I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:
(1) Từ xưa, cha ông ta quan niệm “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con” chứng tỏ sách quý hơn gia tài, hay chính sách là một gia tài khổng lồ. Sách là công cụ lưu giữ văn minh nhân loại, người đọc sách nâng cao hiểu biết, có cơ hội đưa mình về với lịch sử tìm lại quá khứ hoặc khám phá tương lai. Người đọc sách hoàn toàn có thể chu du đến mọi vùng đất mới mà điều kiện chưa cho phép khám phá thực tế, đồng thời, với sách, con người có thể đi thật sâu vào thế giới tâm hồn người khác để yêu thương, đồng cảm. Chính sách sẽ bồi đắp tâm hồn, “gây cho ta những gì ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có” (lời của Hoài Thanh). Cũng từ sách ta tìm kiếm cho mình cơ hội mới, nâng cao kĩ năng sống. Và không thể phủ nhận, sách giúp chúng ta đặc biệt là học sinh thực hành luyện từ và câu, nâng cao khả năng giao tiếp, hạn chế lỗi diễn đạt và chính tả. Quả thật, như M.Gorki đã nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới.”
(2) Sách tuyệt vời là thế, người Việt Nam ta yêu sách là thế, nhưng tuổi trẻ bây giờ, nhất là lứa tuổi học sinh có còn yêu thích sách không? Ngày nay, công nghệ phát triển mạnh mẽ, chỉ cần một thiết bị điện tử thông minh kết nối Internet, con người tìm kiếm thông tin bằng kênh chữ, kênh hình một cách dễ dàng. Những hấp dẫn đó thu hút giới trẻ, nhất là học sinh, lứa tuổi mà nhận thức chưa chín chắn khiến các em chưa hào hứng với sách, chưa có thói quen đọc sách. Đó là tất yếu. Nhưng giữa muôn vàn thông tin thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội, những quyển sách giấy với nội dung được kiểm duyệt vẫn là một lựa chọn tối ưu để bậc cha mẹ, thầy cô hướng học sinh vào đọc sách. Vì vậy, rất cần thiết phải hình thành thói quen đọc sách trong toàn xã hội, nhất là học sinh.
(Theo Lại Thị Linh, Rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh, Báo Giáo dục và Thời đại, số 97, Thứ hai, ngày 22/4/2024)
Câu 1: Đoạn trích trên bàn luận về vấn đề gì?
Gợi ý: Tập trung vào nội dung chính được tác giả đề cập xuyên suốt đoạn trích.
Câu 2: Trong đoạn văn (1), người viết đã dùng những lời dẫn trực tiếp nào?
Gợi ý: Xác định những câu trích dẫn nguyên văn của các tác giả hoặc quan niệm trong đoạn văn.
Câu 3: Vì sao tác giả lại cho rằng: “Người đọc sách hoàn toàn có thể chu du đến mọi vùng đất mới mà điều kiện chưa cho phép khám phá thực tế, đồng thời, với sách, con người có thể đi thật sâu vào thế giới tâm hồn người khác để yêu thương, đồng cảm.”
Gợi ý: Giải thích ý nghĩa của việc đọc sách đối với trí tưởng tượng và khả năng thấu hiểu cảm xúc của người đọc.
Câu 4: Việc trích dẫn câu nói nổi tiếng của M.Gorki: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới” trong đoạn (1) có tác dụng gì?
Gợi ý: Phân tích giá trị và tính thuyết phục của việc sử dụng câu nói này trong lập luận của tác giả.
Câu 5: Từ nội dung đoạn trích, em rút ra được bài học gì đối với bản thân?
Gợi ý: Tập trung rút ra những điều cần áp dụng vào thực tế từ nội dung đã đọc.
5 Câu hỏi tự học ở nhà
Câu hỏi 1: Theo em, tại sao sách được xem là một gia tài khổng lồ?
Câu hỏi 2: Em có đồng tình với quan điểm: “Giữa muôn vàn thông tin thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội, những quyển sách giấy vẫn là một lựa chọn tối ưu”? Vì sao?
Câu hỏi 3: Liệt kê ba lợi ích của việc đọc sách đối với học sinh.
Câu hỏi 4: Theo em, làm thế nào để rèn luyện thói quen đọc sách mỗi ngày?
Câu hỏi 5: Viết một đoạn văn (5-7 câu) chia sẻ cảm nghĩ của em sau khi đọc đoạn trích trên.
Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!