Đọc hiểu thơ: Gửi con của Bùi Nguyễn Trường Kiên

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

…Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn
Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui
Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại
Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa
Chẳng sao
Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.

Con hãy nghĩ về tương lai. Nhưng đừng quên quá khứ
Hy vọng vào ngày mai. Nhưng đừng buông xuôi hôm nay
May rủi là chuyện cuộc đời. Nhưng cuộc đời nào chỉ chuyện rủi may
Hãy nói thật ít. Làm thật nhiều – những điều có nghĩa của trái tim.

Hãy hân hoan với điều nhân nghĩa
Đừng lạnh lùng trước chuyện bất nhân
Và hãy tin vào điều có thật:
Con người – sống để yêu thương.

(Trích Gửi con, Ru cho một thuở, Bùi Nguyễn Trường Kiên, NXB Văn hóa-Nghệ thuật, 2015)

Chú thích: Bùi Nguyễn Trường Kiên sinh năm 1956, là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà với 11 giải thưởng báo chí và 4 giải thường về thơ văn.

Đọc hiểu thơ: Gửi con của Bùi Nguyễn Trường Kiên

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích trên.

Click vào đây để xem đáp án

Thể thơ: Tự do

Câu 2. Xác định chủ thể trữ tình trong đoạn trích trên.

Click vào đây để xem đáp án

Chủ thể trữ tình: người cha

Câu 3. Hãy nêu tác dụng của biện pháp tu từ đối lập trong hai dòng thơ:

Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn
Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui.

Click vào đây để xem đáp án

– Nghệ thuật đối lập: Vui- Buồn

– Tác dụng:

+ Nhằm nhấn mạnh, làm rõ hơn, cụ thể hơn những trạng thái cảm xúc khác nhau, thậm chí đối lập như vui, buồn của con người trong cuộc sống. Qua đó, nhà thơ muốn nhắn nhủ chúng ta phải biết điều chỉnh, dung hoà những trạng thái cảm xúc đó, tránh thái quá sẽ dẫn đến thiếu tỉnh táo, cực đoan.

+ Giúp cho lời thơ trở nên sinh động, hấp dẫn, giàu giá trị biểu cảm sâu sắc.

Câu 4. Hãy nêu cách hiểu về nội dung của hai câu thơ:

Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.

Click vào đây để xem đáp án

– Câu thơ nói về sự nhận thức của bản thân: Con người cần biết khiêm tốn, biết mình, biết người để thấy được điểm mạnh, điểm yếu, hạn chế của mình, để không ngừng học hỏi, bồi đắp bản thân…

Câu 5: Trong đoạn trích, tác giả bày tỏ: Con người – sống để yêu thương. Hãy nêu quan điểm của anh/chị về suy nghĩ trên.

Click vào đây để xem đáp án

Gợi ý:

– Đồng tình một phần với quan niệm của tác giả

– Vì : Yêu thương là sự quan tâm, thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia giữa con người với con người. Sống yêu thương cuộc sống sẽ đẹp đẽ hơn. Sống yêu thương mang lại những điều kì diệu cho cuộc đời. Người cho đi yêu thương được nhận bình yên và hạnh phúc.Người được nhận yêu thương là nhận được rất nhiều. Cuộc sống không có yêu thương sẽ vô cùng tẻ nhạt, lạnh lẽo…

Ngoài yêu thương thì con người còn sống với nhiều mục đích tốt đẹp khác: cống hiến, hi sinh, tận hưởng cuộc sống…

Câu 6. Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá đặc điểm nghệ thuật của đoạn trích Ru con trong phần Đọc hiểu.

Click vào đây để xem đáp án

– Đặc sắc nghệ thuật:

+ Thể thơ tự do, ngắt nhịp linh hoạt, phá cách hình thức câu thơ truyền thống với dấu chấm câu đặt giữa dòng thơ.

+ Ngôn ngữ giàu hình ảnh, biểu cảm, giàu chất suy tư, triết lý

+ Sử dụng linh hoạt các biện pháp tư từ nghệ thuật: điệp, đối lập, ẩn dụ.

+ Giọng điệu thiết tha, sâu lắng

– Đánh giá: Đặc sắc nghệ thuật đã đã góp phần thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con. Những lời nhắn nhủ “gan ruột” của người cha tới con còn là bài học học làm người nhân văn và sâu sắc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *