Đọc hiểu văn bản: Càng kỷ luật càng tự do

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Kỉ luật rất khó, bởi sự mê hoặc của lười nhác quá lớn, nằm dài trên sô pha xem bộ phim truyền hình thật thoải mái biết bao, ôm điện thoại lướt Weibo(1) mới dễ chịu làm sao. Thế nhưng, niềm vui ngắn ngủi này thực chất lại là một loại trầm luân biến tướng, chỉ có thể mang đến sự chậm chạp trong tư duy, bệnh tật cho cơ thể và sự cằn cỗi cho tâm hồn.

Sống trong sự nhàn nhã lâu ngày, những người lười nhác sẽ ngày càng trở nên tạm bợ, không có hoài bão, không có lý tưởng. Những người chần chừ sẽ quen với việc tìm muôn vàn cớ khác nhau để tự an ủi mình. Những người ăn uống không điều độ, không có thời gian làm việc và nghỉ ngơi nhất định, cuộc sống không có quy hoạch sẽ gặp rất nhiều sai sót trong công việc và phiền não trong cuộc sống.

George Bernard Shaw từng nói:“Biết tự kiểm soát bản thân là bản năng của người mạnh mẽ nhất”. Ngược lại, người không biết tự khống chế bản thân, cuối cùng sẽ mất đi cả thế giới này.

(Trích Càng kỷ luật, càng tự do, Ca Tây (Tuyết Mai dịch), NXB Thế giới, 2022, tr.15)

Đọc hiểu văn bản: Càng kỷ luật càng tự do

Câu 1. Xác định luận đề của văn bản trên.

Click vào đây để xem đáp án

Luận đề của văn bản: bàn về tác hại của sự thiếu kỉ luật.

Câu 2. Theo đoạn trích, sống trong sự nhàn nhã lâu ngày, những người lười nhác sẽ ngày càng trở nên như thế nào?

Click vào đây để xem đáp án

Theo đoạn trích, sống trong sự nhàn nhã lâu ngày, những người lười nhác sẽ ngày càng trở nên tạm bợ, không có hoài bão, không có lý tưởng.

Câu 3. Em hiểu như thế nào về câu nói của George Bernard Shaw trong đoạn trích trên: Biết tự kiểm soát bản thân là bản năng của người mạnh mẽ nhất.

Click vào đây để xem đáp án

– Khẳng định kiểm soát bản thân là một điều rất khó để thực hiện. Biết tự kiềm chế bản thân là đã vượt qua được chính bản thân mình, chứng tỏ được sức mạnh tiềm ẩn bên trong bản thân mình.

– Thể hiện thái độ tôn trọng, ngưỡng mộ, ngợi ca những người biết tự kiểm soát bản thân để sống có kỉ luật; mong muốn mọi người biết kiểm soát bản thân.

Câu 4. Hiệu quả của biện pháp tu từ liệt kê được sử dụng trong câu văn sau: Thế nhưng, niềm vui ngắn ngủi này thực chất lại là một loại trầm luân biến tướng, chỉ có thể mang đến sự chậm chạp trong tư duy, bệnh tật cho cơ thể và sự cằn cỗi cho tâm hồn.

Click vào đây để xem đáp án

* Biện pháp tu từ liệt kê: chậm chạp trong tư duy, bệnh tật cho cơ thể, cằn cỗi cho tâm hồn.
* Hiệu quả biểu đạt:
– Giúp cho sự diễn đạt thêm sinh động, hấp dẫn, tạo nhịp điệu cho câu văn, gây ấn tượng với người đọc.
– Diễn tả đầy đủ, cụ thể, sâu sắc hậu quả của sự lười nhác, sống không có kỉ luật.
– Thể hiện thái độ lo sợ trước những tác hại khôn lường của sự lười nhác, sống không có kỉ luật; mong muốn mọi người sống có kỉ luật.

Câu 5. Qua đoạn trích trên em rút ra được những bài học gì?

Click vào đây để xem đáp án

Bài học:

– Nhận thức được sống kỉ luật có ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống và sự thành công của con người.
– Nhận thức được sự lười nhác sẽ đem đến hậu quả rất lớn với trí tuệ, sức khỏe, là nguyên nhân dẫn đến thất bại trong cuộc sống.
– Cần rèn luyện lối sống kỉ luật, biết tự kiềm chế bản thân.
– Trân trọng, yêu mến những người biết sống có kỉ luật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *