Đọc hiểu NLXH: Hi vọng và nguyện vọng không thể lẫn lộn với nhau được (Gong Ji Young)

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Hi vọng và nguyện vọng không thể lẫn lộn với nhau được. Chúng ta có thể mang cùng một lúc hàng ngàn nguyện vọng đủ loại nhưng hi vọng thì chỉ có một mà thôi. Chúng ta mong muốn người mình đang đợi sẽ đến đúng giờ, mong muốn đỗ kì thi, hay mong cho Rwanda tìm được nền hòa bình… đây đều là những nguyện vọng cá nhân.

Hi vọng lại khác hẳn. Nó có liên quan mật thiết với ý nghĩa cuộc sống. Giả sử cuộc sống hoàn toàn không có đích đến nào, mà chỉ là chuyển giao một cơ thể thối rữa xuống lòng đất thì sống để làm gì chứ? Hi vọng, chính là tin rằng trong cuộc đời có ý nghĩa nào đó.

Hi vọng chẳng có liên quan gì đến học lực, tiền bạc hay danh dự. Có thể coi hi vọng là bản chất của chúng ta, cũng chính là lòng yêu thương lẫn nhau, là con đường dẫn đến tình yêu và niềm kiêu hãnh của bản thân cũng như người khác. Nếu con cho rằng tiếp tục giận dỗi mẹ giúp được con thì con cứ làm vậy đi. Nếu đó là cách con bảo vệ niềm kiêu hãnh của bản thân thì đương nhiên con phải làm thế rồi. Nhưng rốt cuộc chúng ta biết đâu lại đều là những người ngày còn bé vì muốn thể hiện mình không nhận được đủ tình yêu từ mẹ, mà kiên quyết từ chối cái kem mẹ mua cho dù rất thích. Con hiểu không? Để thể hiện sự ghét bỏ, chúng ta chẳng biết cách nào ngoài từ chối những thứ chúng ta yêu thích, và rồi đều là những người bị tổn thương.

(Trích Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ con, Gong Ji Young, NXB Thời đại, 2014, tr.134)

Hi vọng và nguyện vọng không thể lẫn lộn với nhau được (Gong Ji Young)

Câu 1: Xác định luận đề của văn bản.
Gợi ý: Đọc kỹ để nhận ra chủ đề chính mà tác giả muốn thảo luận.

Click vào đây để xem đáp án
Luận đề: Bàn về niềm hi vọng.

Câu 2: Để làm nổi bật luận điểm “Hi vọng chẳng có liên quan gì đến học lực, tiền bạc hay danh dự”, tác giả đã dùng những lí lẽ nào?
Gợi ý: Tìm các câu trong văn bản để hỗ trợ luận điểm trên.

Click vào đây để xem đáp án
Tác giả đã dùng những lí lẽ:

  • Có thể coi hi vọng là bản chất của chúng ta.
  • Là lòng yêu thương lẫn nhau.
  • Là con đường dẫn đến tình yêu và niềm kiêu hãnh.

Câu 3: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong câu văn: “Chúng ta mong muốn người mình mong đợi sẽ đến đúng giờ, mong muốn đỗ kỳ thi, hay mong cho Rwanda tìm được nền hòa bình… đây đều là những nguyện vọng cá nhân.”
Gợi ý: Chú ý các từ ngữ được liệt kê để nhận ra ý nghĩa và hiệu quả diễn đạt.

Click vào đây để xem đáp án
Tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê:

  • Làm nổi bật và cụ thể hóa những mong muốn khác nhau của con người.
  • Giúp cho câu văn giàu nhịp điệu, sinh động, hấp dẫn.
  • Nhấn mạnh rằng con người luôn cần có những mong mỏi tốt đẹp trong cuộc sống, từ nhỏ bé đến lớn lao.

Câu 4: Anh/chị có đồng ý với quan điểm: “Để thể hiện sự ghét bỏ, chúng ta chẳng biết cách nào ngoài từ chối những thứ chúng ta yêu thích, và rồi đều là những người bị tổn thương không? Vì sao?”
Gợi ý: Đưa ra ý kiến cá nhân, đồng ý hoặc không, và giải thích lý do.

Click vào đây để xem đáp án
  • Em đồng ý với ý kiến trên.
  • Vì:
    • Khi chúng ta ghét bỏ điều gì đó thường có sự lẫn lộn giữa tình cảm yêu thương và nỗi đau, dẫn đến việc từ chối những thứ từng quý giá.
    • Khi cảm xúc trở nên phức tạp, thay vì đối diện với vấn đề, chúng ta chọn cách tránh né hoặc chối bỏ.
    • Hành động này không chỉ làm tổn thương bản thân mà còn khiến đối phương cảm thấy đau đớn.

5 CÂU HỎI TỰ HỌC Ở NHÀ

Câu hỏi 1: Theo em, tại sao tác giả cho rằng hi vọng có liên quan mật thiết đến ý nghĩa cuộc sống?

Câu hỏi 2: Em hãy phân biệt sự khác nhau giữa hi vọng và nguyện vọng dựa vào văn bản trên.

Câu hỏi 3: Nêu một ví dụ thực tế minh họa cho quan điểm: “Hi vọng chính là tin rằng trong cuộc đời có ý nghĩa nào đó.”

Câu hỏi 4: Viết đoạn văn (5-7 câu) nêu suy nghĩ của em về câu nói: “Hi vọng chẳng có liên quan gì đến học lực, tiền bạc hay danh dự.”

Câu hỏi 5: Theo em, làm thế nào để mỗi người giữ vững niềm hi vọng khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống?

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu NLXH: Hi vọng và nguyện vọng không thể lẫn lộn với nhau được (Gong Ji Young) được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *