Đọc bài thơ sau:
CÂY XẤU HỔ
Bờ đường 9 có lùm cây xấu hổ
Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười.
Giữa một vùng lửa cháy bom rơi
Tất cả lộ nguyên hình trần trụi
Cây xấu hổ với màu xanh bối rối
Tự giấu mình trong lá khép lim dim.
Chiến sĩ qua đây ai cũng bước rất êm;
Khi bất chợt thoảng một bàn chân lạ
Cây vội vã nhắm nghìn con mắt lá
Nhựa dồn lên cành khẽ ngả như chào.
Người ra rồi bóng dáng cứ theo sau
Anh lính trẻ bỗng quay đầu tủm tỉm
Cây đã hé những mắt tròn chúm chím,
Đang thập thò nghịch ngợm nhìn theo
Phút lạ lùng trời đất trong veo
Anh nghe có tiếng reo thầm gặp gỡ
Nhiều dáng điệu thoáng qua trong trí nhớ
Rất thân quen mà chẳng gọi nên lời.
Giữa một vùng lửa cháy bom rơi
Cây hiện lên như một niềm ấp ủ
Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ
Ướp vào trong trang sổ của mình,
Và chuyện này chỉ cây biết với anh.
31/5/ 1972, Anh Ngọc.
(Trường Sơn – đường khát vọng, NXB Chính trị Quốc gia, 2008).

Câu 1: Hãy cho biết mạch cảm xúc và cảm hứng chủ đạo của bài thơ?
Click vào đây để xem đáp án
– Mạch cảm xúc của bài thơ: Bài thơ bắt đầu với hình ảnh cây xấu hổ, tiếp nối là câu chuyện giữa người lính và cây, cuối cùng khép lại trong một bí mật rất đáng yêu của người lính, để từ đó bộc lộ những suy ngẫm, cảm xúc của mình về thiên nhiên, về cong người.
– Cảm hứng chủ đạo: Là cảm hứng ngợi ca, trân trọng, yêu mến một loài cây nhỏ bé mà kiên cường, sức sống mạnh mẽ giữa chiến trường và vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của người chiến sĩ thời kì chống Mĩ.
Câu 2: Trình bầy cách hiểu của anh/chị về chi tiết “ niềm ấp ủ” trong đoạn thơ sau:
Giữa một vùng lửa cháy bom rơi
Cây hiện lên như một niềm ấp ủ
Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ
Ướp vào trong trang sổ của mình
Và chuyện này chỉ cây biết với anh.
Click vào đây để xem đáp án
– Chi tiết “niềm ấp ủ: nuôi giữ trong lòng một cách trân trọng.
– Ý nghĩa chi tiết : Giũa vùng lủa cháy bom rơi, khốc liệt của chiến tranh. Cây xấu hổ xanh tươi chứa đựng bao điều hy vọng, bao điều thầm kín, cảm xúc lãng mạn trong tâm hồn nuôi giữ và trân trọng.
Câu 3: Phân tích phép tu từ nổi bật và hiệu quả của chúng trong khổ thơ sau:
Giữa một vùng lửa cháy bom rơi
Tất cả lộ nguyên hình trần trụi
Cây xấu hổ với màu xanh bối rối
Tự giấu mình trong lá khép lim dim.
Click vào đây để xem đáp án
– Phép tu từ nổi bật
+ Đối lập: vùng lửa cháy bom rơi><cây xấu hổ với màu xanh/ Tự giấu mình trong lá khép lim dim
+ Nhân hóa, từ láy: bối rối; giấu mình
– Hiệu quả nghệ thuật:
+ Đối lập: sự khốc liệt của chiến tranh không hủy diệt được sự sống, làm nổi bật sức sống mãnh liệt của loài cây xấu hổ
+ Nhân hóa, từ láy: gợi tả tâm trạng, sự e ấp của “cây xấu hổ”, cây có tâm hồn và trở nên gần gũi với người lính → Phút rung động tuyệt đẹp của những tâm hồn nhạy cảm, làm dịu sự mệt mỏi trên đường hành quân
Câu 4: Đọc xong bài thơ, anh (chị) có suy nghĩ gì về cây xấu hổ và đời sống của con người hiện đại.
Click vào đây để xem đáp án
Học sinh nêu được suy nghĩ:
– Trong môi trường căng thẳng và đầy rẫy nguy hiểm của chiến trường, sự xuất hiện của cây xấu hổ như một biểu tượng của hy vọng và niềm tin vào cuộc sống.
– Cây xấu hổ không chỉ gợi vẻ đẹp kín đáo, thẳm sâu, sức sống mãnh liệt, bất khuất mà còn như nhắc nhở con người hãy biết giữ gìn cảm xúc, sự xấu hổ, tức là giữ lòng tự trọng để sống tốt đẹp hơn, nhất là trong nhịp sống xô bồ, hối hả thời hiện đại.