Đọc hiểu truyện: Thương quá rau răm Ông Tư Mốt chỉ cái dãi xanh mù mù

Đọc đoạn trích sau:

Ông Tư Mốt chỉ cái dãi xanh mù mù trong mưa, bảo cù lao Mút Cà Tha kìa. Văn ờ, nói thấy xa quá chú ha. Ông cười, gạt ngang, xa gì, đây tới đó mấy hồi. Rồi chiếc xuồng máy nhỏ mong manh rập rờn đi trong giông gió. Người thành phố ngồi ngấm cái “mấy hồi” của ông già, mừng tủi thấy màu xanh cây cỏ cù lao đã thẫm trước mắt (mà sau mới biết mình mừng hụt). Mưa dịu lại, hạt nhỏ rức nhưng gió mạnh lên, thổi xà quần , không biết đâu là chiều hướng. Ông Tư quăng cho Văn cái can nhựa còn ít xăng, bảo, tới khúc “mức” nghen, coi chừng lật xuồng. Mà, có kịp coi gì, Văn thấy mình ngã ập xuống nước, hành lý trôi mất, lên tới bờ anh chỉ còn trụi trơ bộ đồ đang mặc. Ông Tư kè chiếc xuồng vô sau, dậm chân dậm cẳng bứt đầu gãi tóc như thể mình vừa lỡ tay làm nên cơn giông chiều nay. Bởi ông biết rằng, mưa gió kia, sóng nước mênh mông kia và cả màu chiều đang lịm dần kia sẽ làm cho người bác sĩ trẻ nầy thất vọng. Bác sĩ thứ sáu về làm việc ở trạm xá cù lao. Năm người trước đã ra đi, đi vì không chịu nổi thiếu thốn. Và buồn.
Cù lao Mút Cà Tha nằm gần cuối sông Dài, trên nó một chút có một nhánh sông khác rẽ về phía mặt trời, rộn rịp được đoạn đó rồi thôi. Mút Cà Tha nằm hiu hắt, lâu lâu mới thấy bóng dáng một con tàu lớ ngớ chạy vào rồi lại tẽn tò quay ra vì lầm đường, vì không biết đằng sau cù lao, sông cụt. Ngó sông vắng vẻ quá trời buồn, nhìn cảnh cù lao còn buồn hơn. Buồn từ mùi ổi chín phảng phất trong vườn, từ giọng người ới lên một tiếng rồi bặt, dư âm còn thâm u trên các ngọn cây, tiếng cạo cơm cháy xa vẳng trong nắng chiều… Từ mé rừng mắm chống lở đất phía bên nầy, đi hết vườn cây nầy gặp được một căn nhà thì lại tiếp đến vườn cây trái khác. Cuối cùng là bãi bồi, dây khoai lang bò xùm xòa phủ kín đất. Bóng người ẩn hiện dọn cỏ dưới các gốc cây […].

(Trích Thương quá rau răm, Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, NXB Trẻ, 2020, tr.17-18)

Đọc hiểu truyện: Thương quá rau răm Ông Tư Mốt chỉ cái dãi xanh mù mù

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định ngôi kể trong đoạn trích.

Click vào đây để xem đáp án

Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ 3

Câu 2. Cụm từ người thành phố trong đoạn trích dùng để chỉ nhân vật nào?

Click vào đây để xem đáp án

Cụm từ người thành phố dùng để chỉ nhân vật Văn.

Câu 3. Trình bày tác dụng của thành phần biệt lập trong câu văn sau: Người thành phố ngồi ngấm cái “mấy hồi” của ông già, mừng tủi thấy màu xanh cây cỏ cù lao đã thẫm trước mắt (mà sau mới biết mình mừng hụt).

Click vào đây để xem đáp án

– Học sinh chỉ ra được thành phần biệt lập:
Thành phần phụ chú (chêm xen): (mà sau mới biết mình mừng hụt)

– Học sinh trình bày được tác dụng của thành phần biệt lập trong câu văn: Bổ sung thông tin cho thành phần đứng trước, giúp người đọc hiểu rõ hơn về tâm trạng và hoàn cảnh của nhân vật Văn: Niềm vui mừng khi sắp đến cù lao Mút Cà Tha hóa ra là mừng hụt.

Câu 4. Ông Tư kè chiếc xuồng vô sau, dậm chân dậm cẳng bứt đầu gãi tóc như thể mình vừa lỡ tay làm nên cơn giông chiều nay. Bởi ông biết rằng, mưa gió kia, sóng nước mênh mông kia và cả màu chiều đang lịm dần kia sẽ làm cho người bác sĩ trẻ nầy thất vọng. Bác sĩ thứ sáu về làm việc ở trạm xá cù lao. Năm người trước đã ra đi, đi vì không chịu nổi thiếu thốn. Và buồn.

Những câu văn trên giúp em hiểu gì về tâm trạng của nhân vật ông Tư?

Click vào đây để xem đáp án

Tâm trạng của nhân vật ông Tư:

– Bối rối, bực bội, tự trách mình (dậm chân dậm cẳng bứt đầu gãi tóc)

– Lo lắng Văn sẽ vì những trải nghiệm ban đầu không tốt (bị ngã, trôi hết đồ đạc..) mà thất vọng, không có cảm tình với đất Mút Cà Tha rồi bỏ đi giống như năm người bác sĩ trước đó.

Câu 5. Từ cảm nhận của nhân vật ông Tư về cù lao Mút Cà Tha trong đoạn trích, em có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa con người và mảnh đất quê hương?

Click vào đây để xem đáp án

– Cảm nhận của ông Tư về Mút Cà Tha: Trong cảm nhận của ông Tư, Mút Cà Tha là vùng đất nghèo và buồn nhưng vô cùng gắn bó với bản thân ông.

– Suy nghĩ của mình về mối quan hệ giữa con người với mảnh đất quê hương. Có thể theo hướng: con người và mảnh đất quê hương có mối quan hệ gắn bó thiêng liêng; con người nhân nghĩa là con người biết yêu thương, gắn bó, lo lắng cho quê hương mình;…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *