PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Trời đã quá trưa. Tôi vừa về đến nhà trọ, đã thấy người nhà ông L đã sang mời. Lần này là ba. Sáng ngày đã hai lần rồi. Trước sự ân cần như vậy, ai mà có thể từ chối. Bởi tại hôm nay nhằm kỳ bình văn, tôi phải có mặt ở trường, nên còn xin khất đến chiều. Kể ra tôi với ổng không phải có thân tình gì. Vì tôi trọ học ở gần nhà ổng thành ra quen ổng. Người ta bảo với tôi rằng: Ổng rất thật thà chăm chỉ. Trước đó chừng mười lăm năm, ổng còn làm nghề cày thuê, vợ ổng thì chuyên đi ở vú sữa. Cái chính sách tiết kiệm, trong một thời kỳ khá dài, đã đưa nhà ổng lên đến bậc có máu mặt, lưng vốn ở nhà đã có gần mẫu ruộng và nửa con trâu. Trong mấy năm nay, vợ ổng đã không còn sữa, ổng cũng không được khỏe mạnh như xưa, cho nên cả hai đều tự hưu trí để cùng trông nom nhà cửa ruộng nương. Nhờ trời hồi ấy luôn luôn được mùa, vận ổng lại càng tấn tới, trong chuồng lúc nào cũng có lợn lớn, thóc lúa đủ ăn từ vụ nọ đến vụ kia. Trong cái hạnh phúc của loài người, ổng không mong gì hơn thế, nếu như làng ổng không có cái đình. Khổ vì cái làng Đ.Tr. nhà ổng tuy không phải làng văn vật, nhưng mà rất có trật tự. Bao giờ cũng vậy, ngồi chỗ trong đình làng ấy cũng như ngồi chỗ ở các rạp hát, vẫn chia ra rất nhiều lô: trên nhất là chiếu phẩm hàm, rồi đến các chiếu chức dịch, trai đinh phải ngồi vào lớp cuối cùng. Ông tuy ngoài năm chục tuổi, nhưng vẫn là hạng bạch đinh, mỗi khi ra đình, chỉ được ngồi với bọn bố cu, bố đĩ. Điều đó, ổng rất lấy làm bất mãn. Nhiều lần làng khuyết lý trưởng, phó lý, ổng đã dốc lòng định mưu lấy chút danh phận. Chỉ vì ổng không biết một thứ chữ nào, cho nên không được như nguyện. Năm nay, mái đình làng ấy có mấy chỗ dột. Dân làng cũng mong chữa lại, nhưng mà tiền công của làng chỉ vừa đủ để các hào lý đi việc quan, không còn thừa mà mua ngói. Các ông kỳ dịch liền gọi ổng ra giữa đình, để bán cho ổng cái chức “lý cựu” lấy một trăm bạc chi tiêu vào công việc tu bổ.
(Trích Góc chiếu giữa đình, Phóng sự Việc làng, Ngô Tất Tố, NXB Văn học, 2022, tr.55)
Câu 1. Đoạn trích được kể ở ngôi thứ mấy?
Gợi ý: Chú ý cách người kể xưng hô và trình bày câu chuyện.
Câu 2. Theo đoạn trích, lí do nào ông L được làm chức “lý cựu”?
Gợi ý: Chú ý đến chi tiết các ông kỳ dịch cần tiền để tu bổ mái đình và việc trao chức vụ cho ông L.
Câu 3. Đoạn văn “Bao giờ cũng vậy, ngồi chỗ trong đình làng ấy cũng như ngồi chỗ ở các rạp hát, vẫn chia ra rất nhiều lô: trên nhất là chiếu phẩm hàm, rồi đến các chiếu chức dịch, trai đinh phải ngồi vào lớp cuối cùng. Ông tuy ngoài năm chục tuổi, nhưng vẫn là hạng bạch đinh, mỗi khi ra đình, chỉ được ngồi với bọn bố cu, bố đĩ” phản ánh thực trạng gì của làng quê xưa?
Gợi ý: Phân tích hệ thống phân chia địa vị xã hội và cách đối xử giữa các tầng lớp trong làng.
Câu 4. Nội dung chính của đoạn trích là gì?
Gợi ý: Tóm tắt câu chuyện về ông L và ý nghĩa ẩn sau các sự kiện.
Câu 5. Qua đoạn trích, anh/chị hãy rút ra bài học gì cho mình trên hành trình tìm kiếm công danh cho bản thân?
Gợi ý: Phân tích thái độ của ông L và các giá trị nhân sinh liên quan đến công danh.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Đoạn trích kể về ông L, nhân vật này có những đặc điểm nào về tính cách và hoàn cảnh sống?
Câu hỏi 2: Hệ thống phân chia địa vị xã hội trong đình làng được thể hiện như thế nào qua đoạn trích?
Câu hỏi 3: Vì sao ông L bất mãn với vị trí của mình trong làng?
Câu hỏi 4: Đoạn trích phản ánh vấn đề xã hội nào nổi bật ở làng quê Việt Nam thời xưa?
Câu hỏi 5: Qua câu chuyện của ông L, anh/chị rút ra bài học gì về giá trị của danh phận và lòng tự trọng?
Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!