Phần I. Đọc – hiểu (4.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:
Bà nội bảo trong các thứ bánh Tết cổ truyền, bà mê nhất bánh chưng gấc, tiếc là ngoài chợ giờ không thấy bán.
Anh em bé Trân nhìn bố, dò hỏi. Bố nói:
– Đúng đấy, bánh chưng gấc ngon tuyệt. Muốn ăn, nhà mình phải tự gói thôi. Hơi vất vả, nhưng có các con giúp, mẹ sẽ vui hơn.
Hai anh em thích lắm.
Hôm sau, mẹ đi chợ sắm Tết, không quên mua thêm mấy trái gấc chín.
Sáng 30, hai anh em phụ mẹ rửa lá dong rồi xem mẹ gói bánh. Nếp được mẹ ngâm từ sớm, để ráo, trộn đều với “thịt” gấc. Nhân bánh là đậu, thịt như bánh chưng thường.
Bếp lửa nhóm ở góc sân. Nồi bánh ùng ục sôi, hai anh em lăng xăng lui tới hít hà. Con Lu sốt ruột bám theo. Thỉnh thoảng, khói tạt vào mẳt cay xè nhưng nghĩ đến lúc được nếm bánh, hai đứa lại nhìn nhau, nhoẻn cười.
10 giờ đêm, bánh chín. Bố cung kính dâng một cặp lên bàn thờ gia tiên. Mẹ bóc một chiếc ra đĩa sứ trắng, đặt giữa mâm cỗ cúng giao thừa, mâm cỗ thoắt biến thành bông hoa nhụy đỏ như son.
Mùi xôi gấc ngầy ngậy quyện với mùi thơm bánh chưng quen thuộc tạo nên hương vị thật đặc biệt khiến bà nội rưng rưng xúc động. Chẳng cần nếm thử, bà cũng biết Tết này ngon nhất vẫn là món bánh chưng gấc bởi nó được gói bằng biết bao yêu thương của con cháu dành cho mình.
(Bánh chưng gấc, Cao Xuân Sơn, sáng tác tại Trại sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà sáng tác Vũng Tàu tháng 3 năm 2018)
Câu 1 (0,5 điểm). Văn bản trên được viết theo thể loại gì?
Gợi ý: Xác định thể loại dựa vào phong cách viết và nội dung văn bản.
Câu 2 (0,5 điểm). Xác định đề tài của văn bản trên?
Gợi ý: Tìm hiểu nội dung chính và giá trị mà văn bản muốn truyền tải.
Câu 3 (1,0 điểm). Vì sao bà rưng rưng xúc động khi nếm thử món bánh chưng gấc trong ngày Tết?
Gợi ý: Xem xét ý nghĩa cảm xúc mà món bánh mang lại cho bà.
Câu 4 (1,0 điểm). Chỉ ra và nêu tác dụng của phép tu từ so sánh trong câu văn sau: “Mẹ bóc một chiếc ra đĩa sứ trắng, đặt giữa mâm cỗ cúng giao thừa, mâm cỗ thoắt biến thành bông hoa nhụy đỏ như son.”
Gợi ý: Tìm biện pháp tu từ và phân tích ý nghĩa của nó.
Câu 5 (1,0 điểm). Những thông điệp cuộc sống mà tác giả gửi gắm qua văn bản trên là gì?
Gợi ý: Tìm ý nghĩa sâu sắc mà văn bản truyền tải về truyền thống và gia đình.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Vì sao bố lại khuyến khích gia đình tự gói bánh chưng gấc thay vì mua ở chợ?
Câu hỏi 2: Tác giả đã miêu tả sự háo hức của hai anh em khi gói bánh chưng gấc như thế nào?
Câu hỏi 3: Hình ảnh con Lu trong câu chuyện có ý nghĩa gì trong việc tạo không khí ngày Tết?
Câu hỏi 4: Theo em, món bánh chưng gấc có ý nghĩa gì đối với bà nội và gia đình?
Câu hỏi 5: Hãy rút ra bài học từ hành động chuẩn bị Tết của các thành viên trong gia đình.
Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!