Đọc hiểu văn bản thông tin: Khám Phá Làng Gốm Truyền Thống Biên Hòa – Đồng Nai

Phần I. Đọc – hiểu (4.0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:

Khám phá làng gốm truyền thống Biên Hòa – Đồng Nai

Gốm Biên Hòa – Đồng Nai là sự hòa quyện tài tình giữa đất, nước và lửa, tạo nên những sản phẩm đặc trưng bản sắc, điểm tô cho văn hóa Việt.
[…] (1) Nói đến gốm mỹ nghệ Biên Hòa là nói đến sự kết hợp khéo léo nghệ thuật giữa Tây và ta, giữa cũ và mới, là sự kết tinh giữa kinh nghiệm làm gốm thủ công cổ truyền điêu luyện với kỹ thuật hiện đại của công nghệ Pháp. Tuy nhiên, cái cốt lõi, cái hồn vẫn nằm ở nguyên liệu đất bản địa đặc trưng và men thực vật truyền thống do các nghệ nhân Biên Hòa tạo nên.
[..] (2) Hai yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của gốm Biên Hòa là nguồn nguyên liệu cao lanh và đất sét màu chất lượng cao cộng với trình độ của đội ngũ thợ gốm có tay nghề. Có thể nói, tài nghệ của thợ gốm Biên Hòa chính là ở chỗ họ đã tiếp thu, hòa nhập được những nét tinh hoa của các nền văn hóa trong các sản phẩm của mình. Quy trình sản xuất một sản phẩm gốm trước hết qua khâu tạo dáng trên bàn xoay hoặc trong khuôn, được trang trí vẽ chìm, đắp nổi hoặc trổ thủng sau đó phủ men màu lên những phần đã trang trí trước khi đưa vào lò nung. Độ lửa, chấm men và kỹ thuật khắc đã làm nên sự hấp dẫn kỳ lạ, độc đáo cho gốm Biên Hòa.
(3) Chỉ tiếc rằng, các kỹ thuật men truyền thống như trắng tàu, đỏ đá và đặc biệt là men xanh trổ đồng và loại gốm đất đen ở Biên Hòa xưa giờ đây đang có nguy cơ bị mai một, rất cần được tập hợp, nghiên cứu và lưu giữ. Làm cách nào để phục hồi, một khi những nghệ nhân am tường kỹ thuật chế tác cũng mất đi?

(Theo Anh Vũ, https://thoidai.com/kham-pha-lang-gom-truyen-thong-bien-hoa-dong-nai)

 Khám Phá Làng Gốm Truyền Thống Biên Hòa - Đồng Nai

Câu 1: Xác định thể loại của văn bản trên.

Click vào đây để xem đáp án
Văn bản trên thuộc thể loại văn bản thông tin, bởi nó cung cấp thông tin về nghề gốm Biên Hòa và các vấn đề liên quan.
Gợi ý: Xem xét văn bản cung cấp thông tin hay truyền đạt một câu chuyện, qua đó xác định thể loại.

Câu 2: Chỉ ra phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.

Click vào đây để xem đáp án
Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản là hình ảnh (hình ảnh “Một góc xưởng gốm Biên Hòa”).
Gợi ý: Phương tiện phi ngôn ngữ có thể là hình ảnh, đồ họa, bản đồ, giúp bổ sung hoặc làm rõ nội dung văn bản.

Câu 3: Nhan đề của văn bản có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện nội dung văn bản?

Click vào đây để xem đáp án
Nhan đề của văn bản có tác dụng:

  • Giới thiệu nội dung đề tài, tóm tắt thông tin chính của văn bản.
  • Định hướng bố cục văn bản, giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận nội dung.
    Gợi ý: Hãy chú ý đến cách nhan đề phản ánh chủ đề chính của văn bản.

Câu 4: Nội dung của đoạn văn: “Chỉ tiếc rằng, các kỹ thuật men truyền thống như trắng tàu, đỏ đá và đặc biệt là men xanh trổ đồng và loại gốm đất đen ở Biên Hòa xưa giờ đây đang có nguy cơ bị mai một, rất cần được tập hợp, nghiên cứu và lưu giữ. Làm cách nào để phục hồi, một khi những nghệ nhân am tường kỹ thuật chế tác cũng mất đi?” gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì?

Click vào đây để xem đáp án
Đoạn văn gợi cho người đọc suy nghĩ về:

  • Nguy cơ mai một các kỹ thuật làm gốm truyền thống và những giá trị văn hóa dân tộc có thể bị mất đi.
  • Sự trân trọng và tiếc nuối về nghề gốm Biên Hòa, đồng thời đặt ra vấn đề cần lưu giữ và phục hồi nghề truyền thống này.
    Gợi ý: Tập trung vào những vấn đề bảo tồn nghề truyền thống, nhất là khi những nghệ nhân lành nghề đang dần mất đi.

Câu 5: Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, hãy đề xuất một vài biện pháp để giữ gìn và phát huy nghề gốm truyền thống địa phương.

Click vào đây để xem đáp án
Một vài biện pháp để giữ gìn và phát huy nghề gốm truyền thống địa phương là:

  • Sáng tạo và cải tiến mẫu mã, hình dáng sản phẩm để thu hút người tiêu dùng.
  • Mở các lớp dạy học làm gốm để thu hút sự quan tâm và học hỏi từ cộng đồng.
  • Chính sách ưu tiên cho làng nghề truyền thống, hỗ trợ thợ thủ công và nghệ nhân trong việc duy trì và phát triển nghề gốm.
    Gợi ý: Hãy nghĩ về những biện pháp có thể cải tiến và phát triển nghề truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa và thị trường hiện đại.

5 Câu hỏi tự học ở nhà

Câu hỏi 1: Gốm Biên Hòa có những đặc điểm gì nổi bật khiến nó trở thành thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam?

Câu hỏi 2: Những yếu tố nào đã tạo nên sự độc đáo trong kỹ thuật làm gốm Biên Hòa, đặc biệt là cách kết hợp giữa phương pháp thủ công và công nghệ hiện đại?

Câu hỏi 3: Tại sao các kỹ thuật men truyền thống của gốm Biên Hòa lại có nguy cơ bị mai một? Những biện pháp nào có thể giúp bảo tồn và phục hồi các kỹ thuật này?

Câu hỏi 4: Bạn hiểu thế nào về sự kết hợp giữa nguyên liệu đất bản địa và men thực vật trong sản phẩm gốm Biên Hòa? Điều này có ảnh hưởng gì đến giá trị văn hóa của sản phẩm?

Câu hỏi 5: Theo bạn, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, làm thế nào để nghề gốm Biên Hòa phát triển và cạnh tranh với các sản phẩm gốm từ các quốc gia khác?

Sau khi hoàn thành bài tập, hãy gửi vào Gmail: dochieunguvan2025@gmail.com để đội ngũ giáo viên chấm, chữa bài cho các bạn.

Đây là phần Đọc hiểu văn bản thông tin: Khám Phá Làng Gốm Truyền Thống Biên Hòa – Đồng Nai được trích từ ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn  năm học 2025 – 2026.
Tải trọn bộ đề thi đọc hiểu ngay tại đây!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *