Phần I. Đọc – hiểu (4.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:
“Câu chuyện về chú chó Hachiko (Hachiko A Dog’s Story)” – Một bộ phim nhẹ nhàng, cảm động về tình người
(1) Câu chuyện về chú chó Hachiko (Hachiko A Dog’s Story) là bộ phim thứ 2 kể về câu chuyện của Hachiko, là bản làm lại của bộ phim Nhật Bản Hachikô monogatari năm 1987. Dĩ nhiên, kịch bản phim phải được điều chỉnh lại đôi chút để phù hợp với bối cảnh phim. Hachiko là một chú chó nhỏ được gửi sang Mĩ bằng đường tàu hỏa, nhưng khi xuống tàu thì người ta làm rơi mất lồng nhốt cậu và cậu bị lạc. Tại đây, cậu gặp Parker Wilson (Richard Gere) – một giáo sư đại học đang đi bộ về nhà. Parker đưa Hachiko về nhà, Cate Wilson (Joan Allen) – vợ ông ban đầu không thích sự có mặt của chú chó nhỏ nên đã bảo Parker đăng tin tìm chủ của chú. Nhưng khi thấy Parker trở nên thân thiết với Hachiko, Cate đã từ bỏ ý định tìm chủ của Hachiko, và Hachiko trở thành một thành viên trong gia đình Wilson […] Hàng ngày, khi Parker đến ga tàu để đi làm thì Hachiko lẽo đẽo theo sau để tiễn chủ, đến cuối ngày thì chạy ra tận ga để chờ chủ về…. Cho đến một ngày, Parker đột ngột lên cơn đau tim và từ trần, vĩnh viễn không bao giờ trở về nhà. Nhưng Hachiko không biết điều đó, ngày ngày đúng giờ cậu đều chạy đến ga tàu, ngồi chờ chủ nhân hi vọng một ngày nào đó sẽ trở về. Cứ như thế ròng rã suốt 10 năm trời, Hachiko vẫn không nguôi hi vọng được chào đón người chủ của mình trở về, chú vẫn chờ, vẫn đợi… Và vào một đêm tuyết trắng lạnh lẽo, Hachiko đã được gặp lại người chủ thân yêu của mình, chú chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng và lên thiên đàng.
(2) Câu chuyện của chú chó Hachiko là một câu chuyện nhẹ nhàng, cảm động, cứ chầm chậm chầm chậm trôi đi trong tiếng nhạc piano dịu nhẹ, dễ hiểu dễ ngấm dù không quá sâu sắc lẫn ấn tượng… Đúng như tên gọi, bộ phim kể về cuộc đời Hachiko, từ ngày cậu được nhận về tới ngày cậu ra đi […] Mọi thứ cứ lần lượt diễn ra, một cách đơn giản đến mẫu mực. Chi tiết phim không khoa trương, không cầu kì, không thể hiện tình cảm thái quá mà tự nhiên, dễ hiểu. Điều đó khiến cho mạch phim cứ như trôi tuồn tuột, không có ấn tượng hay cao trào gì sâu sắc, nhưng bù lại cảm xúc được thể hiện và truyền tải thật […] Những nhân vật phụ bên ngoài chứng kiến câu chuyện của Hachiko, thể hiện cái nhìn khách quan về chú, không thiếu cũng không thừa. Mẫu mực, dễ xem và dễ hiểu, đó là điều tôi cảm nhân được từ bộ phim.
(3) Đó là về con người, còn chuyện của chú chó thì sao? Câu chuyện về chú chó Hachiko cũng xây dựng hình tượng Hachiko một cách chân thực, không cường điệu hay cầu kì. Hachiko “diễn xuất” rất tự nhiên và đơn giản, thể hiện cuộc sống một chú chó bình thường không có gì đặc biệt. […] Khác với các chú chó khác, Hachiko hầu như không bao giờ sủa. Tất cả được thể hiện qua hành động, qua ánh mắt, câm lặng nhưng chân thực và dễ ngấm. Cảnh Hachiko ngày ngày đứng chờ chủ thực sự khiến người xem cảm động – hay ít nhất là suy ngẫm.[…].
(4) Câu chuyện của chú chó Hachiko là một bộ phim tâm lý mẫu mực, không quá sâu sắc, không quá ấn tượng, nên có thể không đủ hấp dẫn để thu hút bạn theo dõi hết bộ phim. Nhưng những khung hình đẹp chầm chậm, những bản nhạc dịu nhẹ và một câu chuyện cảm động có thể sưởi ấm trái tim bất kì ai trong một đêm lạnh lẽo.
(Theo https://vnwriter.net, 27/7/2019)
Câu 1 (0,5 điểm): Văn bản trên thuộc loại văn bản thông tin nào?
Gợi ý: Dựa vào mục đích và nội dung chính của văn bản để xác định.
Câu 2 (0,5 điểm): Câu văn “Hàng ngày, khi Parker đến ga tàu để đi làm thì Hachiko lẽo đẽo theo sau để tiễn chủ, đến cuối ngày thì chạy ra tận ga để chờ chủ về” được mở rộng cấu trúc câu bằng cách nào?
Gợi ý: Tìm hiểu kỹ thành phần nào được thêm vào câu để bổ sung ý nghĩa.
Câu 3 (1,0 điểm): Cách triển khai thông tin trong văn bản, từ thông tin khách quan về bộ phim đến ý kiến chủ quan của người đọc đem lại hiệu quả gì?
Gợi ý: Nhận xét xem cách sắp xếp thông tin này giúp người đọc hiểu nội dung như thế nào.
Câu 4 (1,0 điểm): Việc đưa poster của bộ phim vào trong văn bản có tác dụng gì?
Gợi ý: Chú ý đến mối liên hệ giữa hình ảnh và nội dung văn bản.
Câu 5 (1,0 điểm): Văn bản gửi đến người đọc những thông điệp ý nghĩa nào?
Gợi ý: Rút ra bài học từ nội dung bộ phim và cách truyền tải của văn bản.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Vì sao Hachiko ngày ngày chờ chủ ở nhà ga dù chủ đã mất?
Câu hỏi 2: Những chi tiết nào trong văn bản khiến người đọc cảm động về Hachiko?
Câu hỏi 3: Em nghĩ gì về tình yêu và lòng trung thành của Hachiko?
Câu hỏi 4: Việc xây dựng hình tượng Hachiko một cách chân thực giúp người xem cảm nhận điều gì?
Câu hỏi 5: Bài học mà em rút ra từ câu chuyện Hachiko là gì?
Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!