Đọc hiểu văn bản: Một cảnh thu muộn – Nguyễn Tuân

Đọc đoạn trích:

(Lược dẫn: Cụ Thượng – quan Tổng đốc vùng xuôi – về trí sĩ ở Hà Nội. Cụ có hai con trai – ông cử Cả và Cử Hai, nhưng cụ chọn ở với gia đình ông cử Hai.)

Cùng là con cả, nhưng cụ Thượng đã thấy rõ ông Cử Cả, tức ông huyện Thọ Xương đương chức kia, là một người có tâm thuật(1) rất hèn kém. Cũng là một giọt máu sinh đôi mà sao ông Cử Cả và ông Cử Hai không giống nhau lấy mảy may, từ quan niệm nhân sinh cho đến nhất cử nhất động nhỏ nhặt hằng ngày. Cụ Thượng tin rằng khi cụ trăm tuổi đi rồi thì ông huyện Thọ Xương dám làm một chuyện phương hại đến gia thanh. Cái người ấy, thường cụ vẫn hạ mấy chữ: vô sở bất chí(2), những lúc nghĩ riêng mình với mình: “Ta nằm xuống, là thằng này sẽ làm mất hết những chính tích hay trong một đời làm quan của ta.” Bởi thất vọng về người trưởng nam đã tìm được lối xuất thân, cụ càng nghĩ mà thương và yêu người con thứ. Cũng là một thân danh một ông cử nhân có vợ, có con, mà vẫn còn đơn giản như ngày để chỏm. Ông Cử Hai có khoa mà không có hoạn(3), và cái khoa mục(4) ấy giá không nói ra thì không ai biết. Người có hoa tay, thêm được chút tâm hồn lãng tử, nên ông cử Hai sống cuộc đời mình như người ta chơi chơi vậy thôi. Người ấy thực là một người không có lấy một giây phút trịnh trọng đối với nhân sinh. Ông ta sinh ra để mà đùa với cuộc sống và bắt đầu từ việc đem ngay cái tài hoa của mình ra mà đùa nhả với sự nghiệp thân thế mình. Hồi cụ Thượng còn ngồi nhậm(5) ở dưới Sơn Nam hạ, cái gia đình lớn ấy chưa quy về một mối, ông Cử Hai quanh năm đi dạy học ở bốn tỉnh tứ chính Đông Nam Đoài Bắc. Không cần phụ huynh học trò xử hậu hay bạc, không cần địa phương ấy là có đất văn tự hoặc dân ấy là có nếp văn chương muốn cầu học chữ của thày, có khi tới ở đó ít ngày, ngồi giảng bài chưa ấm phòng học, ông đã quảy khăn gói tráp điếu(6) lên đường. Người tuổi tác có hỏi, ông trả lời là vì cảnh ở đấy không dung được người: “Bậc trượng nhân(7) thử nghĩ: cái gì mà nước chỉ chảy xiết không bao giờ tụ; cây trồng đến ba năm không có quả; ớt nhấm không thấy cay; hoa chỉ có mùi thơm về phần đêm; núi chỉ bằng đầu chứ không có chỏm nhọn, và mây trời không bao giờ hiện đủ năm sắc. Cảnh như thế, tôi ngồi mà làm gì. Chữ thánh hiền không phải ở chỗ nào cũng bố thí được.”

(Nguyễn Tuân, Trích Một cảnh thu muộn – Vang bóng một thời, NXB Hội nhà văn, 2018, tr.140-141)

• Chú thích:

(1) Tâm thuật: tâm địa

(2) Vô sở bất chí: không việc gì không dám làm

(3) Khoa hoạn là thi đỗ và làm quan. Có khoa mà không có hoạn là có thi đỗ nhưng không làm quan.

(4) Khoa mục: những người thi đỗ.

(5) Nhậm: đảm nhận (chức)

(6) Tráp: đồ dùng hình hộp bằng gỗ để đựng các vật nhỏ; Điếu: đồ dùng hút thuốc

(7) Trượng nhân: người lớn tuổi.

Đọc hiểu văn bản: Một cảnh thu muộn - Nguyễn Tuân

Câu 1. Xác định điểm nhìn, ngôi kể của người kể chuyện trong đoạn trích.

Click vào đây để xem đáp án

Điểm nhìn của cụ Thượng – điểm nhìn ngôi thứ 3 hạn tri và điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ 3 toàn tri.

Câu 2. Trình bày điểm giống và khác nhau ông cử Cả và ông cử Hai.

Click vào đây để xem đáp án

– Giống nhau: ngoại hình (vì sinh đôi), đều là cử nhân có vợ, có con.

– Khác nhau: quan niệm nhân sinh, việc nhỏ hàng ngày.

+ Ông Cử Hai “giản đơn như ngày để chỏm” (tâm tính thiện lành, đối với danh lợi không coi trọng).

+ Ông Cử Cả là người dám làm việc “phương hại đến gia thanh”, “vô sở bất chí” (tâm tính tàn nhẫn, tham lam).

Câu 3. Đặc điểm ngôn ngữ trang trọng được sử dụng trong câu: “Bậc trượng nhân thử nghĩ: cái gì mà nước chỉ chảy xiết không bao giờ tụ; cây trồng đến ba năm không có quả; ớt nhấm không thấy cay; hoa chỉ có mùi thơm về phần đêm; núi chỉ bằng đầu chứ không có chỏm nhọn, và mây trời không bao giờ hiện đủ năm sắc.” có tác dụng gì?

Click vào đây để xem đáp án

– Đặc điểm ngôn ngữ trang trọng:

+ Sử dụng từ Hán Việt: bậc, trượng nhân

+ Từ xưng hô kính cẩn với người lớn tuổi: bậc

+ Cấu trúc câu trùng điệp, dài, đủ thành phần.

– Tác dụng: tạo giọng điệu triết lí, trầm buồn, cổ kính; không khí trang nghiêm, trầm buồn của nếp sống, nếp văn hóa tao nhã xa xưa.

Câu 4. Câu trả lời “Cảnh như thế, tôi ngồi mà làm gì. Chữ thánh hiền không phải ở chỗ nào cũng bố thí được.” thể hiện đặc điểm tính cách nổi bật nào của ông Cử Hai?

Click vào đây để xem đáp án

– Ông Cử Hai là người coi trọng đạo lý, tư tưởng thánh hiền, quyết không thỏa hiệp với cảnh sống không thỏa chí, thỏa tài; khao khát thoát khỏi tình trạng bế tắc.

– Ông Cử Hai có tính cách đặc biệt thể hiện đặc điểm của con người tài hoa, lãng tử.

Câu 5. Trong cuộc sống hiện nay, thái độ “sống cuộc đời mình như người ta chơi chơi vậy thôi” sẽ mang lại những tác động gì đến bản thân và xã hội?

Click vào đây để xem đáp án

Học sinh trả lời theo quan điểm cá nhân nhưng phải hợp lí, thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý:

+ Sống như chơi chơi là sống vô tư, hồn nhiên nhưng hời hợt, thiếu nghiêm túc, không có mục đích.

– Tác động đến bản thân: tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhàng, thảnh thơi trong thời gian nhất định, nhưng lâu dài khó phát triển được bản thân, trở thành người vô dụng tiêu cực.

– Tác động đến xã hội: không tạo được giá trị, thậm chí còn trở thành lực cản,…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *