Đọc văn bản sau rồi thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Tre Việt Nam
Tre xanh,
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu?
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít, chắt dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.
Măng non là búp măng non.
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau,
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.(Nguyễn Duy)
1. Lựa chọn đáp án đúng cho các câu từ 1 đến 8:
Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
A. Bảy chữ
B. Lục bát
C. Tự do
D. Năm chữ
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ?
A. Tự sự
B. Miêu tả
C. Biểu cảm
D. Nghị luận
Câu 3. Câu thơ sau thuộc kiểu câu nào?
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
A. Câu trần thuật
B. Câu cầu khiến
C. Câu cảm thán
D. Câu nghi vấn
Câu 4: Đoạn thơ sau cho thấy đức tính gì của cây tre Việt Nam?
“Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người”
A. Tình yêu thương đồng loại
B. Cha truyền con nối
C. Cần cù, chịu khó
D. Ngay thẳng
Câu 5. Câu thơ dưới đây cho thấy đức tính gì của cây tre?
“Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc, tre nhường cho con.”
(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)
A. Chịu khó, cần cù
B. Tinh thần đoàn kết
C. Hi sinh, nhường nhịn
D. Ngay thẳng, bất khuất
Câu 6. Dòng thơ dưới đây cho thấy đức tính gì của cây tre Việt Nam?
“Nòi tre đâu chịu mọc cong.
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.”
A. Đoàn kết, đùm bọc nhau
B. Khỏe khoắn, ngay thẳng, bất khuất
C. Khỏe khoắn, vững chắc
D. Chịu thương, chịu khó
Câu 7. Đoạn thơ kết bài có ý nghĩa gì?
” Mai sau,
Mai sau,
Mai sau,
Đất xanh tre mãi xanh xanh màu tre xanh”.
A. Thể hiện vẻ đẹp sự kế tiếp liên tục của các thế hệ – tre già măng mọc, giống như những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam sẽ mãi mãi nối tiếp liên tục từ thế hệ nay sang thế hệ khác.
B. Dự đoán sau này bóng tre xanh sẽ còn lan tỏa khắp các làng quê, các ruộng đồng, núi đồi, thành phố trên đất nước Việt Nam.
C. Màu xanh của tre là màu vô cùng tươi đẹp.
D. Cần có biện pháp hữu hiệu để màu xanh của tre được phủ khắp trên đất nước Việt Nam.
Câu 8. Những phẩm chất tốt đẹp nào của người dân Việt Nam được hiện lên thông qua hình ảnh cây tre?
A. Cần cù, đoàn kết
B. Cần cù, đoàn kết, ngay thẳng
C. Cần cù, đoàn kết, nhân hậu, thông minh
D. Nhân hậu, thông minh
2. Trả lời câu hỏi / Thực hiện yêu cầu sau:
Câu 9. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ:
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Câu 10: Hình ảnh cây tre trong bài thơ đã gợi lên những phẩm chất cao quý nào của con người Việt Nam? (Viết câu trả lời bằng 3 đến 5 dòng)