Đọc văn bản sau:
Chuyện đã xảy ra hơn chục năm, nhưng lão Khổ ngẫm còn đau mãi đến bây giờ.
Vụ lúa chiêm năm ấy, càng về cuối càng thuận. Đúng vào kỳ lúa đỏ đuôi, vòm trời thật nở nang. Nắng đến sướng. Nhờ ông trời cứ kéo cái nắng cho qua kỳ thu hoạch. Chỉ cần lôi được hạt lúa về nhà, còn sau đó, chuyện phơi phóng là chuyện vặt. Từ đồng trên xuống đồng dưới, lúa tràn cả lên bờ. Mỗi lần vác cuốc làm phép đi thăm đồng, lão Khổ lại khấp khởi mừng. Thật là trời giúp lão. Đúng vào năm lão nhiều công nhất thì được mùa.
Mà để có cái ngày sướng con mắt chẳng riêng gì lão, cả gần ngàn dân làng Cổ đã từng héo gan, héo ruột. Những ngày ấy, ruột lão tím bầm. Không biết còn mất mùa đến bao giờ. Nhổ lên cắm xuống có đến vài lượt mà vẫn chỉ thấy đất nổi váng. Mặt ruộng tím tái, se sắt như mặt người sắp chết cóng. Nhiều người khôn ngoan khuyên lão sắm sọt chạy chợ, lão lý lại:
– Hạt thóc chỉ có từ đất. Ai cũng chạy chợ cả thì rồi có lúc đeo vàng mà chết đói.
[…] Bây giờ thì mọi vận hạn đã qua. Lão Khổ đứng giữa đồng lúa, hà hít căng lồng ngực hương thơm ngầy ngậy ngòn ngọt, tâm hồn sảng khoái cực độ. Lão vốn không tin vào trời. Chẳng qua còng lưng ra mà đánh vật với đất, đào xới miếng ăn từ đất chứ cứ ngồi đấy chờ đến số, có mà giã họng!
(Lược một đoạn: Ông Khổ đến nhà Toản – bí thư Đảng ủy, một kẻ tham danh hám vị để bàn chuyện gặt lúa sớm, theo kinh nghiệm các cụ xưa nay đã dạy: “Xanh nhà hơn già đồng”, trời thì nay nắng mai mưa, nên thu hoạch lúa sớm cho đảm bảo. Thế nhưng Toản không đồng ý vì hắn và ủy ban đã có kế hoạch mời cán bộ ở huyện về tham quan xã, để họ thấy xã của ông Khổ làm ăn dưới chỉ đạo của hắn năng suất thế nào, mục đích để khoe khoang). […] Tự dung lão Khổ thấy vô duyên. “Thây kệ chúng mày! Đến lúc dân người ta đào mả chúng mày lên, đừng có trách”.Nhưng lão cấm chỉ vợ và con cái không được tham gia đón rước gì ráo! Có cái thói đâu chưa làm đã lo không thổi được nhau lên. Ở đâu cũng “tốt đẹp” mà dân cứ đói nhăn ra thì không thấy ai hỏi.
Còn ba ngày nữa đoàn tham quan đến xã. Loa đài gọi ơi ới, ỏm tỏi cả lên. Cửa hàng mua bán mang hàng vào tận làng Cổ, là điều xưa nay chưa từng thấy. Các loại cán bộ tự nhiên đâm ra tận tụy, hết lòng vì dân. Chẳng ai một lần chịu ngước trông trời. Đến khi cơn gió xoáy giật tung mấy băng khẩu hiệu thì chính lão Khổ thất sắc! Đánh nhoàng một cái bầu trời như toàn bằng đá! Mà đá thật. Đá trút xuống ào ào, khua lên mái ngói như sắp đổ sập xuống tất cả. Đá đổ xuống thành lớp, dồn đống lại. Thôi thì đủ thứ kêu gào. Trẻ con nhảy lên vì được ăn đá, dùng đá xát lên mặt rồi xuýt xoa. Người nhiều công điểm như lão Khổ thì ngất đi được. Qua làn đá quất ràn rạt, hàng trăm cặp mắt thất vọng, căm tức hướng về phía những thửa ruộng đầy ắp, đang nát bét dưới tai họa trời giáng!
Chỉ chờ dứt mưa, lão Khổ đâm bổ ra đồng. Hỡi ôi, lão úp tay lên mặt khóc rưng rức. Còn đâu nữa là mùa màng. Thay cho màu vàng óng là màu xám xịt của những cọng rơm ngấm nước, rối vào nhau, đâm chổng lên trời như bị ai vò. Vạch gốc ra, đưa tay sờ thấy một lượt thóc rải xuống bùn, tưởng ruột gan bị đâm bị rạch bằng gai.
Trong làn nước mắt cay đắng, lão Khổ thấy nếp nhà năm gian lão dự định xây bằng thóc thu hoach, vỡ tan như bong bóng.
(Trích: Lũ vịt giời, Tạ Duy Anh, Tuyển tập truyện ngắn 75 gương mặt văn nghệ, NXB Hội nhà văn, tr.561-564)
Câu 1. Xác định ngôi kể và điểm nhìn trần thuật của đoạn trích.
Câu 2. Tóm tắt tình huống truyện của đoạn trích.
Câu 3. Em có đồng tình với suy nghĩ của ông Khổ rằng: Hạt thóc chỉ có từ đất. Ai cũng chạy chợ cả thì rồi có lúc đeo vàng mà chết đói? Vì sao?
Câu 4. Nêu cảm nhận của em về chi tiết: Hỡi ôi, lão úp tay lên mặt khóc rưng rức.
Câu 5. Qua đoạn trích, em hiểu như thế nào về cuộc sống người nông dân lúc bấy giờ?
Câu 6. Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của anh/chị về nhân vật ông Khổ trong đoạn văn bản Đọc hiểu.