Đọc hiểu văn bản thông tin: Lâm Tuyền- Di Sản Thiên Nhiên Độc Đáo

Phần I. Đọc – hiểu (4.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:

LÂM TUYỀN- DI SẢN THIÊN NHIÊN ĐỘC ĐÁO
(Đoàn Bích Ngọ)
Hồ Tuyền Lâm cách trung tâm TP Đà Lạt chừng 6 km về phía Nam, bên phải đèo Prenn dọc theo Quốc lộ 20, hướng Đà Lạt – TP Hồ Chí Minh. Hồ trước đây nguyên là dòng Suối Tía, thượng nguồn của sông Đạ Tam bắt nguồn từ ngọn Núi Voi hùng vĩ. Hồ Tuyền Lâm được tạo thành bởi một đập nước chắn ngang Suối Tía do Ty Thủy lợi Lâm Đồng được Bộ Thủy lợi đầu tư xây dựng hoàn thành vào năm 1987, nhằm phục vụ việc tưới tiêu cho những cánh đồng lúa và hoa màu ở vùng hạ lưu thuộc huyện Đức Trọng.
Cũng từ đây, dưới tác động của bàn tay con người, sự kết hợp hài hòa giữa dòng nước đầu nguồn và rừng cây đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác với vẻ đẹp hấp dẫn quyến rũ đến lạ kỳ. Chắc cũng chính vì lẽ đó mà hồ được đặt tên là “Tuyền Lâm”, một cái tên khá lãng mạn đúng với sự tác hợp này (“Tuyền” có nghĩa là “suối” và “Lâm” có nghĩa là “rừng”). Một hồ nước mênh mông, quanh năm trong xanh; lưu vực trên 32 km2, lòng hồ có nhiều ốc đảo, và nhiều nhánh ăn sâu vào đất liền, có chỗ sâu đến hơn 30 m, xung quanh được bao bọc bởi một vùng núi non hùng vĩ. Cảnh quan cũng thật đa dạng, nơi này là đồi thông, nơi kia là rừng già xanh thẳm với đỉnh cao chót vót; nơi đồi trọc thoai thoải với những trảng cỏ chạy dài buông nhẹ tới mép hồ. Tất cả cùng hòa quyện với mây trời soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng, tạo nên một khung cảnh huyền ảo làm cho ta có cảm giác lâng lâng, tâm hồn phiêu lãng như đang lạc vào chốn thiên thai trong cổ tích.

Quả thật vậy, nhất là những lúc thả bộ thơ thẩn dưới tán thông xanh vi vút gió ngàn, hoặc ngồi ngắm cảnh sắc hồ thay đổi như bức tranh thủy mặc. Buổi sáng sương giăng phủ trắng mặt hồ, không gian thật tĩnh lặng với một bầu không khí trong lành thanh khiết. Buổi trưa, mặt hồ sáng bừng lấp lánh như thủy tinh với những làn sóng xô lăn tăn khi có cơn gió nhè nhẹ thổi đủ lay ngọn thông rì rào. Chiều đến, mặt hồ lại chuyển dần sang màu xanh biếc, gió se lạnh và khi bóng hoàng hôn buông xuống, khung cảnh nơi đây lại mờ ảo, huyền hoặc, hư hư, thực thực, lãng mạn vô cùng. Những đêm trăng sáng như dát bạc lên mặt nước và cảnh vật xung quanh, ngồi ven hồ vãn cảnh, câu cá hoặc tản bộ cùng người yêu thì không thú nào bằng.
Trên các đồi núi ở trong khu vực thắng cảnh hồ Tuyền Lâm và những vùng lân cận như Núi Voi, Hòn Bù hiện nay vẫn còn lưu giữ gần như đầy đủ các hầm hào nơi đóng quân của các đơn vị thuộc Khu ủy Khu 6 và Thị ủy Đà Lạt. Ở khu vực rừng già Gia Lâm dọc theo bờ suối Đầu Voi thuộc địa phận xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng còn là nơi phát hiện dấu tích về một di chỉ khảo cổ thời tiền sử từ thời kỳ đồ đá cũ cách đây tới 3-4 vạn năm. Khu vực này có nhiều hốc đá, tảng đá lớn với nhiều hình thù kỳ bí, kéo dài hàng trăm mét lên hướng thượng nguồn nơi tiếp giáp với khu căn cứ cách mạng. “Ở đây có những bãi cuội chạy dọc theo triền suối hẳn đó là nguồn nguyên liệu phong phú để những người xưa chế tác công cụ…
Ở sâu trong khu vực trung tâm của khu căn cứ cách mạng (khu rừng già Gia Lâm), khu núi đá (Núi Voi) còn có những trảng rừng nguyên sinh, có suối nước trong, bãi đá cuội, thác nước với sự đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc biệt là thông đỏ và một số chim, thú, lan rừng,… Đặc biệt là đường lên núi có nhiều vách đá dựng rất hiểm trở len giữa tán cây rừng nguyên sinh, dây leo, với nhiều loài lan rừng, quang cảnh đẹp hoang dã và rất lãng mạn. Đỉnh Núi Voi cao 1.814.5 m so với mực nước biển, ở đây ta có thể quan sát được cả phía Đông TP Đà Lạt và một phần của huyện Đức Trọng và Đơn Dương. Sinh sống quanh khu vực này còn có buôn làng bà con dân tộc K’Ho với những phong tục, lễ hội rất độc đáo.
Có thể nói, hiếm thấy một di sản văn hóa thiên nhiên hội đủ các giá trị sinh thái, môi trường, lịch sử văn hóa như Tuyền Lâm. Hồ Tuyền Lâm (bao gồm cả thiền viện Trúc Lâm) đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (thuộc loại Danh lam thắng cảnh) theo Quyết định số 1811 của Bộ Văn hóa ngày 30/8/1998. Từ khi được công nhận, chính quyền địa phương đã quan tâm bảo tồn, tôn tạo cảnh quan và định hướng quy hoạch phát triển du lịch. Đồng thời, cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại đây đầu tư xây dựng, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng các tiêu chí theo quy định khu du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách tham quan nghỉ dưỡng. Ngày 15/02/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 205 công nhận Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm là khu du lịch quốc gia đầu tiên của cả nước trong 47 khu du lịch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đặc biệt, gần đây, Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm vừa được vinh danh là “Khu du lịch tiêu biểu châu Á – Thái Bình Dương” vào ngày 3/8/2023 tại thủ đô New Delli, Ấn Độ trong chương trình diễn đàn “Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam – Ấn Độ”. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là cơ hội để danh thắng quốc gia hồ Tuyền Lâm – Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng nói chung và Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm nói riêng. Từ đây, Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm sẽ được sánh ngang với các khu du lịch nổi tiếng ở Đông Nam Á và trên thế giới, xứng đáng là điểm đến hấp dẫn du khách toàn cầu.

(Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam- vietnamtourism.gov.vn)

Đọc hiểu văn bản thông tin: Lâm Tuyền- Di Sản Thiên Nhiên Độc Đáo

Câu 1. Văn bản “Lâm Tuyền – Di sản thiên nhiên độc đáo” thuộc loại văn bản nào? Em căn cứ vào đâu để xác định như vậy?

Click vào đây để xem đáp án
Văn bản thuộc loại văn bản thông tin – thuyết minh về một danh lam thắng cảnh.

  • Căn cứ:
    • Nhan đề hướng đến giới thiệu một danh lam thắng cảnh.
    • Nội dung làm rõ nguồn gốc, đặc điểm độc đáo của Lâm Tuyền.
    • Phương thức biểu đạt chính là thuyết minh, kết hợp miêu tả và biểu cảm.

Câu 2. Văn bản được bố cục như thế nào? Nêu nội dung cụ thể của từng phần trong bố cục và chỉ ra mạch kết nối các nội dung đó.

Click vào đây để xem đáp án
  • Bố cục 4 phần:
    1. Vị trí địa lý của Lâm Tuyền.
    2. Nguồn gốc hình thành của Lâm Tuyền.
    3. Cấu trúc, đặc điểm độc đáo của Lâm Tuyền.
    4. Vị trí, ý nghĩa của Lâm Tuyền trong du lịch và tương lai.
  • Mạch kết nối:
    • Các phần đều cung cấp thông tin cụ thể và làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo của Lâm Tuyền.
    • Nội dung liên kết chặt chẽ, hướng đến việc tôn vinh giá trị di sản.

Câu 3. Văn bản “Lâm Tuyền – Di sản thiên nhiên độc đáo” có sự kết hợp của những phương thức biểu đạt nào? Phân tích tác dụng của sự kết hợp ấy.

Click vào đây để xem đáp án
  • Phương thức biểu đạt: thuyết minh, miêu tả, biểu cảm.
  • Tác dụng:
    • Thuyết minh cung cấp thông tin cụ thể, chính xác về Lâm Tuyền.
    • Miêu tả làm rõ cảnh sắc thiên nhiên, giúp người đọc hình dung rõ ràng.
    • Biểu cảm truyền tải cảm xúc, khơi gợi niềm tự hào, tình yêu thiên nhiên.
  • Sự kết hợp này khiến văn bản vừa khoa học, vừa sinh động và giàu cảm xúc.

Câu 4. Vì sao Lâm Tuyền được coi là di sản thiên nhiên độc đáo? Tác giả sử dụng những yếu tố, thông tin nào để làm nổi bật sự độc đáo của Lâm Tuyền?

Click vào đây để xem đáp án
  • Lâm Tuyền được coi là di sản độc đáo vì:
    • Là sự kiến tạo tuyệt mỹ giữa thiên nhiên và con người.
    • Hội tụ các giá trị sinh thái, môi trường, lịch sử, văn hóa hiếm có.
  • Tác giả sử dụng:
    • Thông tin khoa học về địa lý, lịch sử, sinh thái.
    • Miêu tả chi tiết cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú.
    • Tình yêu, niềm tự hào về vẻ đẹp của Lâm Tuyền.

Câu 5. Từ văn bản “Lâm Tuyền – Di sản thiên nhiên độc đáo”, em hãy nhận xét về sự kết hợp các phương thức biểu đạt trong một văn bản thuyết minh. Hãy đề xuất một tỉ lệ mà em cho là hợp lý.

Click vào đây để xem đáp án
  • Nhận xét:
    • Văn bản thuyết minh cần kết hợp thêm miêu tả và biểu cảm để tăng tính sinh động và cảm xúc.
  • Đề xuất tỉ lệ:
    • Thuyết minh chiếm 70%, miêu tả 20%, biểu cảm 10%.
    • Điều này đảm bảo văn bản vừa cung cấp thông tin khoa học, vừa truyền cảm xúc đến người đọc.

5 câu hỏi bài tập về nhà

Câu 1. Hãy nêu vị trí địa lý và nguồn gốc hình thành của Hồ Tuyền Lâm dựa trên văn bản.

Câu 2. Theo văn bản, những đặc điểm nào làm cho cảnh quan Hồ Tuyền Lâm trở nên độc đáo và hấp dẫn?

Câu 3. Tác giả đã kết hợp các phương thức biểu đạt nào trong văn bản? Sự kết hợp ấy có tác dụng gì?

Câu 4. Tại sao Hồ Tuyền Lâm được coi là khu du lịch quốc gia tiêu biểu và được vinh danh ở châu Á – Thái Bình Dương?

Câu 5. Viết một đoạn văn (7-10 dòng) trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản thiên nhiên như Hồ Tuyền Lâm.

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào gmail: dochieunguvanvn@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho bạn.

Đây là phần Đọc hiểu văn bản thông tin: Lâm Tuyền- Di Sản Thiên Nhiên Độc Đáo được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2025 – 2026.

Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *