Đọc hiểu truyện: Cún của Nguyễn Huy Thiệp

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

CÚN

(Lược phần đầu: Cún bị bỏ rơi ở một cái cống bên sông đào ngoại ô thành phố, được lão Hạ, một lão ăn mày ở chợ, nhặt về nuôi. Cún là đứa bé kỳ hình dị dạng, đầu to tướng, chân tay mềm oặt như chẳng có xương. Nhưng Cún có khuôn mặt đẹp lạ lùng cùng một đôi mắt ám ảnh. Với khả năng chịu đựng đói rét tuyệt vời, Cún sống chung với lão Hạ, giúp lão kiếm tiền dễ dàng hơn.)
Lão Hạ coi Cún như con. Tuy nhiên, lão cũng chẳng quan tâm nhiều lắm đến thằng bé. Lão có bao nhiêu việc phải làm. Con người của nghề nghiệp khác có bao nhiêu việc ở đời thì việc của lão ăn mày cũng nhiều như thế. Ở trong thế giới ăn mày, thân phận một đứa bé con què quặt chẳng đáng kể gì. Lão Hạ chẳng hề áy náy vì những lần để Cún đói lả, run người trong những trận sốt mê man để đi uống rượu hay đi đánh bạc. Bản thân lão cũng đã bao lần bị đói, bị ốm, bị rét như thế. Trong thế giới ăn mày, người ta có thể sử dụng một đứa bé con trong vài ba tháng để làm cớ ăn xin. Khi đứa bé chết, người ta vứt nó ra ngoài đống rác như vứt một thứ vật hỏng bình thường, như cái rổ, cái rế… Việc kiếm ra một đứa bé không khó. Chỉ cần vài ba đồng bạc, một sái thuốc phiện, một bộ quần áo cũ là xong. Đời còn đói rét. Đói rét bất chấp tất cả, cả đạo lý, cả tình người.
Cún lớn dần lên, Cún dần ý thức được thân phận mình, buộc phải ý thức về hoàn cảnh mình.
Năm ấy, bấy giờ đang có chiến tranh, nhiều người chết đói. Trời đất lạnh. Cún và lão Hạ nằm cuộn mình trong hai cái bao tải ở một hiên nhà cách chợ Mới ngoại ô thành phố chừng trăm mét. Lão Hạ ho dồn. Lão yếu lắm, đã mấy ngày nay lão không dậy được, thỉnh thoảng lại ho ra máu.
– Cún này, mày đã lớn rồi… Tao sắp chết rồi… Mày sắp mất tao, mất chỗ dựa rồi… – Lão Hạ thều thào bảo Cún. – Thực ra tao cũng chẳng phải chỗ dựa của mày. Cả tao và mày cùng sống… Sống như con giun, con dế, như con ong, cái kiến… – Lão ho sù sụ rồi khóc. – Con người sống khác… Trời ơi, sao trời hành hạ chúng con như thế? Chúng con muốn sống như mọi người thôi mà sống không được…
Cún lắng tai nghe. Cún mặc kệ lão Hạ nức nở rền rẩm một mình. Cún chẳng nói gì. Cún quen với cảnh này rồi. Cún lấy tay co cái bao tải rách che bụng. Cún thở dài… Cún mệt mỏi rã rời. Hơn chục năm nay, Cún đi ăn mày, Cún cũng chẳng lạ gì cuộc sống con người… Ăn mày là ai, ăn mày là ta… Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày… Cuộc sống con người đầy bất trắc và vô nghĩa, họ sống cũng như Cún, như lão Hạ, như con giun, con dế, con ong, cái kiến… Cún chỉ đau đớn vì Cún khuyết tật. Cún chưa phải là người, cái gì mọi người làm được thì Cún đều thấy khó quá. Càng lớn, Cún càng thấy việc Cún đứng vững ở trên mặt đất thật chẳng dễ gì. Cún cứ lẩy bẩy, cứ đi ba bước là lệch trọng tâm, cứ thế ngã quay ra đất. Hai chân hai tay của Cún không tuân theo được ý mình.
Gần đây, Cún tự dưng lo sợ, lo sợ một cái gì đấy vô hình. Cũng chẳng hiểu sao Cún lại nhớ, hay mơ đến Diệu, cô chủ nhà mà Cún và lão Hạ nằm ở hiên này. Cô Diệu bán hàng ở chợ, người lúc nào cũng thơm nức nước hoa, băng phiến. Cô Diệu có đôi mắt nhỏ và hai cánh mũi mỏng dính phập phồng. Tính cô hay đùa, hay cười. Cô hay gọi Cún là “thằng hình nhân mặt đẹp”.
– Này thằng hình nhân mặt đẹp! Cho mày một hào, sáng mai mày ra đón cửa cho tao. Mày như ngôi sao Hóa lộc ở cái nhà này. Hôm nào đi chợ gặp mày là người thiên hạ xô vào mua bán như tranh như cướp…
Cún cười bẽn lẽn. Cún cúi xuống nhặt đồng hào nhưng lại chúi người ngã quay ra đất. Đồng hào cách bàn tay Cún ba hàng gạch. Cún nhổm dậy lấy một đầu gối làm trụ để giữ trọng tâm, Cún giơ tay với nhưng không giữ được, lại ngã nghiêng người sang phải. Đồng hào còn cách Cún một hàng gạch nữa. Cô Diệu cười như nắc nẻ trên bậc thềm nhà:
– Cái thằng hình nhân mặt đẹp này ngộ quá chừng…! Cố lên! Cố lên lần nữa xem nào!
Cún thích chí cười. Trời ơi, Cún đã làm cho cô Diệu thích. Cún thấy sung sướng. Cún nhỏm dậy, cố gập hai đầu gối. Được rồi… Thế, thế… Chỉ cố thêm một tí nữa và nghiêng người sang trái là chạm vào được đồng hào. Cún thở hổn hển, mồ hôi toát ra. Cún ước lượng. Cún cười. Đúng lúc Cún bật nghiêng người lên thì Diệu nhảy thụp xuống nhặt đồng hào để nhích sang một hàng gạch bên cạnh. Diệu ré lên cười. Cún bị mất đà ngã xuống nền gạch. Cún đập trán xuống nền gạch, máu trong miệng Cún trào ra nhưng Cún mặc kệ. Cún hít vội vàng cái mùi đàn bà quyến rũ. Chưa bao giờ Diệu lại ở gần Cún như thế.
Cún cười sằng sặc. Nếu Cún biết hát thì Cún đã hát…
Lão Hạ ngồi yên trong góc tường vỡ thương hại nhìn Cún. Lão nhỏm dậy chậm chạp đến chỗ đồng hào, lão lẳng lặng nhặt đồng hào cho vào túi mình.
– Thằng già khốn nạn! – Diệu bặt nụ cười, môi mím lại đanh đá. – Đồng hào không phải cho mày đâu đấy! Rồi lại đi nướng vào rượu cho xem!
Lão Hạ đứng im ủ rũ như người có lỗi, vai lão so lại như chờ người đánh, Diệu đi khuất vào nhà, lão Hạ mới ngồi thụp xuống lau máu cho Cún rồi xốc nách Cún dìu về phía chợ…

(Lược phần cuối: Lão Hạ chết, số phận Cún chẳng thay đổi mấy, vẫn đói và rét. Mùa đông năm ấy, Diệu đi lấy chồng, nhưng ba tháng sau thì bị gã chồng cuỗm sạch tài sản trốn mất. Cô như hóa rồ, ốm cả tháng trời. Cún tìm đến an ủi Diệu bằng ba chiếc nhẫn vàng mà lão Hạ để lại cho Cún. Cô Diệu trao đổi bằng một lần “vật Cún ra giường”. Chín tháng sau cô Diệu sinh con trai. Trong cái đêm mưa phùn đứa con được hạ sinh, Cún đang ốm nặng vẫn lết từ lều chợ đến cửa sổ nhà cô, cố đợi để nghe được tiếng khóc chào đời của đứa bé, rồi trút hơi thở cuối cùng.)

(Theo Cún, Nguyễn Huy Thiệp , trong Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp,
Nxb. Văn học, 2020, tr.58-59)

Đọc hiểu truyện: Cún của Nguyễn huy Thiệp

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5.

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định ngôi kể của người kể chuyện.

Click vào đây để xem đáp án

Xác định ngôi kể: người kể chuyện ngôi thứ ba.

Câu 2. (0,5 điểm) Theo văn bản, điều gì khiến Cún đau đớn nhất về bản thân?

Click vào đây để xem đáp án

Theo văn bản, điều khiến Cún đau đớn nhất về bản thân là: bị tật nguyền.

Câu 3. (1,0 điểm) Nhận xét tính cách của nhân vật Diệu qua chi tiết “Cô Diệu cười như nắc nẻ trên bậc thềm nhà” trước sự chật vật của Cún.

Click vào đây để xem đáp án

Nhận xét tính cách của nhân vật Diệu qua chi tiết “Cô Diệu cười như nắc nẻ trên bậc thềm nhà” trước sự chật vật của Cún:
– Bản tính vô duyên; hời hợt.
– Vô cảm trước nỗi đau tật nguyền của Cún; thiếu tình người.

Câu 4. (1,0 điểm) Nêu chủ đề chính của đoạn trích.

Click vào đây để xem đáp án

Nêu chủ đề chính của đoạn trích: Thân phận và khát khao làm người, khát khao tình người của những cá thể dị dạng, sống trôi dạt bên lề xã hội.

Câu 5. (1,0 điểm) Đoạn trích trên đã tác động thế nào đến cách nhìn của anh/chị về cuộc sống?

Click vào đây để xem đáp án

Gợi ý:
+ Mở ra nhận thức rằng trong xã hội còn nhiều số phận không may mắn;
+ Dù ở vị trí xã hội nào và trong hoàn cảnh nào của cuộc đời thì con người cũng luôn khát khao được làm người một cách trọn vẹn;
+ Cần có thái độ đồng cảm, trân trọng đối với phẩm giá của con người dù ngoại hình và hoàn cảnh của họ ra sao;…

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật Cún trong văn bản Đọc – hiểu.

Click vào đây để xem đáp án

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Miêu tả ngoại hình, tính cách, diễn biến tâm lí của nhân vật Cún.
+ Lựa chọn tình huống, hành động và xây dựng những mối quan hệ (với Diệu, lão Hạ) của nhân vật Cún.
+ Sự phù hợp của ngôi kể, điểm nhìn, ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ nhân vật.
– Đánh giá: Những đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật Cún đã làm nổi bật bi kịch thân phận của nhân vật; tạo ra cảm xúc xót xa, thương cảm ở người đọc; góp phần thể hiện thành công chủ đề, giá trị nhân văn của tác phẩm; khẳng định phong cách của Nguyễn Huy Thiệp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *