Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:
ĐIỂM 10
– Thanh nhảy cẫng lên khi thấy bài kiểm tra cuối kỳ môn toán được 10 điểm. Quay sang thấy Tuấn cầm bài kiểm tra ngồi ngẩn ngơ nó hỏi:
– Mày sao thế? Được 10 điểm mà không vui à?
– Tao… – Tuấn ấp úng.
Trên bảng cô giáo đọc tên những bạn được điểm 10 và tuyên dương các bạn: “Đợt thi này điểm lớp ta khá cao. Cô rất vui. Nhất là bạn Tuấn, trước đây bạn học toán yếu nhưng nay đã nổi bật, điển hình là bạn ấy được 10 điểm trong đợt kiểm tra này. Chúng ta vỗ tay cổ vũ cho bạn ấy nhé”.
Tuấn cúi gằm mặt xuống bàn, hai má đỏ ửng lên khi nghe cô và các bạn tuyên dương.
Giờ ra về, nó nấn ná ở lại sau cùng. Cô giáo thấy nó hôm nay hơi lạ so với mọi hôm.
– Sao em chưa về hả Tuấn?
– Dạ thưa cô, em…
– Sao? – Cô giáo nhìn vào mắt Tuấn.
– Bài kiểm tra đó… Thật sự 10 điểm không phải là của em, vì em đã nhìn bài của bạn Thanh. Đáng ra em không được 10 điểm và không đáng được cô tuyên dương.
Nói xong một câu dài như thế Tuấn thấy mình sắp khóc.
Cô giáo không la, cô xoa đầu nó:
– Tuấn à. Em đừng áy náy, lòng trung thực của em còn xứng đáng hơn 10 điểm nữa đó. Cô biết sức học của em, cô biết em chưa đủ sức để hoàn thành hết đề thi lần này, nhưng chính em đã cho cô thấy sự quyết tâm của em. Cố gắng lên em nhé. Cô tin lần sau em sẽ tự làm bài được 10 điểm.
Tuấn thấy vai mình nhẹ hẳn, hơi thở của nó cũng nhẹ nhàng hơn. Sống trung thực thật thoải mái. Tuấn cười.(Nguồn: https://tuoitre.vn/truyen-mini-diem)
Câu 1. Truyện được kể theo ngôi thứ mấy? Dấu hiệu nhận biết?
Câu 2. Nêu tác dụng của dấu chấm lửng, dấu gạch ngang trong hai câu sau?
a. “Tao… – Tuấn ấp úng.”
b. “Sao? – Cô giáo nhìn vào mắt Tuấn.”
Câu 3. Khi được cô giáo tuyên dương mình đạt điểm 10, Tuấn có những biểu hiện gì? Vì sao Tuấn lại có những có biểu hiện như vậy?
Câu 4. Em có đồng tình với cách ứng xử của cô giáo không? Liên hệ với thực tế cuộc sống hiện nay?
Câu 5. Từ văn bản trên, em hãy viết một đoạn khoảng 6-8 câu chia sẻ với mọi người về ý nghĩa của sống trung thực.