PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Hạnh phúc của một tang gia
“…Sáng hôm sau, đúng 7 giờ thì cất đám. Hai viên cảnh sát thuộc bộ thứ 18 là Min Ðơ và Min Toa đã được thuê giữ trật tự cho đám ma. Giữa lúc không có ai đáng phạt mà phạt, đương buồn rầu như những nhà buôn sắp vỡ nợ, mấy ông cảnh binh này được có đám thuê thì sung sướng cực điểm, đã trông nom rất hết lòng. […] Hôm nay Tuyết mặc bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan mỏng, trong cóc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú – nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấn xinh xinh. Thấy rằng thiên hạ đồn mình hư hỏng nhiều quá, Tuyết bèn mặc bộ Ngây thơ để cho thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất chữ trinh. Với cái tráp trầu cau và thuốc lá, Tuyết mời các quan khách rất nhanh nhẹn, trên mặt lại hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám. Những ông bạn thân của cụ cố Hồng, ngực đầy những huy chương như: Bắc đẩu bội linh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh, Vạn tượng bội tinh, vân vân… trên mép và cằm đều đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn, những ông tai to mặt lớn thì sát ngay với linh cửu, khi trông thấy một làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết, ai nấy đều cảm động hơn những khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng.
Với một đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú dích và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài trăm người đi đưa, lại có cậu tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ. Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…! […] Ðám cứ đi…
Kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu, lần lượt thay nhau mà rộn lên. Ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh, song le sự thật thì vẫn thì thầm với nhau chuyện về vợ con, về nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may. Trong mấy trăm người đi đưa thì một nửa là phụ nữ, phần nhiều tân thời, bạn của cô Tuyết, bà Văn Minh, cô Hoàng Hôn, bà Phó Ðoan, vân vân… Thật là đủ giai thanh gái lịch, nên họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma. […] Ðám cứ đi…
Ðến huyệt, lúc hạ quan tài, cậu tú Tân luộm thuộm trong chiếc áo thụng trắng đã bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng, hoặc lau mắt như thế này, như thế nọ… để cậu chụp ảnh kỷ niệm lúc hạ huyệt. Bạn hữu của cậu rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác mà chụp để cho ảnh khỏi giống nhau.
Xuân Tóc Ðỏ đứng cầm mũ nghiêm trang một chỗ, bên cạnh ông Phán mọc sừng. Lúc cụ Hồng ho khạc mếu máo và ngất đi, thì ông này cũng khóc to “Hứt!… Hứt!… Hứt!…”
Ai cũng để ý đến ông cháu rể quý hoá ấy.
Ông ta khóc quá, muốn lặng đi thì may có Xuân đỡ khỏi ngã. Nó chật vật mãi cũng không làm cho ông đứng hẳn lên được. Dưới cái khăn trắng to tướng, cái áo thụng trắng loè xòe, ông phán cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi.
– Hứt!… Hứt!… Hứt!…
Xuân Tóc Ðỏ muốn bỏ quách ra, chợt thấy ông Phán dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư… Nó nắm tay cho khỏi có người nom thấy, rồi đi tìm sư cụ Tăng Phú lạc trong đám ba trăm người đương buồn rầu và đau đớn về những điều sơ suất của khổ chủ.”
(Trích tiểu thuyết Số đỏ, Vũ Trọng Phụng)
*Chú thích:
Vũ Trọng Phụng (1012 – 1939) sinh ra tại Hưng Yên nhưng lớn lên và mất tại Hà Nội. Ông là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam ở đầu thế kỷ XX. Tuy thời gian cầm bút khá ngắn ngủi, chỉ khoảng 9 năm trước khi mất nhưng ông đã để lại lượng tác phẩm lớn với nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, kịch, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo.
Tiểu thuyết “Số đỏ” được đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7/10/1936 và được in thành sách. Cuốn tiểu thuyết thu hút sự chú ý của nhiều độc giả, đã được dựng thành phim.
(Tóm tắt “Số đỏ”: Xuân Tóc Đỏ vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lang thang đầu đường, xó chợ, kiếm sống bằng đủ thứ nghề như trèo me, trèo sấu, thổi kèn, quảng cáo thuốc lậu, nhặt banh ở sân quần vợt,… Lần nọ, Xuân bị cảnh sát bắt giam vì nhìn trộm một cô đầm thay váy, nhưng được bà Phó Đoan – một me Tây dâm đãng, bảo lãnh và giới thiệu đến phục vụ ở hiệu may Âu hoá của vợ chồng Văn Minh, cháu bà. Từ đây, Xuân Tóc Đỏ được gia nhập xã hội thượng lưu, quan hệ với những nhân vật có thế lực. Xuân được Tuyết – em của Văn Minh, con cụ cố Hồng, đem lòng say mê. Hắn còn được bà phó Đoan nhờ dạy dỗ cho cậu Phước, con của bà, và lại được nhà sư Tăng Phú mời làm “cố vấn cho báo Gõ Mõ”. Phát hiện cô Hoàng Hôn, một em gái khác của Văn Minh, ngoại tình, chồng cô ta đã nhờ Xuân nói với mọi người rằng ông ta là một người chồng mọc sừng, Xuân vô tình nói ra điều đó trước mặt cụ tổ nhà Văn Minh, bố cụ cố Hồng, nên đã gây ra cái chết của cụ, không ngờ Xuân được cả nhà họ ghi ơn. Trong đám tang, Xuân đã được ông Phán mọc sừng trả công đúng như lời hứa. Sau đó, Xuân còn được Văn Minh dẫn đi đăng kí tranh giải quần vợt, nhân dịp vua Xiêm đến Bắc Kì, Xuân được dịp thi tài với quán quân Xiêm. Để giữ mối hòa khí giữa hai nước, Xuân được lệnh phải thua. Kết thúc trận đấu, Xuân hùng hồn diễn thuyết cho dân chúng hiểu về “sự hi sinh vì Tổ quốc” của mình. Hắn thành “bậc vĩ nhân”, thành “anh hùng cứu quốc”. Xuân còn được thưởng huân chương Bắc Đẩu bội tinh, được mời vào Hội Khai trí tiến đức, được nhận làm con rể cụ cố Hồng.)
Câu 1 (0.5 điểm). Phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Gợi ý: Xem xét nội dung chính của đoạn trích để xác định phương thức được sử dụng.
Câu 2 (1.0 điểm). Tìm những từ ngữ miêu tả những người đi đưa tang. Những từ ngữ đó cho thấy điều gì về những người mang danh thượng lưu trong xã hội đương thời?
Gợi ý: Tập trung vào cách miêu tả ngoại hình, hành động, tâm trạng của họ trong đám tang.
Gợi ý: Nhan đề có gì mâu thuẫn hoặc đặc biệt mà tạo ra ấn tượng cho người đọc?
Câu 4 (1.0 điểm). Theo em, cụm từ “Đám cứ đi” được lặp lại hai lần trong văn bản đem lại hiệu quả nghệ thuật gì?
Gợi ý: Chú ý vào cảm giác kéo dài và nhấn mạnh từ cụm từ này.
Câu 5 (1.0 điểm). Khi dự tang lễ, cách cư xử của mỗi người trong đám tang cũng phần nào bộc lộ nét văn hóa của người đó. Theo em, cần phải cư xử, hành động như thế nào khi tham dự lễ tang để chứng tỏ mình là một người lịch sự, có văn hóa?
Gợi ý: Dựa trên chuẩn mực xã hội về sự trang trọng và thành kính trong lễ tang.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Phân tích ý nghĩa của việc Tuyết mặc bộ y phục Ngây thơ trong đám tang của cụ cố tổ. Hành động này phản ánh điều gì về nhân vật và xã hội đương thời?
Câu hỏi 2: Tại sao cụm từ “Đám cứ đi” lại được lặp lại hai lần trong đoạn trích? Hãy liên hệ với phong cách nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng để giải thích.
Câu hỏi 3: Nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong đoạn trích có vai trò gì trong đám tang? Hãy phân tích thái độ của tác giả khi miêu tả nhân vật này.
Câu hỏi 4: Qua đoạn trích, em cảm nhận thế nào về bản chất của tầng lớp thượng lưu trong xã hội thời kỳ ấy? Hãy nêu các dẫn chứng cụ thể để làm rõ ý kiến của mình.
Câu hỏi 5: Nếu được thay đổi một chi tiết trong đoạn trích để tăng thêm tính nhân văn, em sẽ thay đổi chi tiết nào? Vì sao?
Sau khi hoàn thành bài tập hãy gửi vào gmail: dochieunguvan2025@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!