013)
Câu 1 (0,5 điểm): Đoạn văn trên sử dụng ngôi kể nào?
Gợi ý:
Ngôi kể: Ngôi thứ ba.
Câu 2 (0,5 điểm): Nhà văn đã kể những gì về nhân vật chị trong đoạn trích?
Gợi ý:
Nhân vật chị có hai quê hương và từng trải qua quá khứ bất hạnh.
Câu 3 (1,0 điểm): Phép liệt kê trong câu văn sau có tác dụng gì?
“Ở đây, trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối đã tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng.”
Gợi ý:
Phép liệt kê: những món quà từ vũ khí, đồ dùng chiến tranh.
Tác dụng: Làm nổi bật sự sáng tạo và lạc quan của con người hậu chiến.
Câu 4 (1,0 điểm): Em có nhận xét như thế nào về lời người kể chuyện trong văn bản?
Gợi ý: Lời kể đan xen giữa kể việc và lời bình.
Câu 5 (1,0 điểm): Em có đồng ý với ý kiến: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy.” của tác giả không? Vì sao?
Gợi ý:
Đồng ý. Cuộc sống luôn tồn tại hy vọng nếu con người có ý chí, nghị lực.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Tóm tắt hoàn cảnh sống và quá trình thay đổi cuộc đời của nhân vật chị Đào trong truyện “Mùa lạc”.
Câu hỏi 2: Vì sao nông trường Hồng Cúm được xem là quê hương thứ hai của chị Đào?
Câu hỏi 3: Phân tích ý nghĩa của những món quà cưới được nhắc đến trong câu chuyện.
Câu hỏi 4: Em hiểu như thế nào về câu nói: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ”?
Câu hỏi 5: Từ câu chuyện, em rút ra bài học gì về nghị lực và tinh thần vượt khó trong cuộc sống?
Sau khi hoàn thành bài tập hãy gửi vào gmail: dochieunguvan2025@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!