Cách làm bài thi đọc hiểu THPT đối với thể loại thơ

Bài viết Cách làm bài thi đọc hiểu THPT đối với thể loại thơ dưới đây sẽ đưa ra các tư liệu, hướng dẫn cụ thể cách tiếp cận và phân tích, giúp các em tự tin xử lý mọi dạng đề về thể loại thơ trong kỳ thi.

Dạng đọc hiểu thơ mức độ Nhận biết

* Những yêu cầu cơ bản:

– Nhận biết các biểu hiện của thể thơ

– Nhận biết cấu tứ, từ ngữ, vần, nhịp, đối và các biện pháp nghệ thuật trong bài thơ

– Nhận biết được bố cục, những hình ảnh, chi tiết tiêu biểu trong bài thơ.

– Nhận biết được yếu tố tượng trưng (nếu có), siêu thực (nếu có) trong bài thơ.

– Nhận biết được đề tài, nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình trong bài thơ.

– Nhận biết được bối cảnh lịch sử- văn hóa được thể hiện trong bài thơ

– Nhận biết được những biểu hiện trực tiếp của tình cảm, cảm xúc trong bài thơ.

– Nhận biết được đặc điểm của ngôn từ nghệ thuật trong bài thơ.

* Dạng 1: Xác định thể thơ và dấu hiệu nhận biết thể thơ của đoạn thơ/bài thơ.

– Để xác định được các thể thơ cần nhận biết được một số thể thơ thường gặp

– Các thể thơ thường gặp và dấu hiệu nhận biết (Dựa vào số câu, số tiếng):

+ Lục bát: Câu 6-8 liên tục

+ Song thất lục bát: Cặp song thất (7 tiếng) và cặp lục bát (6-8 tiếng) luận phiên kế tiếp nhau trong toàn bài.

+ Ngũ ngôn Đường luật:- Ngữ ngôn tứ tuyệt: (5 tiếng 4 dòng)

+ Ngũ ngôn bát cú ( 5 tiếng 8 dòng)

+ Thất ngôn Đường luật: – Thất ngôn tứ tuyệt (7 tiếng 4 dòng)

+ Thất ngôn bát cú ( 7 tiếng 8 dòng)

+ Năm chữ: 5 tiếng, chia nhiều đoạn, mỗi đoạn có 4 câu; có bài không chia đoạn)

+ Tự do: Số tiếng số câu không tuân theo quy định

+ Các thể thơ khác (thơ bốn chữ, thơ sáu chữ, thơ bảy chữ, thơ tám chữ), dựa vào số tiếng để gọi tên thể thơ

– Dấu hiệu nhận biết:

+ Đếm số tiếng trong một dòng thơ

+ Tên thể thơ dựa vào số tiếng trong mỗi dòng thơ, số câu trong bài thơ.

– Cách trả lời: Trả lời trực tiếp, ngắn gọn.

* Dạng 2: Xác định nhân vật trữ tình/chủ thể trữ tình trong bài thơ:

– Dấu hiệu nhận biết

+ Nhân vật trữ tình là người trực tiếp bộc lộ rung động và tình cảm, cảm xúc đối với sự vật, sự việc và con người trong bài thơ.

+ Trong thơ, nhân vật trữ tình thường là tác giả nhưng không phải lúc nào cũng trùng với tác giả.

+ Phân biệt nhân vật trữ tình với nhân vật trong thơ trữ tình: Nhân vật trong thơ trữ tình hiện diện trực tiếp trong bài thơ nhưng không phải là chủ thể của cảm xúc hay tâm trạng trong bài thơ. Nhân vật trong thơ trữ tình chỉ là đối tượng khơi dậy cảm xúc hay tâm trạng của nhân vật/ chủ thể trữ tình.

– Cách trả lời: Trả lời trực tiếp, ngắn gọn.

* Dạng 3: Chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh thể hiện/diễn tả..

– Dấu hiệu nhận biết:

+ Phát hiện hình ảnh: Thường là danh từ, cụm danh từ

+ Phát hiện từ ngữ: Lọc ra những đơn vị từ ngữ (chú ý đến yêu cầu tìm từ theo loại từ: danh từ, động từ, tính từ…)

+ Lưu ý: Tìm gạch chân các từ ngữ, hình ảnh, lien quan quan đến yêu cầu của đề bài, tránh chép lại nội dung dài dòng. Không được chép cả câu.

– Cách trả lời: Trả lời ngắn gọn, liệt kê những hình ảnh, từ ngữ.

* Dạng 4: Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ/đoạn thơ.

Dấu hiệu nhận biết: Xác định được chính xác đặc trưng của các biện pháp tu từ

– Cách trả lời: Trả lời ngắn gọn (gọi tên biện pháp tu từ – thể hiện ở hình ảnh từ ngữ nào, yếu tố ngữ âm, từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp thể hiện điều đó).

Cách làm bài thi đọc hiểu THPT đối với thể loại thơ

Dạng đọc hiểu thơ mức độ Thông hiểu

* Những yêu cầu cơ bản:

– Nêu được cảm hứng chủ đạo, chủ đề, tư tưởng, thông điệp của bài thơ; phân tích được sự phù hợp giữa chủ đề, tư tưởng, cảm hứng chủ đạo trong bài thơ.

– Phân tích, lí giải được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua bài thơ.

– Phân tích được ý nghĩa, giá trị của hình ảnh, chi tiết tiêu biểu, hình tượng trung tâm trong bài thơ.

– Hiểu và lí giải được vai trò, tác dụng của hình ảnh, biểu tượng đặc biệt là yếu tố tượng trưng, siêu thực (nếu có) trong bài thơ.

– Phát hiện và lí giải được các giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ; giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh trong bài thơ.

– Hiểu và lí giải được ý nghĩa giá trị thẩm mĩ của ngôn từ, kết cấu, hình thức của bài thơ.

– Phân tích được tính đa nghĩa của ngôn từ trong bài thơ.

Một số câu hỏi và cách trả lời:

Dạng 1: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nghệ thuật sử dụng trong câu thơ/đoạn thơ.

– Để làm được dạng câu hỏi về tác dụng của biện pháp tu từ cần nắm được:

– So sánh: là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

– Nhân hóa: là gọi tên hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật…bằng những từ vốn được dung để gọi hoặc tả con người, làm cho thế giới loài vật trở nên gần gũi, sinh động.

– Ẩn dụ: là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

– Hoán dụ: là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

– Nói quá: là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, tính chất, quy mô của đối tượng để nhấn mạnh, tăng sức biểu cảm hoặc gây cười.

– Nói giảm, nói tránh: là biện pháp tu từ dung cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển tránh gây cảm giác đau buồn, ghê sợ, nặng nề, tránh thô tục, thiếu lịch sự.

Liệt kê: là cách sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế, tư tưởng, tình cảm; tạo nhịp điệu cho câu văn, câu thơ.

– Điệp ngữ: là biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cụm từ) để tạo nhịp điệu, làm nổi bật ý, gây xúc động mạnh.

– Phép lặp cú pháp: là biện pháp tu từ tạo ra những câu văn đi liền nhau trong văn bản, cùng một kết cấu nhằm nhấn mạnh ý và tạo sự nhịp nhàng, cân đối cho văn bản.

– Chơi chữ: là lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước…,làm câu văn hấp dẫn và thú vị.

– Chêm xen: là chêm vào câu nói một cụm từ  không trực tiếp có quan hệ ngữ pháp trong câu, có tác dụng bổ sung thông tin cần thiết, bộc lộ cảm xúc, thường đứng au dấu gạch ngang; nằm trong ngặc đơn; nằm giữa hai dâu gạch ngang, giữa hai dấu phẩy, giữa một dấu gạch ngang với một dấu phẩy; nhiều khi nằm sau dấu hai chấm.

– Đối: là cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các thành phần của câu hoặc vế câu đồng điệu, cân đối nhằm tạo ra hiệu quả diễn đạt, gợi cho người đọc, người nghe những lien tưởng, hình dung sâu sâu sắc; tạo nhịp điệu, sự cân xứng, hài hòa cho câu thơ, đoạn thơ.

– Đảo ngữ: là biện pháp tu từ thay đổi trật tự cú pháp thông thường của câu, nhằm nhấn mạnh ý, nhấn mạnh đặc điểm của đối tượng, giúp câu thơ sinh động, gợi cảm, âm điệu hài hòa.

– Câu hỏi tu từ: là biện pháp tu từ sử dụng câu hỏi nhưng không yêu cầu câu trả lời nhằm nhấn mạnh nội dung cần nói đến, qua đó tạo giọng điệu băn khoăn, trăn trở, tác động mạnh với người đọc, người nghe.

– Cách  trả lời:

+ Gọi đúng tên biện pháp tu từ. Chỉ ra dấu hiệu nhận biết, từ ngữ thể hiện biện pháp tu từ đó

+ Phân tích tác dung:

+ Về nghệ thuật: giúp cho diễn đạt tang sức gợi hình, gợi cảm/ sinh động, hấp dẫn/hàm súc/ tế nhị, uyển chuyển/ dí dỏm, hài hước/ tạo nhịp điệu hài hòa/ giọng điệu băn khăn, trăn trở…(Tùy vào từng biện pháp mà lựa chọn từ ngữ cho phù hợp)

+ Về nội dung: Nhấn mạnh…(nội dung được đề cập đến). Qua đó, thể hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả….(yêu mến, trân trọng/tự hào, ngợi ca/ thương xót, đồng cảm…)

Dạng 2: Giải thích, nêu ý nghĩa giá trị của hình ảnh, chi tiết tiêu biểu, câu thơ trong bài thơ.

– Cách trả lời:

+ Nghĩa hiển ngôn/ nghĩa gốc/ nghĩa bề mặt (điều nhà thơ thể hiện trực tiếp ở ngôn từ)

+ Nghĩa hàm ngôn/ nghĩa chuyển/ nghĩa sâu xa (tình cảm của nhà thơ, điều nhà thơ gửi gắm qua ngôn từ)

Dạng 3: Nhận xét tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện trong bài thơ, đoạn thơ.

– Cách trả lời:

+ Chỉ ra đặc điểm tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình (nhớ thương, trân trọng, biết ơn, tự hào, ngợi ca, phế phán….)

+ Nhận xét về tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình

Dạng 4: Nêu cảm hứng chủ đạo, chủ đề, tư tưởng, thông điệp của bài thơ.

Để làm được dạng câu hỏi này cần hiểu:

+ Cảm hứng chủ đạo: là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của người đọc.

+ Chủ đề: là vấn đề chủ yếu, trọng tâm được nhà văn tập trung soi rọi, tô đạm trong tác phẩm.

+ Tư tưởng: là nhận thức, lí giải và thái độ của người viết đối với toàn bộ nội dung văn bản.

+ Thông điệp: là điều tác giả gửi gắm qua tác phẩm mà người đọc nhận ra.

– Cách trả lời:

+ Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ là:…..(ghi ra những tình cảm, cảm xúc của tác giả trong bài thơ)

+ Chủ đề trong bài thơ là:…..(ghi ra vấn đề được nói đến trong bài thơ)

+ Tư tưởng trong bài thơ là:….(ghi ra thái độ, tình cảm của tác giả với chủ đề đã nêu lên)

+ Thông điệp trong bài thơ là:……..(ghi ra điều tác giả gửi gắm tới người đọc qua tác phẩm)

* Dạng 5: Nêu tác dụng của yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình

– Khái niệm: Yếu tố tượng trưng trong thơ trữ tình là những chi tiết, hình ảnh cụ thể gợi lên những ý niệm trừ tượng và giàu triết lí, đánh thức suy ngẫm của người đọc về bản chất sâu xa của con người và thế giới.

– Dấu hiệu nhận biết:

+ Tính biểu tượng của các hình ảnh, chi tiết, sự việc…

+ Việc sử dụng biểu tượng, hình ảnh nghệ thuật so sánh, ẩn dụ…

+ Sự sáng tạo về ngôn từ.

+ Tính nhạc trong thơ.

– Cách chỉ ra và nêu tác dụng:

+ Chỉ ra yếu tố tượng trựng trong đoạn thơ

+ Tác dụng:

++ Ggiúp cho câu thơ sinh động, hấp dẫn, gợi cảm, tạo những lien tưởng ý vị sâu sắc.

++ Làm nổi bật rõ nội dung ( ghi rõ nghĩa tả thực và nghĩa biểu tượng), cảm xúc của nhân vật trữ tình. Qua đó thấy được tài năng của nhà thơ.

Dạng đọc hiểu mức độ Vận dụng

* Những yêu cầu cơ bản:

– Rút ra bài học về cách nghĩa, cách ứng xử do bài thơ gợi ra

– Nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm đối với tình cảm, quan niệm, cách nghĩ của bản thân trước một vấn đề đặt ra trong đời sống hoặc trong văn học.

– Thể hiện thái độ đồng tình hay không đồng tình với các vấn đề đặt ra từ bài thơ

– Đánh giá được giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ trong bài thơ.

– Đánh giá được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua cách nhìn, cách cảm nhận riêng của tác giả về con người, cuộc sống, qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu.

– Đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ như ngôn từ, cấu tứ,hình thức của bài thơ.

– Đánh giá được ý nghĩa, tác dụng của yếu tố tượng trưng (nếu có) trong bài thơ.

– Đánh giá được khả năng tác động của tác phẩm văn học đối với người đọc và tiến bộ xã hội theo quan niệm cá nhân.

– Vận dụng những hiểu biết về lịch sử, văn hóa để lí giải quan điểm của tác giả thể hiện trong văn bản thơ.

– Vận dụng được kinh nghiệm đọc, trải nghiệm về cuộc sống và kiến thức văn học để đánh giá, phê bình văn bản thơ, thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân về tác phẩm.

– Vận dụng được những hiểu biết về bối cảnh lịch sử- văn hóa được thể hiện trong bài thơ để lí giải ý nghĩa, thông điệp của bài thơ.

– So sánh được hai văn bản thơ cùng đề tài ở các giai đoạn khác nhau

– Mở rộng lien tưởng về vấn đề dặt ra trong bài thơ để hiểu sâu hơn bài thơ

* Một số câu hỏi và cách trả lời:

Dạng 1: Rút ra bài học về tư tưởng, nhận thức; rút ra thông điệp cho bản thân.

– Cách trả lời:

+ Thông điệp/ Bài học có ý nghĩa sâu sắc nhất em rút ra sau khi đọc văn bản trên là: Chúng ta cần/nên/phải/hãy…(hướng về những giá trị tốt đẹp, tính tích cực của cuộc sống).

+ Lí giải: Thông điệp/ Bài học trên có ý nghĩa sâu sắc nhất với em vì…(tập trung nêu những ý nghĩa quan trọng của thông điệp/ bài học đã chọn, đưa ra khoảng 2-3 ý)

Dạng 2: Bày tỏ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình với quan điểm của tác giả hoặc nội dung của tác phẩm.

– Cách trả lời:

+ Em đồng tình với quan điểm trên (Hoặc: Em không đồng tình/Em có phàn đồng tình, có phần không đồng tình)

+ Lí giải:

+ Đồng tình: Chỉ ra tính đúng đắn, tầm quan trọng của vấn đề nêu trong quan điểm (ý kiến)

+ Không đồng tình: Chỉ ra mặt trái của vấn đề

+ Vừa đồng tình vừa không đồng tình: Kết hợp cả hai cách trả lời trên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *