Đọc hiểu NLXH: Sinh thời, Bác Hồ đã từng khuyên rằng (Hồ Minh)

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

(1) Sinh thời, Bác Hồ đã từng khuyên rằng: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”. Tấm gương thích đọc sách, báo cùng những lời khuyên của Người, chính là lời nhắc nhở cho những người đang học tập, nghiên cứu và lao động trong nhiều lĩnh vực phải noi theo. (…)
(2) Phương pháp đọc sách, báo của Bác Hồ rất khoa học, vì muốn không mất thời gian đọc lại nhiều lần về thông tin đó, Bác ghi chép và phân loại các thông tin trong sách, báo hoặc sử dụng bút màu đánh dấu những nội dung trọng tâm. Trong tác phẩm “Hồi ký – Người là Hồ Chí Minh” của Hội Nhà văn xuất bản năm 1995, đề cập màu mực biểu thị quy định, như: “Gạch xanh là nói về chính trị, gạch đỏ là nói về chữ nghĩa”.
(3) Quan điểm thứ hai về cách đọc sách của Bác Hồ là phải suy nghĩ kỹ, không nhất thời tin tưởng một cách mù quáng; đọc phải nắm cốt lõi và cái thần của tác phẩm, đồng thời biết đánh giá ưu khuyết điểm; muốn làm được người đọc phải có kiến thức rộng cùng khả năng phân tích và tổng hợp. Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5”, của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, có đề cập đến quan điểm của Bác không đồng tình về việc “thuộc lòng từng câu, từng chữ, để đem lòe thiên hạ”.
(4) Thứ ba là Bác tán thành quan điểm của học giả Lê Quý Đôn: “Đọc sách không cần nhiều, đọc được một chữ đem áp dụng được một chữ, thế là được”. Với Bác là áp dụng những điều đã đọc vào thực tế cuộc sống rất quan trọng, bởi “dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách”. Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ phương pháp đọc sách và vận dụng vào thực tế thông qua tác phẩm “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Mác-Lênin”, Bác Hồ viết: “Chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin nhưng vận dụng một cách có sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng ta đã chiến đấu và giành được thắng lợi như các đồng chí đã biết”.

(Dẫn theo “Đọc sách theo tấm gương Bác Hồ”, Hồ Minh, Báo Vĩnh Long online, số ra 23/05/2020)

Sinh thời, Bác Hồ đã từng khuyên rằng (Hồ Minh)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định luận đề của văn bản trên.

Gợi ý: Tìm ý chính của văn bản thông qua các luận điểm được triển khai.

Click vào đây để xem đáp án
Luận đề: Bàn về tấm gương đọc sách báo và những phương pháp đọc sách hiệu quả của Bác Hồ.

Câu 2 (0,5 điểm): Để làm sáng tỏ luận đề, trong đoạn (4) tác giả đã triển khai luận điểm nào?

Gợi ý: Tập trung vào ý chính được tác giả trình bày trong đoạn (4).

Click vào đây để xem đáp án
Luận điểm: Bác tán thành quan điểm của học giả Lê Quý Đôn: “Đọc sách không cần nhiều, đọc được một chữ đem áp dụng được một chữ, thế là được”.

Câu 3 (1,0 điểm): Phân tích vai trò của bằng chứng được sử dụng trong đoạn (3).

Gợi ý: Xác định bằng chứng được đưa ra và phân tích cách nó làm sáng tỏ nội dung.

Click vào đây để xem đáp án
  • Bằng chứng trong đoạn (3): Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5”, của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, có đề cập đến quan điểm của Bác không đồng tình về việc “thuộc lòng từng câu, từng chữ, để đem lòe thiên hạ”.
  • Vai trò:
    • Giúp cho lập luận chặt chẽ, logic, giàu sức thuyết phục, tăng độ tin cậy cho bài viết.
    • Làm sáng tỏ luận điểm: Đọc sách phải suy nghĩ kỹ, không nhất thời tin tưởng một cách mù quáng.
    • Góp phần làm nổi bật luận đề: Tấm gương đọc sách báo và những phương pháp đọc sách hiệu quả của Bác Hồ.

Câu 4 (1,0 điểm): Em hiểu gì về thái độ của tác giả khi bàn về vấn đề trên?

Gợi ý: Chú ý đến cảm xúc, sự trân trọng của tác giả khi bàn về tấm gương đọc sách của Bác Hồ.

Click vào đây để xem đáp án
  • Thái độ của tác giả:
    • Ca ngợi, trân trọng tấm gương đọc sách và các phương pháp đọc sách hiệu quả của Bác Hồ.
    • Đề cao giá trị của sách, vai trò của sách trong đời sống và hoạt động cách mạng của Bác.
    • Mong muốn mọi người học tập tấm gương của Bác, tìm cho mình phương pháp đọc sách hiệu quả để tiếp thu nhiều tri thức.

Câu 5 (1,0 điểm): Bài học nào từ văn bản có ý nghĩa nhất đối với em? Vì sao?

Gợi ý: Chọn một bài học phù hợp với nội dung văn bản và nêu lý do.

Click vào đây để xem đáp án
  • Bài học: Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sách trong cuộc sống.
  • Lý do: Sách không chỉ cung cấp tri thức mà còn giúp người đọc nâng cao nhận thức, vận dụng hiệu quả vào thực tế để tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội.

5 Câu hỏi tự học ở nhà

Câu hỏi 1: Vì sao Bác Hồ cho rằng bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách?

Câu hỏi 2: Theo Bác Hồ, phương pháp đọc sách khoa học là gì? Hãy trình bày cách ghi chép và đánh dấu thông tin được nêu trong đoạn (2).

Câu hỏi 3: Phân tích quan điểm của Bác Hồ trong đoạn (3) về việc đọc sách một cách có suy nghĩ. Tại sao Bác không đồng tình với việc “thuộc lòng từng câu, từng chữ, để đem lòe thiên hạ”?

Câu hỏi 4: Trong đoạn (4), Bác Hồ khẳng định: “Đọc sách không cần nhiều, đọc được một chữ đem áp dụng được một chữ, thế là được”. Quan điểm này gợi ý gì cho cách đọc sách hiệu quả ngày nay?

Câu hỏi 5: Hãy nêu một bài học quan trọng nhất mà em học được từ văn bản trên và cách em áp dụng bài học đó trong việc học tập hàng ngày.

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu NLXH: Sinh thời, Bác Hồ đã từng khuyên rằng (Hồ Minh) được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *