Đọc hiểu NLXH: Đối với tôi nguyên tắc thành công đến từ một điều cơ bản

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi.

“…Đối với tôi, nguyên tắc thành công đến từ một điều cơ bản: sống trong thế chủ động. Cần gì thì lên tiếng. Muốn gì thì đấu tranh. Kiến thức do học tập. Thành tựu nhờ lao động. Chẳng có cái gì ở trên đời này tự nhiên mà có. Chủ động chèo lái thì mới có cơ may đưa con thuyền cuộc đời cập bến bờ mơ ước. Dù sóng gió, giông bão xảy ra trên hải trình vạn dặm, có giữ vững bánh lái, cầm chắc tay chèo thì mới đến được đất liền. Sống mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài vì giông bão cuộc đời.

…Chẳng xuống nước thì không thể biết bơi. Sống thụ động thì chẳng khác gì đời cây cỏ. Như thế khác nào tự đào hố chôn mình. Sống ở thế chủ động là chủ động học tập, chủ động hỏi han, chủ động giúp đỡ người khác, chủ động gợi ý người khác giúp đỡ mình. Chứ em không cứu mình thì ai cứu được em.”

(Rosie Nguyễn – Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, NXB Hội nhà văn, 2017)

Đọc hiểu NLXH: Đối với tôi nguyên tắc thành công đến từ một điều cơ bản

Câu 1. Xác định chủ đề của đoạn văn trên. Chủ đề đó được thể hiện ở câu văn nào?

Click vào đây để xem đáp án

– Chủ đề của văn bản: tầm quan trọng của việc chủ động trong cuộc sống.

– Câu chủ đề: Đối với tôi, nguyên tắc thành công đến từ một điều cơ bản: sống trong thế chủ động.

Câu 2. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ trong câu văn: “Sống mà không biết tự cứu lấy mình, sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn, để mặc sóng gió xô đâu trôi đó, được chăng hay chớ, rồi sẽ mệt nhoài vì dông bão cuộc đời”.

Click vào đây để xem đáp án

* Biện pháp tu từ so sánh: sống thụ động buông thả, thì cũng giống như một con bè trên dòng nước lớn…

* Tác dụng:

– Làm cho câu văn thêm sinh động và giàu giá trị biểu cảm.

– Giúp người đọc hình dung rõ ràng và cụ thể về sự thụ động trong cuộc sống. Hình ảnh “một con bè trên dòng nước lớn” biểu tượng cho sự thiếu chủ động, để bản thân bị cuốn trôi theo dòng đời mà không có định hướng hay mục tiêu; nhấn mạnh hậu quả tiêu cực của lối sống thụ động, buông thả, giúp người đọc nhận thức rõ hơn về sự cần thiết của việc phải chủ động trong cuộc sống.

Câu 3: Em có đồng tình với quan điểm của tác giả: “Chủ động chèo lái thì mới có cơ may đưa con thuyền cuộc đời cập bến bờ mơ ước. Dù sóng gió, giông bão xảy ra trên hải trình vạn dặm, có giữ vững bánh lái, cầm chắc tay chèo thì mới đến được đất liền.” không? Vì sao?

Click vào đây để xem đáp án

– Em đồng tình với quan điểm của tác giả.

– Vì: + Cuộc đời giống như một chuyến hành trình đầy thử thách và không thể tránh khỏi những khó khăn, “sóng gió”. Tuy nhiên, chỉ khi chúng ta tự mình “giữ vững bánh lái” và “cầm chắc tay chèo” – tức là kiên trì, dũng cảm vượt qua trở ngại – chúng ta mới có thể đạt được ước mơ và mục tiêu của mình.

+ Sự chủ động giúp chúng ta không bị cuốn trôi hay khuất phục trước hoàn cảnh, mà thay vào đó, luôn có thể điều khiển và định hướng cuộc đời mình. Chính sự chủ động và nỗ lực ấy tạo cơ hội để chúng ta tiến gần hơn tới “bến bờ mơ ước”.

Câu 4: Thông điệp có ý nghĩa nhất mà em rút ra được qua văn bản trên là gì? Lí giải vì sao?

Click vào đây để xem đáp án

Thông điệp:

– Thành công chỉ có thể đạt được khi mỗi người biết tự mình vươn lên, đấu tranh cho những gì mình mong muốn, và chủ động trong việc học tập, lao động.

– Sống chủ động giúp chúng ta chèo lái cuộc đời theo hướng mình mong muốn, vượt qua những khó khăn, thử thách. Ngược lại, lối sống thụ động, buông thả khiến con người trở nên lạc lối và dễ dàng bị hoàn cảnh chi phối.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *