Đọc hiểu thơ: Bài Thơ Quê Hương của Nguyễn Bính

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Cho đoạn thơ sau:

BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG

(Trích)

…Quê hương tôi có Trường Sơn một dải,

Có Hồng Hà lại có Cửu Long Giang

Có Hà Nội có Hồ Tây, hồ Kiếm.

Chợ Đồng Xuân bày đủ mặt hàng.

Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt

Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son.

Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu,

Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon.

Cánh đồng nào cũng chôn vàng, giấu bạc,

Bờ biển nào cũng ngời chói ngọc châu.

Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh,

Có cây lim đóng cả một thân tàu.

{…}

Khi có giặc những tre làng khắp nước,

Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chông

Những trai gái thôn Đoài, xóm Bắc

Thoắt vươn vai thành những anh hùng.

Nguyễn Bính (Tết Bính Ngọ – 1966)

Đọc hiểu thơ: Bài Thơ Quê Hương của Nguyễn Bính

Câu 1 (0,5 điểm): Dựa vào đặc điểm nào để em xác định thể thơ của đoạn trích trên?

Gợi ý: Quan sát số lượng chữ trong mỗi dòng thơ để xác định thể thơ.

Click vào đây để xem đáp án
  • Dựa vào số chữ trên mỗi dòng thơ: Thể thơ 8 chữ.

Câu 2 (0,5 điểm): Nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên là ai?

Gợi ý: Dựa vào cách xưng hô và góc nhìn trong bài thơ để trả lời.

Click vào đây để xem đáp án
  • Nhân vật trữ tình: “Tôi”/tác giả.

Câu 3 (1,0 điểm): Tìm và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong khổ thơ:

“Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son.
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu,
Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon.”

Gợi ý: Tìm các hình ảnh được liệt kê và phân tích tác dụng của chúng.

Click vào đây để xem đáp án
  • Biện pháp tu từ liệt kê:
    • Sầu riêng, măng cụt, lòng bưởi đào, lòng gấc, gạo tám xoan, cam xã Đoài.
  • Tác dụng:
    • Tạo nhịp điệu, tính liên kết, làm câu thơ sinh động và hấp dẫn.
    • Diễn tả chi tiết, đầy đủ các đặc sản của quê hương, qua đó khẳng định sự trù phú, giàu đẹp của quê hương “tôi”.
    • Thể hiện tình yêu, niềm tự hào sâu sắc của tác giả về quê hương mình.

Câu 4 (1,0 điểm): Đọc khổ thơ cuối, em hiểu được vẻ đẹp gì ở con người “quê hương tôi”?

Gợi ý: Phân tích các phẩm chất nổi bật của con người được miêu tả trong khổ thơ cuối.

Click vào đây để xem đáp án
  • Vẻ đẹp của con người quê hương:
    • Anh dũng, kiên cường, bất khuất: Họ sẵn sàng hy sinh, đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương khi có giặc.
    • Tinh thần yêu nước, đoàn kết: Những trai gái thôn Đoài, xóm Bắc thoắt vươn vai trở thành anh hùng.

Câu 5 (1,0 điểm): Qua bài thơ em hãy rút ra thông điệp sâu sắc nhất? Vì sao?

Gợi ý: Tìm ý nghĩa chính của bài thơ và lý giải ngắn gọn.

Click vào đây để xem đáp án
  • Thông điệp sâu sắc: Hãy yêu mến, tự hào và giữ gìn quê hương, đất nước tươi đẹp, giàu truyền thống.
  • Lý do:
    • Quê hương là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, chứa đựng vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người.
    • Quê hương là nơi khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm cống hiến và bảo vệ đất nước.

Câu 6 (2,0 điểm): Từ nội dung đoạn thơ em hãy viết một đoạn văn từ (10-12 câu) trả lời câu hỏi: Cần làm gì để sống có ích trong xã hội hiện đại ngày nay?

Gợi ý: Trình bày quan điểm cá nhân với dẫn chứng và lập luận rõ ràng.

Click vào đây để xem đáp án
Để sống có ích trong xã hội hiện đại ngày nay, mỗi người cần thực hiện nhiều việc ý nghĩa. Trước hết, chúng ta phải có mục tiêu, lý tưởng sống rõ ràng, đặt ra những ước mơ và phấn đấu để đạt được. Đồng thời, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng để tự phát triển bản thân. Bên cạnh đó, cần biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ những người khó khăn, góp phần lan tỏa tình yêu thương trong xã hội. Hơn nữa, phải có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa truyền thống để xây dựng xã hội bền vững. Đặc biệt, khi đất nước gặp khó khăn, mỗi người cần sẵn sàng hy sinh, cống hiến hết mình để bảo vệ quê hương. Phê phán thái độ sống lười biếng, vô trách nhiệm hoặc chỉ biết lợi ích cá nhân. Như vậy, sống có ích không chỉ giúp chúng ta thành công mà còn làm cho cuộc đời ý nghĩa và xã hội ngày càng phát triển.

5 Câu hỏi tự học ở nhà

Câu hỏi 1: Em hãy phân tích ý nghĩa hình ảnh “Cánh đồng nào cũng chôn vàng, giấu bạc” trong bài thơ. Hình ảnh này gợi lên điều gì về vẻ đẹp của quê hương?

Câu hỏi 2: Từ câu thơ “Khi có giặc những tre làng khắp nước/Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chông”, em cảm nhận được tinh thần chiến đấu và bảo vệ quê hương của người Việt Nam như thế nào?

Câu hỏi 3: Tìm thêm một biện pháp nghệ thuật ngoài liệt kê trong bài thơ và phân tích tác dụng của biện pháp đó trong việc thể hiện tình yêu quê hương.

Câu hỏi 4: Em hãy viết một đoạn văn ngắn (5-7 câu) trình bày cảm nhận của mình về tình yêu và niềm tự hào của tác giả đối với quê hương trong bài thơ.

Câu hỏi 5: Qua bài thơ, em rút ra bài học gì về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát triển quê hương, đất nước?

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu thơ: Bài Thơ Quê Hương của Nguyễn Bính được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn  năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *