Đọc hiểu văn bản: 10.4.68 Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người

Đọc văn bản sau:

10.4.68

Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương. Nghe anh Tuấn ra lệnh: “Tất cả ba lô lên đường!”. Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại trước mình bắt tay chào mình một lần cuối. Bỗng dưng một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc trào lên trong mình như mặt sông những ngày mưa lũ và… mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lại lời chào của mọi người. Thôi! Các anh đi đi, hẹn một ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu…

Suốt một đêm một ngày lo lắng vì ca mổ của San, chiều nay lòng mình vui sướng xiết bao khi thấy San ngồi dậy, nét mặt anh còn nỗi đau đớn mệt nhọc nhưng nụ cười gượng nở trên môi. Bàn tay anh khẽ nắm bàn tay mình mến thương tin tưởng ơi người thương binh trẻ tuổi dũng cảm kia ơi, tôi thương anh bằng một tình thương rộng lớn nhưng rất sâu xa: tình thương của một người thầy thuốc trước bệnh nhân, tình thương của một người chị đối với đứa em đau ốm (thực ra San bằng tuổi mình) và tình thương ấy đặc biệt hơn đối với mọi người vì cộng thêm cả lòng mến phục. Anh có thấy điều đó trong cái nhìn lo âu của tôi không? Có thấy bàn tay tôi dịu dàng đặt nhẹ trên vết thương, trên đôi tay xanh gầy của anh đó không? Chúc San mau bình phục để trở về với đội ngũ chiến đấu, trở về với bà mẹ già đang vò võ ngóng trông con từng giờ, từng phút.

12.4.68

Rừng chiều sau một cơn mưa, những lá cây xanh trong trước ánh nắng, mỏng manh xanh gầy như bàn tay một cô gái cấm cung.

Không khí trầm lặng và buồn lạ lùng. Cả khu nhà bệnh nhân im lặng, bên khu nhân viên cũng chỉ nghe thấy tiếng Hường rì rầm trò chuyện với ai. Một nỗi nhớ mênh mang bao trùm quanh mình. Nhớ ai? Nhớ ba, nhớ má, nhớ những người vừa ra đi… và nhớ cả một người bệnh nhân đang chờ mình đến với anh nữa. Bên trong nỗi nhớ hình như có một nỗi buồn sâu kín, thầm lặng nhưng rất nặng nề. Dù sao vết thương lòng vẫn đang rỉ máu, dù mình có muốn lấy công việc lấy mọi nỗi nhớ khác đè lên trên, nó vẫn trỗi dậy, xót xa vô cùng. Hãy quên đi Th. ơi! Hãy quên đi mà tìm lại niềm hy vọng mới vẻ xanh tốt trong lành hơn. Hãy lấy niềm tự hào mà quên đi thất vọng. Con người ấy đâu có xứng đáng với tình yêu trong trắng, chung thuỷ của Thuỳ.
Ơi những người thân yêu của tôi trên quê hương Đức Phổ này, có ai hiểu và cảm thông hết nỗi lòng tôi chăng? Nỗi lòng một cô gái đầy ước mơ hy vọng mà không được đáp lại một cách xứng đáng?

(Trích Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, thuviensach.vn)

Đọc hiểu văn bản: 10.4.68 Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người

Câu 1. Văn bản sử dụng hình thức trần thuật ở ngôi thứ mấy?

Click vào đây để xem đáp án

Văn bản sử dụng hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất

Câu 2. Tính phi hư cấu của văn bản được thể hiện ở những yếu tố nào?

Click vào đây để xem đáp án

Tính phi hư cấu của văn bản được thể hiện ở những yếu tố sau: -Thời gian chính xác: 10.4.68 và 12.4.68
– Câu chuyện về người chiến sĩ San bị thương
– Hình ảnh những người chiến sĩ chuẩn bị lên đường chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Câu 3. Nhận xét hiệu quả của sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình trong văn bản.

Click vào đây để xem đáp án

Nhận xét hiệu quả của sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình trong văn bản.

*Nhận diện:

– Yếu tố tự sự:

+ Nghe anh Tuấn ra lệnh: “Tất cả ba lô lên đường!”. Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại trước mình bắt tay chào mình một lần cuối.

+ mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lại lời chào của mọi người.

+ San ngồi dậy, nét mặt anh còn nỗi đau đớn mệt nhọc nhưng nụ cười gượng nở trên môi. Bàn tay anh khẽ nắm bàn tay mình mến thương tin tưởng.

+ Không khí trầm lặng và buồn lạ lùng. Cả khu nhà bệnh nhân im lặng, bên khu nhân viên cũng chỉ nghe thấy tiếng Hường rì rầm trò chuyện với ai.

– Yếu tố trữ tình:

+ Bỗng dưng một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc trào lên trong mình như mặt sông những ngày mưa lũ

+ Suốt một đêm một ngày lo lắng vì ca mổ của San, chiều nay lòng mình vui sướng xiết bao

+ ơi người thương binh trẻ tuổi dũng cảm kia ơi, tôi thương anh bằng một tình thương rộng lớn nhưng rất sâu xa…

+ Anh có thấy điều đó trong cái nhìn lo âu của tôi không? Có thấy bàn tay tôi dịu dàng đặt nhẹ trên vết thương, trên đôi tay xanh gầy của anh đó không? Chúc San mau bình phục để trở về với đội ngũ chiến đấu, trở về với bà mẹ già đang vò võ ngóng trông con từng giờ, từng phút.

+ Nhớ ba, nhớ má, nhớ những người vừa ra đi… và nhớ cả một người bệnh nhân đang chờ mình đến với anh nữa. Bên trong nỗi nhớ hình như có một nỗi buồn sâu kín, thầm lặng nhưng rất nặng nề

+…

Hiệu quả của sự kết hợp:

– Tái hiện chân thực cuộc sống trong những năm tháng chiến tranh.

– Lột tả một cách chân thực những cảm xúc của con người trong chiến tranh: nhớ nhung người thân, bè bạn; đau buồn trước sự ra đi của đồng đội, đồng bào; sự tiếc nuối, đau thương trước sự dở dang của một cuộc tình thầm kín…

– Diễn tả một thế giới nội tâm của riêng tác giả, tái hiện những cảm xúc, tình cảm thầm kín nhất của con người.

Câu 4. Vẻ đẹp nhân vật trữ tình được thể hiện như thế nào qua đoạn trích trên?

Click vào đây để xem đáp án

Vẻ đẹp nhân vật trữ tình được thể hiện trong đoạn trích:

– Một con người có tâm hồn nhạy cảm, đa sầu đa cảm, giàu tình yêu thương, yêu thương đồng đội, nhớ gia đình da diết, và đang cố quên tình yêu sâu nặng trong trái tim.

– Một bác sĩ trẻ hết lòng chăm sóc bệnh nhân, sống có trách nhiệm…

Câu 5. Từ những tâm sự của tác giả trong đoạn trích trên, anh chị rút ra cho mình một bài học sâu sắc về lẽ sống.

Click vào đây để xem đáp án

– Tâm sự của tác giả:

+ Chiến tranh khốc liệt, gặp gỡ rồi chia xa, con người luôn nén những yêu thương mong nhớ để lên đường đấu tranh chống lại kẻ thù để mong được trở về với gia đình, về với miền Bắc thân yêu.

+ Nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ da diết, luôn dặn lòng mình phải cố gắng vượt qua nỗi buồn, nỗi cô đơn để sống tốt, sống hết lòng cứu chữa cho bệnh nhân, thương binh.

-Bài học về lẽ sống:

+ Chúng ta phải biết ơn thế hệ cha anh đã hi sinh tuổi trẻ, hạnh phúc của mình để chiến đấu vì nền độc lập tự do, đem lại cuộc sống hòa bình cho chúng ta ngày hôm nay

+ Thế hệ trẻ cần phải ra sức học tập, rèn luyện đạo đức, sống trách nhiệm, biết cống hiến hết mình, khi Tổ quốc cần chúng ta biết hi sinh để xứng đáng với thế hệ cha anh…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *