Đọc văn bản:
Lắng nghe không chỉ đơn thuần là việc nghe và hiểu ý kiến hoặc thông tin của người khác, mà còn là thể hiện sự quan tâm và đồng cảm. Khi lắng nghe, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi để người khác chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và kinh nghiệm của họ một cách tự nhiên và thoải mái hơn.
Trong cuộc sống, ai cũng đều gặp phải những khó khăn, trở ngại và cần có người để chia sẻ, giúp đỡ. Bởi vậy, chúng ta cần lắng nghe tâm sự từ những người xung quanh để đồng cảm và thấu hiểu.
Lắng nghe là một kỹ năng quan trọng và là chìa khóa của thành công trong cuộc sống. Đó là việc chúng ta nhẫn nại và chân thành lắng nghe tâm sự và chia sẻ của người khác để đồng cảm và rút ra bài học cho chính mình.
Lắng nghe và đồng cảm với người khác sẽ giúp chúng ta nhận ra và hiểu được nhiều điều hơn và có nhiều bài học quý giá. Nếu biết lắng nghe, chúng ta có thể nhận được những nhận xét và đánh giá của người khác về bản thân, từ đó có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về bản thân để phát huy mặt mạnh và khắc phục mặt yếu.
Mỗi người đều có nhu cầu chia sẻ và lắng nghe, và khi lắng nghe người khác, chúng ta cũng có thể chia sẻ với họ. Học cách lắng nghe mang lại ý nghĩa và vai trò to lớn đối với cuộc sống con người. Những người biết lắng nghe là những người có lòng kiên trì, nhẫn nại và biết gạt bỏ cái tôi để tiếp thu và lĩnh hội.
Bên cạnh đó, lắng nghe còn giúp con người thấu hiểu và bao dung cho nhau, xây dựng một xã hội tích cực và đẹp hơn.
Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn nhiều người chưa biết lắng nghe người khác, chỉ cho rằng lí lẽ của mình là đúng, câu chuyện của mình mới là hay, chia sẻ của mình mới đáng được quan tâm. Từ đó, họ tỏ thái độ xem thường thậm chí thiếu tôn trọng ý kiến của người khác. Cũng có người chỉ muốn chia sẻ những khó khăn và đau khổ của mình mà không chịu lắng nghe tiếng lòng của người khác. Vì vậy, nếu mỗi người chúng ta bớt đi một chút cái tôi, biết lắng nghe và thấu hiểu thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Học cách lắng nghe là chúng ta đang học cách thấu hiểu cuộc sống
(Nguyễn Đình Ánh, Học cách lắng nghe, Báo Giáo dục và Thời đại, ngày 27/10/2024)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định đề tài của văn bản.
Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã nhận định những người biết lắng nghe là những người như thế nào?
Câu 3. Nhận xét về mức độ phù hợp giữa nội dung nghị luận với nhan đề của văn bản Học cách lắng nghe.
Câu 4. Trình bày thái độ của tác giả đối với việc lắng nghe và lý giải nguyên nhân của thái độ ấy.
Câu 5. Theo anh chị, đều gì sẽ xảy đến khi mỗi chúng ta “chỉ muốn chia sẻ những khó khăn và đau khổ của mình mà không chịu lắng nghe tiếng lòng của người khác” ? Viết từ 5-7 dòng để trình bày ý kiến của mình.