PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (4 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Má ngã xuống bên lò bếp đỏ
Thằng giặc kia đứng ngó trừng trừng
Má già nhắm mắt, rưng rưng
“Các con ơi, ở trong rừng U Minh
Má có chết, một mình má chết
Cho các con trừ hết quân Tây!”
Thằng kia bỗng giậm gót giày
Đạp lên đầu má:“Mẹ mày, nói không?”
Lưỡi gươm lạnh toát kề hông
“Các con ơi! Má quyết không khai nào!”
|
Sức đâu như ngọn sóng trào
Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây
Má hét lớn:“Tụi bay đồ chó!
Cướp nước tao, cắt cổ dân tao!
Tao già không sức cầm dao
Giết bay, có các con tao trăm vùng!
Con tao, gan dạ anh hùng
Như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm!
– Đầu năm 1941–
(Trích “Bà má Hậu Giang”, Tố Hữu)
|

Câu 1 (1,0 điểm): Đoạn thơ trên viết theo thể thơ nào? Nhận xét về cách hiệp vần của thể thơ được thể hiện trong bốn câu thơ đầu.
Gợi ý: Xác định đặc trưng về số chữ và cách gieo vần để nhận diện thể thơ.
Click vào đây để xem đáp án
- Thể thơ: Song thất lục bát.
- Hiệp vần:
- Tiếng “đỏ” – “ngó” (hiệp vần chân T).
- Tiếng “trừng” – “rưng” – “rừng” (hiệp vần lưng B).
- Tiếng “Minh” hiệp vần B với tiếng “mình” ở câu thất tiếp theo.
- Bốn câu thơ tuân thủ đúng quy luật hiệp vần của thơ song thất lục bát: câu thất có cả vần chân và vần lưng, câu lục chỉ có vần chân.
Câu 2 (0,5 điểm): Những từ ngữ, hình ảnh nào trong đoạn thơ thể hiện tội ác của bọn giặc Tây?
Gợi ý: Tìm các từ miêu tả hành động, lời nói của bọn giặc trong đoạn thơ.
Click vào đây để xem đáp án
- Các từ ngữ, hình ảnh thể hiện tội ác của giặc Tây:
- “đứng ngó trừng trừng,” “giậm gót giày,” “đạp lên đầu má,” “lưỡi gươm lạnh toát,” “cướp nước,” “cắt cổ dân.”
Câu 3 (0,5 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của một thành phần biệt lập có trong 4 câu thơ đầu đoạn trích trên.
Gợi ý: Thành phần biệt lập là các yếu tố không tham gia vào cấu trúc ngữ pháp chính của câu.
Click vào đây để xem đáp án
- Thành phần biệt lập: Gọi đáp “Các con ơi.”
- Tác dụng: Tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp, thể hiện sự xúc động và lời dặn dò của má với con.
Câu 4 (1,0 điểm): Nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong 2 câu thơ:
“Sức đâu như ngọn sóng trào
Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây”
Gợi ý: Tìm biện pháp tu từ và liên hệ ý nghĩa của chúng đến nội dung đoạn thơ.
Click vào đây để xem đáp án
- Biện pháp tu từ: So sánh (sức mạnh của bà má được so sánh như ngọn sóng trào).
- Tác dụng:
- Làm nổi bật sức mạnh mãnh liệt, dâng trào của lòng yêu nước và căm thù giặc.
- Thể hiện sự gan góc, kiên cường của người mẹ, sức mạnh đến từ tình yêu nước, tinh thần chiến đấu.
- Gợi niềm tự hào và ngưỡng mộ đối với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
Câu 5 (1,0 điểm): Nêu ít nhất hai bài học về lẽ sống được đặt ra trong đoạn thơ trên.
Gợi ý: Xem xét nội dung đoạn thơ và rút ra bài học ý nghĩa.
Click vào đây để xem đáp án
- Bài học 1: Lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng hi sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.
- Bài học 2: Sự kiên cường, ý chí bất khuất trước mọi thử thách, kẻ thù.
- Cả hai bài học đều nhấn mạnh giá trị cao quý của lòng yêu nước và ý chí đấu tranh, truyền cảm hứng cho thế hệ sau.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Em hiểu như thế nào về hình ảnh “Sức đâu như ngọn sóng trào”? Hình ảnh này thể hiện ý chí và sức mạnh của người mẹ ra sao?
Câu hỏi 2: Tìm những câu thơ trong đoạn trích thể hiện lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh của bà má Hậu Giang.
Câu hỏi 3: Theo em, tại sao bà má Hậu Giang lại dám đứng lên đối mặt với kẻ thù trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy?
Câu hỏi 4: Phân tích ý nghĩa hình ảnh so sánh “Con tao, gan dạ anh hùng/ Như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm” trong đoạn thơ.
Câu hỏi 5: Hãy viết một đoạn văn (5-7 câu) nêu cảm nghĩ của em về tinh thần yêu nước và sự hi sinh của bà má Hậu Giang qua đoạn thơ.
Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.