Đọc hiểu thơ: Chim Thêu của Nguyễn Bính

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:

            CHIM THÊU 

Chiều chủ nhật ba thường đi dạo,
Các cửa hàng bày áo trẻ con.
Lòng ba không khỏi riêng buồn,
Ngắm từng kiểu áo, nhớ con vô cùng!

Lũ chúng nó ngăn sông cản núi,
Áo ba mua khôn gửi về Nam.
Nhìn đàn trẻ nhỏ xênh xang,
Áo thêu chim trắng, ba càng thương con.

Con trong đó sớm hôm nức nở,
Nghẹn lời ca dưới mỏ quạ đen.
Mẹ con chẳng vụng đường kim,
Áo con chẳng dám thêu chim hoà bình.

Ba ôm tấm áo xanh giữa ngực
Tưởng chừng nghe thổn thức tim con.
Bâng khuâng cặp mắt đen tròn,
Chắt chiu vẳng tiếng chim non gọi đàn…

Treo áo con bên bàn làm việc,
Nhìn chim thêu, ba viết thơ này.
Áo không gửi được hôm nay,
Thì ba giữ lấy, mai ngày cho con.

Ngày mai ấy, nước non một khối,
Giở áo này, thấu nỗi niềm xưa,
Đàn em con đó, bây giờ,
Áo thêu chim trắng, tha hồ vui chơi. 

                                         Mùa xuân 1957

                    (Nguyễn Bính, Đêm sao sáng, 1962, NXB Văn học)

 

Đọc hiểu thơ: Chim Thêu của Nguyễn Bính

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản trên?

Gợi ý: Hãy xem xét cấu trúc các dòng thơ để xác định thể thơ được sử dụng.

Click vào đây để xem đáp án
Thể thơ của văn bản trên là thể thơ song thất lục bát.

Câu 2: Ghi lại những từ ngữ khắc họa hình ảnh người cha trong khổ thơ đầu tiên. Qua những từ ngữ đó, em có cảm nhận như thế nào về người cha ấy?

Gợi ý: Tìm các từ ngữ miêu tả hành động và cảm xúc của người cha trong khổ thơ đầu, sau đó suy nghĩ về tình cảm của ông dành cho con.

Click vào đây để xem đáp án
Từ ngữ khắc họa hình ảnh người cha trong khổ thơ đầu: “đi dạo”, “lòng… không khỏi riêng buồn”, “ngắm”, “nhớ con vô cùng”.

  • Cảm nhận về người cha: Ông là người yêu thương, quan tâm và nhớ con sâu sắc; cảm thấy buồn và mong mỏi được gặp con.

Câu 3: Em hiểu thế nào về hình ảnh “chim trắng”, “chim hòa bình”?

Gợi ý: Suy nghĩ về ý nghĩa biểu tượng của “chim trắng” và “chim hòa bình” trong bối cảnh bài thơ.

Click vào đây để xem đáp án
Hình ảnh “chim trắng”, “chim hòa bình” là hình thêu trên áo trẻ em, đồng thời là biểu tượng cho khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước.

Câu 4: Việc sử dụng hình ảnh ẩn dụ “mỏ quạ đen” trong hai dòng thơ “Con trong đó sớm hôm nức nở,/ Nghẹn lời ca dưới mỏ quạ đen” mang lại hiệu quả nghệ thuật gì?

Gợi ý: Xem xét tác dụng của hình ảnh “mỏ quạ đen” trong việc thể hiện cảm xúc và ý nghĩa của bài thơ.

Click vào đây để xem đáp án
Hiệu quả nghệ thuật của ẩn dụ “mỏ quạ đen”:

  • Tạo sự tương phản giữa thế lực giặc thù tàn ác (quạ đen) và ước mơ hòa bình (chim hòa bình).
  • Thể hiện lòng căm thù giặc sâu sắc của tác giả.
  • Làm câu thơ thêm hình ảnh, ấn tượng và giàu cảm xúc.

Câu 5: Trong văn học, nhiều tác phẩm ca ngợi tình phụ tử thiêng liêng, đặc biệt trong hoàn cảnh chia xa. Sự xa cách trở thành thử thách, làm cho tình cảm ấy thêm sâu sắc, khiến người cha càng nhớ và thương con hơn. Hãy đặt mình vào vị trí của người con trong tác phẩm “Chim thêu” và ghi lại những suy nghĩ, tình cảm của em dành cho ba.

Gợi ý: Hãy tưởng tượng cảm xúc và suy nghĩ của người con khi biết được tình cảm của cha dành cho mình trong hoàn cảnh chia xa.

Click vào đây để xem đáp án
Suy nghĩ và tình cảm của người con dành cho ba:

  • Thương nhớ ba, xúc động trước tình cảm quan tâm và yêu thương mà ba dành cho mình.
  • Thấu hiểu nỗi lòng của ba, mong mỏi đất nước thống nhất để gia đình đoàn tụ.
  • Quyết tâm học tập, ngoan ngoãn nghe lời mẹ để ba yên tâm công tác.
  • Thêm yêu đất nước, căm thù giặc đã gây chia cắt dân tộc.

5 Câu hỏi tự học ở nhà

Câu hỏi 1: Phân tích tâm trạng của người cha trong bài thơ “Chim thêu” của Nguyễn Bính.

Câu hỏi 2: Hình ảnh “áo thêu chim trắng” trong bài thơ tượng trưng cho điều gì?

Câu hỏi 3: Tại sao người cha không thể gửi áo về cho con trong Nam?

Câu hỏi 4: Ý nghĩa của việc người cha treo áo con bên bàn làm việc là gì?

Câu hỏi 5: Thông điệp chính mà tác giả muốn truyền tải qua bài thơ “Chim thêu” là gì?

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu thơ: Chim Thêu của Nguyễn Bính được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn  năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *